Tuesday, June 27, 2017

Đồng Tâm – cùng tắc biến

BìnhLuân

Người ta hay nói “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Không biết quy luật đó liệu có ứng vào trường hợp Đồng Tâm hay không, nhưng “hiệp một” đã qua và “hiệp hai” đã đến. Điều gì phải đến đã đến. Chỉ có điều, ta chưa biết “hệ quả không định trước” là gì.
Cách đây khoảng hai tháng, vì nhiều lý do còn chưa thật rõ, Đồng Tâm bỗng trở thành một điểm nóng như thùng thuốc súng, một bàn cờ thế đầy nguy hiểm như “quả bom nổ chậm”, làm cả nước lo lắng như sắp xảy ra thảm họa. Nhưng may mà quả bom nổ chậm đã được tháo ngòi đầy kịch tính, làm cả nước thở phào, như một bi kịch kết thúc “có hậu”.
Người Việt mình thật dễ tính và dễ quên, vừa dễ lừa, vừa dễ ngộ nhận. Gần hai tháng qua, Đồng Tâm bỗng biến mất khỏi màn hình radar như chưa hề xảy ra. Cách đây vài ngày, tin Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án Đồng Tâm như một mồi lửa đốt nóng quả bom nổ chậm, làm Đồng Tâm trở lại màn hình radar như trước. Cả nước lại như lên đồng, và ngồi trên thùng thuốc súng. Chưa biết “hiệp hai” Đồng Tâm liệu kết thúc có hậu hay không, nhưng đáng tiếc là nhiều người (cả luật sư và nhà báo) cũng bị phân hóa và tranh cãi như mổ bò.
Nói cách khác, Đồng Tâm như một “trận đồ bát quái” để các nhóm lợi ích cướp đất của dân, để các phe phái chính trị đấu đá tranh giành quyền lực, và những kẻ cơ hội mị dân có dịp nhảy vào hôi như đám kền kền. Người ta hay nói “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.
Người dân luôn là nạn nhân và dù ai thắng thì họ cũng thua. Hết chiến tranh huynh đệ tương tàn, nay lại đến tranh giành quyền lực như “trò chơi vương quyền” (game of thrones).
Trong một thể chế mà mọi lĩnh vực đều bị “chính trị hóa” và các vụ án xử quan tham phải theo luật đảng, như ông phó giám đốc công an Sài Gòn đã công khai thừa nhận, thì khởi tố người dân Đồng Tâm “theo đúng quy trình pháp luật” thật bất cập và bất công. Trước “bước đường cùng”, người dân Đồng Tâm chỉ còn cách theo lời khuyên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nếu lời cam kết quân tử trong văn tự ký tươi kèm lăn tay của Chủ tịch Thành phố và đại biểu quốc hội “không có giá trị pháp lý” vì người ký bội tín do bất cứ lý do gì, thì dân Đồng Tâm chắc chỉ còn 3 lựa chọn:
Thứ nhất, “quốc tế hóa” sự việc, đưa vụ tranh chấp và kiện tụng này ra công luận và toà án quốc tế, vì người dân bị đối xử bất công và các luật sư bênh vực họ cũng bất lực trước các nhóm lợi ích và luật pháp nước sở tại. Các luật sư (trong nước và ngoài nước) nếu thực có tâm và năng lực thì hãy giúp dân Đồng Tâm “khởi kiện tập thể”, đưa vụ tranh chấp và vi phạm dân quyền này ra Tòa án Quốc tế của LHQ (International Court of Justice).
Thứ hai, nếu dân Đồng Tâm đấu tranh ôn hòa và khởi kiện chính đáng không có kết quả, vẫn bị tước hết nguồn sống và dồn đến bước đường cùng, thì họ chỉ còn một lối thoát là “di cư tập thể” sang nước khác. Cả làng thử xin quy chế tị nạn, thông qua UNHCR dàn xếp với một nước thứ ba cho tái định cư. Hàng triệu người Việt đã từng ra đi bằng thuyền, hàng vạn người khác ra đi bằng máy bay, trong đó có các quan tham “ăn của dân không chừa một thứ gì” để làm giàu rồi “tìm đường cứu nước”. Tại sao người dân Đồng Tâm lại không thể?
Thứ ba, nếu hai cách trên đều không có kết quả, thì dân Đồng Tâm chỉ còn cách cuối cùng là “tự thủ” để gây sốc quốc gia (và quốc tế). Họ lại phải “rào làng chiến đấu” một lần nữa như “đấu tranh này là trận cuối cùng”. Nếu không có “con tin” thì dân Đồng Tâm đành phải biến mình thành “vật tế thần” (còn hơn “khổ nhục kế”). Những người dũng cảm trong làng có thể dấn thân “tự cứu mình” như những người “tử vì đạo” bằng cách “tuyệt thực tập thể”, hay thậm chí sẵn sàng tự thiêu (nếu cần) như hòa thượng Thích Quảng Đức (1963).
Mỗi khi bí cờ, những người bị dồn đến bước đường cùng hay dùng nước cờ gambit để thoát hiểm bằng “đòn cân não” khi thi gan đấu trí, vì kẻ nào không sợ chết thường thắng. Con nhím khi bị thú lớn tấn công thì nó cuộn tròn và xù bộ lông lên như một bàn chông để tự vệ. Con sứa nhỏ bé và mềm yếu nhưng có chất độc làm cá lớn không dám ăn thịt. Đó là bản năng tự vệ chính đáng của tạo hóa ban cho để răn đe (deterrence) và liên kết (linkage). Nếu “hiệp một” là tiền đề cho “hiệp hai” thì “hệ quả không định trước” có cơ may tốt hơn xấu.
Nay người dân Đồng Tâm không còn gì để mất, nên họ có thể chơi nước cờ gambit, nhưng phải thận trọng vì “sai một ly đi một dặm”. Đồng Tâm là một mô hình cần được bảo vệ và nhân bản, như Mao đã nói, “cách mạng không phải là một bữa tiệc”. Khác với bài học Ô Khảm, bài học Đồng Tâm cho thấy người dân có thể thoát hiểm bằng nước cờ gambit khôn ngoan, nếu họ dám chơi và biết vận dụng sáng tạo quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông”./.
Nguyễn Quang Dy

No comments:

Post a Comment