Thursday, June 29, 2017

LAM PHƯƠNG DÒNG NHẠC MIỀN NAM MẾN YÊU

ThiCaYêuNước

Ngô Quốc Sĩ
Lam Phương sinh tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Năm 10 tuổi, ông lên Sài Gòn học, bắt đầu học nhạc, và được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn. Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết vào năm 15 tuổi. Thành công với tác phẩm đầu tay, Lam Phương càng miệt mài sáng tác. Ba năm sau, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa..

Ngày 30/4/1975, Lam Phương lên tàu Trường Xuân tị nạn và định cư tại Virginia, sau chuyển về Texas, rồi California. Sau khi ly dị với Túy Hồng, ông sang Paris, Pháp, gặp được một tình yêu mới, đã kết hôn, nhưng rồi cũng chia tay!
Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác. Tháng 8/2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ của trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương.
Là một nhạc sĩ với tâm hồn lãng mạn, hẳn nhiên Lam Phương không thoát khỏi lưới tình. Ông đã yêu, yêu say đắm, nhưng không ngờ tình yêu ban đầu đó đổ vỡ, như đàn đứt dây, làm cho con tim ơ hờ, mãi mãi sầu nhớ
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiềụ.
Anh thấy đẹp hơn..
Anh đâu ngờ
Có ngày đàn đứt dây tơ
Một phút tim anh ơ hờ
Trọn kiếp anh vương sầu nhớ
Hẳn nhiên mối tình đầu thường là mối tình đẹp nhất, dù có tan vỡ, để lại vết thương trong lòng, nhưng vẫn mãi là kỷ niệm đáng nhớ, như thú đau thương khẽ nhấp:
Em ơi phải chăng phút giây ngày ấy
Đôi tim ước mộng bấy lâu thành lời
Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta
Phút giây ban đầu mãi không phai nhòa.
Tha thiết với tình yêu nam nữ, Lam Phương cũng rất mặn mà với tình quê hương dấu yêu. Nhạc Lam Phương đậm nét với những hình ảnh quen thuộc của thôn quê miền Nam, như cảnh múa hát ngày mùa dưới trăng sáng:
Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát
Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời
Và vui nhất là tiếng chày giã gạo vẳng trong đêm khuya:
Nầy anh em ơi ! Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh
Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi
khoan hò khoan tiếng chày khua vang mãi trong đêm dàị
Bên cạnh hình ảnh thanh bình quê hương miền Nam, Lam Phương cũng cảm thấy khắc khoải với tình cảnh đất nước bị chia cắt 1954, với cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, làm cho gia đình ly tán, em phải xa anh, người Nam kẻ Bắc:
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, làm cho dân Việt phải xa nhau, lòng thổn thức, chờ mong ngày nối lại đôi bờ ngăn cách, anh và em đoàn viên để sưởi ấm lòng nhau:
Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng
Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm
Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà
Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau
Ly cách 1954, cả triệu người rời bỏ quê hương miền Bắc vào miền Nam tìm tự do, tuy đau đớn, nhưng chưa đến nỗi bi đát lắm, vì người di cư vẫn đuợc tái định cư trên đất mẹ Việt Nam với cuộc sống ấm êm trù phú.
Đến như cuộc ly cách 1975 mới thật sự bi đát. Dân Việt phải rời bỏ quê hương, lao vào biển cả để tìm đất sống. Lam Phương đã cảm nghiệm niềm đau tốt cùng đó trên chuyến tàu định mệnh:
Ra đi trong giờ đau thương
lúc quê hương bàng hoàng
Người say phút vinh quang
Ai đi ai ở nào hay
người Đông kẻ phương Tây
cùng sống trong đọa đày
Từ niềm đau chất ngất đó, người nhạc sĩ đã không quên dặn dò dân Việt chớ quên nỗi bất hạnh của dân tộc và nuôi chí phục thù:
Trùng dương bát ngát … người ơi!
Sóng dâng cao vời vợi
Thuyền trôi biết về đâu ?
Mai ta phiêu bạt nơi nao ?
Đừng quên phút gian lao
Ra đi trong đau thương, dân Việt luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh quê hương khổ đau. Một lần về thăm quê hương Tây Đô, Lam Phương đã có dịp chứng kiến cảnh quê hương đổi thay, mất mát, như thể thiên đuờng biến thành địa ngục. Nếu ngày nào, Trần Dần “buớc đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ Đỏ”, thì hôm nay, Lam Phương buớc đi, cũng chí tháy quê hương màu đen, tang tóc thê lương:
Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô
Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều
Sao anh không thấy về Ninh Kiều
Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen
Đen như manh áo buồn chưa quen
Mỉa mai thay! Cộng sản đã dùng chiêu bài “ giải phóng” để đánh lừa dân Việt và thế giới, mà thực chất chỉ là thu tóm toàn cỏi đất nước vào cùm Đỏ, đọa đày dân Việt trong cảnh lầm than đói rách, đến nỗi mẹ thèm cả miếng trầu, con đói khát rách rưới, vợ mòn mỏi ngóng tin chồng rũ liệt trong ngục tối:
Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay
Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày
Vợ chờ tin chồng ngày về quá xa xăm
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ?
Điều đáng khích lệ là Lam Phương đã không đánh mất niềm tin. Ông vẫn mơ một ngày về vinh quang, và quê hương thân yêu, tiêu biểu là Tây Đô sẻ bừng dậy sức sống:
Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương
Tây Đô sẽ sống lại yêu thương
Trầm Tử Thiêng, Trúc Hồ, Nguyệt Ánh đã mơ một ngày về. Lam Phương cũng mơ một ngày về sạch bóng thù trong giặc ngoài. Đó là ước ơ của toàn dân Việt. Uớc mơ đó đang thành tựu với những diễn biến khích lệ tại Việt Nam khi người dân đã bước qua bức tường sợ hãi, quyết đem mạng sống thách đố với bạo lực cuờng quyền..
Đây Đông Yên! Đây Phú yên Song Ngọc! Và đây Đồng Tâm! Việt Nam sẽ sống lại yêu thương…

No comments:

Post a Comment