Như vậy là sau hơn tám tháng bị giam cầm, Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng sẽ “được” đưa ra tòa án xét xử và kết tội. Gọi là “được đưa ra tòa” vì thời gian bị giam cầm trong trại tạm giam để điều tra của Quỳnh so với nhiều người tù cùng chí hướng khác ngắn hơn. Nhưng chớ tưởng đấy là “chính sách nhân đạo” của đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Khoan nói về sức ép quốc tế và công luận áp đặt lên nhà cầm quyền qua vụ bắt Quỳnh, không ai biết trong tám tháng qua, chuyện gì đã xảy ra với blogger này trong bốn bức tường nhà giam.
Mẹ của Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan không được biết bất cứ một tin
tức nào về con gái mình. Kinh nghiệm tù đày của các Tù Nhân Lương Tâm đi
trước cho bà biết cần phải làm gì cho con gái, nhưng cũng mang lại
không ít âu lo cho bà. Những cái chết bất thường của công dân trong nhà
tù, các đồn công an, trong các trụ sở công quyền do công an quản lý càng
dấy lên trong bà Lan và nhiều người khác nỗi lo lắng, kinh hãi. Chưa kể
“tội” của Quỳnh ngoài việc đấu tranh cho tự do, nhân quyền, còn dám
chống lại Formosa, bảo vệ môi trường và tày đình hơn, còn cùng với Mạng
Lưới Blogger Việt Nam thu thập tài liệu về các vụ công dân chết trong
đồn công an – “Stop police killing civilians”. Chỉ từng ấy lý do thôi,
chúng ta có thể hình dung phần nào những khó khăn, hiểm nguy mà blogger
này phải đối diện trong nhà tù.
Phiên tòa của Quỳnh chắc chắn sẽ lại là một phiên xử kín như đã từng
diễn ra như thế với tất cả những người bất đồng chính kiến, mặc dù nó
cũng được dán nhãn “xét xử công khai” như ai. Và bản án sẽ lại là một
“án bỏ túi” mà số năm tù không phụ thuộc vào tội trạng (vì làm gì có
tội), mà sẽ được định đoạt bởi những kẻ bảo vệ chế độ độc tài, một phần
nhỏ phụ thuộc vào thái độ của người bị cầm tù. Thỏa hiệp hoặc đầu hàng
với cái ác, cái xấu, với bạo quyền sẽ lãnh một bản án “mềm” hơn là ngẩng
cao đầu không khuất phục.
Chỉ còn một ngày nữa là diễn ra “phiên tòa công khai” xét xử Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh, nhưng mẹ của blogger này vẫn chưa (và có thể sẽ không)
được cấp giấy vào tham dự phiên tòa kết tội con gái mình. Trên facebook
cá nhân, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan bày tỏ:
“Sáng nay lúc 11h15′ ngày 19/06/2017, tôi đã đến tòa án tỉnh Khánh
Hòa để hỏi về việc tôi chưa có giấy mời để tham dự phiên tòa xét xử công
khai con gái tôi là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh như công bố của tòa án Tỉnh
Khánh Hòa. Cô thư ký Trịnh Thị Biên trả lời rằng vì đây là “phiên tòa
đặc thù” nên tôi không được tham dự”.
Bà Lan sau đó đã phải làm đơn yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy
cho bà tham dự phiên tòa nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trên thực tế, mọi công dân đều được quyền tham dự, đến quan sát các
phiên tòa công khai và tất cả những hành vi ngăn cấm, gây khó khăn cho
công dân thực thi quyền này đều vi phạm pháp luật. Bà Lan và mọi công
dân khác đều có quyền tham dự phiên tòa mà không cần phải làm đơn hay
xin xỏ dưới bất kỳ hình thức nào. Có rất nhiều lý do được tòa án đưa ra
để ngăn cản quyền tiếp cận phiên tòa của công dân, Nhưng có lẽ đây là
lần đầu tiên, khái niệm “phiên tòa đặc thù” được đưa ra sử dụng. Không
khỏi nực cười với cách phát ngôn và tư duy của những người cộng sản.
Song có lẽ cô Trịnh Thị Biên nói thật, đây là “phiên tòa đặc biệt trả
thù” những người dám chống chế độ, nhưng được nói lái thành “phiên tòa
đặc thù”.
Sẽ không ai trong số những người bạn, những người yêu mến Mẹ Nấm –
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào được trong khán phòng để chứng kiến diễn biến
phiên xét xử blogger yêu nước này. Nhưng tôi biết, ngay từ khi có thông
tin về ngày mở phiên tòa, nhiều người đã “rục rịch” đi. “Dù không thể
bén mảng đến gần trụ sở tòa án, thậm chí bị bắt ngay trên đường đến Nha
Trang, tôi cũng sẽ đi. Đi để cô Lan, để công luận biết rằng còn rất
nhiều người quan tâm và ủng hộ những gì chị Quỳnh làm”, một người bạn
của tôi và của Quỳnh đã tâm sự như thế.
Với tư cách là một người chị, người bạn và người đồng sáng lập ra
Mạng Lưới Blogger Việt Nam, hơn ai hết tôi cần có mặt tại Nha Trang
trong thời gian diễn ra phiên tòa của Quỳnh. Để cho dù không được vào
chứng kiến những gì diễn ra với Quỳnh trong ngày đáng nhớ ấy, thì chí ít
cũng ủi an, nâng đỡ tinh thần cho mẹ, cho các con của Quỳnh đúng chức
phận một người bạn của gia đình. Sức khỏe không tốt, lại đang trong thời
kỳ thai nghén khiến tôi không thể bước chân ra khỏi nhà. Thậm chí, ngồi
trên máy tính một tiếng đồng hồ cũng là điều quá sức với tôi trong thời
gian này.
Nghĩ đến Quỳnh, tôi xót xa nhận ra rằng, những người hoạt động nhân
quyền khi bị bắt giam thường phải đối mặt với hai bản án. Một là bản án
của CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI, và hai, chính là bản án của CÔNG LUẬN áp đặt lên
mình. Người yêu mến, đồng tình thì khen ngợi, thậm chí ca ngợi, bày tỏ
sự đồng cảm hay bênh vực cho dù “nhân vật” có thể hiện thái độ “không
cứng lắm” (ví dụ nhận “tội” chẳng hạn) trước tòa – một hành động ít được
công luận mong chờ. Kẻ không ưa, thậm chí đố kỵ, ghét (có nhiều lý do
trong đó không loại trừ cả sự hiểu lầm…) thì bản án công luận dành cho
“đương sự” khắc nghiệt vô cùng.
Nếu người bị ghét “nhận tội” trước tòa thì kể như… xong, miễn bình
luận. Nếu bạn thể hiện thái độ can đảm trước tòa và trong suốt thời gian
ở tù, chưa chắc những người “không ưa” bạn sẽ có suy nghĩ khác, tích
cực và công tâm hơn về bạn. Chưa biết chừng còn dính “nghi án” hai mang,
thậm chí “giả vờ” đi tù hay bla bla bla.
Thế mới biết, trong một số trường hợp thì BẢN ÁN CÔNG LUẬN nghiệt ngã
và khó khăn không kém BẢN ÁN CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI. Người thật sự bản lĩnh và
có tấm lòng ngay thẳng là người biết rõ việc làm, vị thế, lý tưởng của
mình.
Tôi đã chứng kiến khoảng thời gian hơn mười năm qua, bao nhiêu người
bị vào tù, bị kết tội, bao nhiêu người đã kiên cường và tiếp tục tranh
đấu cho những giá trị tốt đẹp. Cũng có một vài người lặng lẽ rút lui vì
nhiều lý do khác nhau. Dù thế nào, họ đều là những con người đáng trân
trọng.
Là một người hoạt động chung với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong Mạng
Lưới Blogger Việt Nam, tôi sẽ không nói trước về thái độ của Quỳnh trong
phiên tòa như đã từng giữ thái độ như thế trước mỗi phiên tòa cộng sản
“xét xử” người yêu nước.
Tôi cũng không tin sẽ có một phiên tòa công bằng của chế độ dành cho
Quỳnh bởi nếu trên đất nước này có luật pháp, có công bằng thì đã không
có những người tù lương tâm như Quỳnh và bao người khác. Nhưng, tôi vẫn
tin Quỳnh là người bản lĩnh như đã từng như thế và nếu có một bản án
khác thiếu công tâm ngoài bản án của chế độ, tôi tin Quỳnh vẫn luôn là
người ngay thẳng, tự tin, thêm một chút sâu lắng và mặn mà của những khổ
luyện trong ngục tù.
Bài viết này, như một lời tạ lỗi gửi tới Quỳnh, gửi tới cô Lan và hai
bé Nấm và Gấu. Ngày người ta đưa Quỳnh ra xử vì tội yêu nước, tôi đau
đớn không thể có mặt cùng người bạn đồng hành thân yêu của tôi.
Phạm Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment