Ngóng càng thêm cao,
Khen càng thêm bền.
Bỗng sau lưng đó,
Xem lại trước liền.
Đó là Thượng Sĩ,
Vậy mới là Thiền.
Đó là 6 câu thơ của vua Trần Nhân Tông, Thiền Tổ Trúc Lâm ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Tuệ Trung Thượng Sĩ tên là Trần Quốc Tung sinh năm 1230 tại phủ Thiên Tường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, là anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là học trò xuất sắc nhất của thiền sư Tiêu Dao, một nhân vật nổi tiếng cuối thời nhà Lý.
Sau khi An Sinh Vương Trần Liễu qua đời năm 1251, Trần Quốc Tung được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi, phong tước Hưng Ninh Vương và thừa kế đất thang mộc của cha ở vùng Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (thuộc hai huyện Đông Triều và Yên Hưng, Quảng Ninh ngày nay).
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1287), Trần Quốc Tung đều trực tiếp tham gia. Sử chép rằng ngày 10 tháng 6 năm 1285, ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt (sông Cầu).
Trong cuộc kháng chiến lần thứ 3, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, đến doanh trại địch quân trá hàng, làm cho địch quân mất cảnh giác, sau đó vua nhà Trần mang quân đến đánh phá.
Đã có lúc ông được cử trông coi quân dân vùng đất Lộ Hồng và góp công vào việc xây dựng vững chãi vùng phên giậu phía Đông của kinh thành Thăng Long, việc này có lợi rất nhiều trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nguyên – Mông xâm lược hùng mạnh nhất thế giới thời đó.
Sau khi kháng chiến thành công, ông được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Nhưng không lâu sau ông lại lui về ấp Tịnh Bang (nay ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) lập Dưỡng Chân Trang để theo đuổi nghiệp thiền.
Năm 1290, Thượng hoàng Trần Thánh Tông băng hà, Tuệ Trung về kinh đô chịu tang.
Vài tháng sau, ông bị nhiễm bệnh ở Dưỡng Chân Trang và mất vào năm 1291, hưởng thọ 61 tuổi.
Tác phẩm Thượng Sĩ Ngữ Lục của Tuệ Trung hiện còn 49 bài thơ. Việc ông tu theo đạo Phật, trước hết là giác ngộ cho mình, sau đó giác ngộ cho mọi người. Ông không xem trọng hình thức, không lên chùa mà tu tại gia, ông nói:
Khi mê thấy không sắc,
Khi ngộ hết sắc không.
Sắc không và mê ngộ,
Xưa nay một lẽ đồng.
*****
Đời nhà Lý có Thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng, được xem là một quốc sư mẫn tuệ, một chiến lược gia tài ba, một nhà ngoại giao tuyệt vời. Ngài là một khai quốc công thần của triều nhà Lý, với một tâm nguyện lớn của bậc cao tăng Phật giáo là dùng hết công sức để xây dựng một triều đại thanh bình thịnh trị, để củng cố nền độc lập lâu dài cho dân Đại Việt.
Nhưng điều đáng khâm phục nhất là đứng trước những giờ phút sinh tử của đất nước, của dân tộc, Thiền sư Vạn Hạnh đã không bỏ “đời” để chọn “đạo”. Vì thế, để tưởng nhớ công đức của người khai sáng triều đại nhà Lý – một trong những triều đại nổi bật nhất trong sử Việt – vua Lý Nhân Tông đã viết bài kệ Truy tán Vạn Hạnh Thiền Sư.
Tiếp đến, nhà Trần là một trong những triều đại uy mãnh vào hàng bậc nhất lịch sử dân tộc, với những chiến công hiển hách, ba lần đại thắng quân Nguyên – Mông. Đây cũng là một triều đại không chỉ chuộng sức mạnh mà còn chăm lo cho đời sống tâm linh và văn hóa.
Đời nhà Trần cũng đã xuất hiện nhiều thiền sư trác tuyệt xuất thân từ vua quan, không bận lòng với công danh phú quý. Nhờ thấm nhuần chánh pháp, nên thời nhà Trần cũng là một trong những thời vàng son của dân tộc Việt. Phật giáo thời nhà Trần đi vào lịch sử phát triển tư tưởng dân tộc.
Cũng giống như Vạn Hạnh Thiền Sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã góp phần hình thành nền văn hiến chống lại xu thế đồng hóa từ phương Bắc.
Ngoài chữ dũng của một vị tướng, Tuệ Trung Thượng Sĩ còn là một cư sĩ tinh thông về đạo Phật. Ông không chỉ là thầy của vua Trần Nhân Tông, phái Trúc Lâm mà còn là một tư tưởng gia của dân tộc Việt. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng, có ảnh hưởng không chỉ đối với Phật giáo thời Trần mà còn đối với học thuật của thời nhà Trần. Ông đã góp phần tạo nên tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam.
Tuệ Trung Thượng Sĩ đã góp phần đặt cơ sở cho chủ trương “Thiền Giáo đồng hành” (kết hợp chặt chẽ giữa thiền với học tập) trong giác ngộ của Phật giáo Việt Nam sau này. Với những đóng góp về văn hóa, xây dựng nền văn hiến cho dân tộc, tên tuổi Tuệ Trung Thượng Sĩ xứng đáng được vinh danh trong trang sử Việt.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment