Wednesday, June 7, 2017

Ông Phúc đi thụ huấn ở Hoa Kỳ?

BìnhLuân

Đảng CSVN là biểu tượng của những bản năng và dục vọng thấp hèn nhất của con người. Chính vì thế dù có công du ngoại quốc nhiều, tốn hao công quỹ, các nhà lãnh đạo CS cũng không học hỏi được bao nhiêu hầu xây dựng dân chủ và phú cường cho dân tộc. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Bùi Tín với tựa đề: “Ông Phúc đi thụ huấn ở Hoa Kỳ?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ông Donald Trump vậy mà rất thâm. Có nghĩa là có mưu cao, ý định sâu sắc.
Ông mời ông Phúc sang Washington, coi là vị khách đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, có giấy mời cẩn thận được trao tay cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Sau khi gặp ông Trump, phía Hoa Kỳ sắp xếp để ông Phúc đến đọc “bài diễn văn đặc biệt” tại trụ sở Tổ chức Heritage Foundation, có thể tạm dịch là Viện Di Sản của Hoa Kỳ. Đây là một tổ chức chính trị phi lợi nhuận mang tính chất “bảo thủ” rất cao, với cái nghĩa tốt đẹp là bảo vệ những giá trị truyền thống cao quý của Hoa Kỳ.
Heritage Foundation là tổ chức không vụ lợi, thành lập từ năm 1973, có hơn nửa triệu thành viên đóng niêm liễm hàng năm, có mục tiêu: “Thực hiện viễn kiến xây dựng một nước Hoa Kỳ Tự Do, Thịnh Vượng, với xã hội Dân Sự khởi sắc”.
Chủ trương của Viện này là: “Hỗ trợ cho doanh nghiệp và thị trường Hoa Kỳ qua cơ chế và pháp luật”.
Nhân vật lịch sử được Viện này đề cao nhất là ông Thomas Jefferson, tổng thống Hoa Kỳ từng viết dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, người được dân Mỹ coi là một trong những người Cha của nền dân chủ nước mình.
Mới đây tạp chí của Viện đã công bố bản thống kê về quyền tự do kinh doanh trên toàn thế giới đầu năm 2017, cho biết Việt Nam đứng thứ hạng 147, dưới Myanmar thứ 146. Việt Nam bị xếp vào loại nước “chủ yếu không có tự do” (mostly unfree), Việt Nam cũng bị xếp là đèn đỏ (hạng cuối) về Tự Do ở Đông Nam Á, trong khi Singapore được xếp thứ 2, Đài Loan thứ 11 và Hàn Quốc thứ 23 so với tòan thế giới.
Vậy thì ông Phúc nói được điều gì trước diễn đàn to lớn, giữa những nhà tạo nên chính sách kinh tế của Hoa Kỳ, những “think tank” (túi khôn) kiệt xuất nhất của nước Mỹ.
Chẳng lẽ ông lại khoe về chính sách đặc sắc “lấy kinh tế quốc doanh của Nhà Nước làm chủ đạo cho nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, một chính sách nuông chiều thái quá các tập đòan quốc doanh, dẫn đến phá sản hàng lọat tập đoàn từ khai khoáng, khoan dầu, đóng tàu thủy đến sắt thép, phân đạm, máy nhiệt điện, thủy điện, ngân hàng… làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng? Chính cái chính sách ấy đã bóp chết tự do kinh doanh của tất cả các nhà kinh doanh tư nhân vừa và nhỏ, chèn ép giai cấp trung lưu đông đảo vốn phải là bệ đỡ vững chãi cho một nền kinh tế phồn vinh có lợi cho toàn xã hội?

Hay là ông khoe về nền kinh tế nông nghiệp, khi phương châm “đất đai, ruộng đồng là thuộc quyền sở hữu của tòan dân, do Nhà nước (Cộng Sản) thống nhất quản lý”, triệt tiêu quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do canh tác của nông dân, làm cho nông thôn tiêu điều, nông nghiệp lụn bại, nông dân bơ vơ trên đồng ruộng vốn là của mình từ thuở xa xưa.
Có thể nói tất cả các chính sách kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, đối ngoại của Việt Nam đối chiếu với lý tưởng, tiêu chí tự do kinh tế, tự do kinh doanh, tự do cá nhân của Heritage Foundation đều khác nhau rất xa, đối nghịch nhau như nước với lửa. Không thể có một sự đồng cảm nào dù nhỏ nhất. Cho nên ông Phúc không thể làm vừa lòng mảy may một cử tọa thượng thặng như thế.
Hay là ông chỉ còn biết đề ra chuyện đặt mua vài tỷ đôla máy bay, xe tải, tàu thủy, máy điện của Hoa Kỳ để làm vừa lòng các nhà tư bản Mỹ và ông Trump? Điều đó các nhà kinh tế và học giả Hoa Kỳ không mấy quan tâm, khi ông Trump vừa thăm A-rập Xê-út mang về đến 380 tỷ đôla đặt hàng với lợi nhuận rất cao.
Nếu thật sự trung thực, biết điều, biết “gần dân, trọng dân” – như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tự khoe, ông Phúc nên khiêm tốn học những điều tốt, điều hay trong tôn chỉ, mục tiêu cao quý của Heritage Foundation là tự nguyện thực hiện tự do kinh tế, tự do bình đẳng trong kinh doanh, đưa dần Việt Nam thóat ra khỏi vị trí đèn đỏ, thứ 147, không mấy đẹp đẽ, thoát khỏi loại nước “chủ yếu không có tự do”, do chính Tổ chức này công bố trước khi ông Phúc đến để đăng đàn. Ông Phúc hãy coi đây là chuyến đi thụ huấn, đi học hỏi có lợi.
Ông Donald Trump và cố vấn đối ngoại thật khôn và thâm. Họ cố tình khuyên khéo ông Phúc là hãy bớt độc đoán đi, hãy nói và làm dân chủ, hãy nói và làm tự do đi, điều đó sẽ là con đường khôn ngoan ngắn nhất để nâng cao và thắt chặt tình bạn Việt-Mỹ.
Xin chớ cho rằng ông Donald Trump không quan tâm nhân quyền ở Việt Nam? Sao bà Melania lại biểu dương cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sao bộ ngọai giao Hoa Kỳ lại chọn cô Lưu Thị Quyên, 23 tuổi, ở Hà Nội để trao phần thưởng Tài Năng Lãnh đạo Trẻ tòan cầu chỉ vài ngày trước khi ông Phúc sang Mỹ./.
Bùi Tín

No comments:

Post a Comment