Friday, June 30, 2017

Vấn nạn tra tấn, bạo hành tại Việt Nam

QuanĐiểm

Ngày 26 tháng 6 vừa qua được gọi là Ngày Quốc Tế Ủng Hộ Các Nạn Nhân Bị Tra Tấn để vinh danh Công ước Chống Tra Tấn được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố áp dụng ngày 26 tháng 6 năm 1987. Việt Nam cũng là một quốc gia ký tên tham gia Công Ước này. Thế nhưng tình trạng tra tấn, bạo hành của Việt Nam ra sao? Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm “Vấn nạn tra tấn, bạo hành tại Việt Nam của LLCQ, do Hải Nguyên trình bày sau đây .
Thưa quý thính giả,
Ðiều 5 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948 qui đinh “Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.” Để buộc các nước hội viên tuân thủ điều khoản này, ngày 10 tháng 12 năm 1984, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua “Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc hình phạt tàn nhẫn, bất nhân, lăng nhục”, gọi tắt là Công ước Chống Tra Tấn.
Công ước này có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 6 năm 1987, qui định các quốc gia ký kết phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong nước mình, cũng như cấm trả lại người về quốc gia nguyên quán nếu có lý do để tin rằng ở đó họ sẽ bị tra tấn. Để vinh danh Công ươc này, ngày 26 tháng 6 hàng năm được công nhận là Ngày Quốc Tế Ủng Hộ Các Nạn Nhân Bị Tra Tấn – International Day in Support of Torture Victims. Tính đến tháng 2 năm nay, 2017, có 161 quốc gia tham gia công nhận Công ước Chống tra tấn.
Rất tiếc, cũng như đối với các công ước quốc tế khác, một số quốc gia mặc dù tham gia ký kết Công Ứớc Chống Tra Tấn, nhưng đã vi phạm thô bạo những điều khoản qui định. Việt Nam là một trong những quốc gia này.
Để biểu tỏ tính cách “văn minh”, hội nhập vào cộng đồng nhân loại, hầu giao thương với các nước khác, Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước Chống tra tấn ngày 7 tháng 11 năm 2013 và 14 tháng sau, vào ngày 5 tháng 2 năm 2015 đã phê chuẩn áp dụng Công ước. Thế nhưng, các trường hợp nạn nhân bị đánh đập tàn nhẫn trong các đồn công an, trong các nhà tù tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng trầm trọng.
Một thành phần đối tượng của các hành động tra tấn, đánh đập dã man mà nhà cầm quyền CSVN nhắm đến là những người bất đồng chính kiến. Ngoài việc có thể bị bắt giam bất cứ khi nào, thành phần này còn phải đối diện với tình trạng bạo lực, bạo hành của lực lượng an ninh nhà nước. Kinh tởm hơn nữa là thủ đoạn dùng côn đồ để đánh đập, gây thương tích những người mà đảng CS nghi ngờ có ý định làm phương hại đến ngôi vị lãnh đạo độc tôn của đảng.

Ngày 19/6/2017 vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Right Watch công bố bản phúc trình về việc nhiều nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ở Việt Nam thường xuyên bị hành hung, đe dọa. Trong khi đó, thủ phạm của các vụ bạo lực nhằm vào những người bất đồng chính kiến không hề bị truy cứu trách nhiệm. Tổ chức phi chính phủ theo dõi nhân quyền đã yêu cầu “chính quyền Việt Nam cần ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn công và truy cứu trách nhiệm những người liên quan”.
Đây không phải lần đầu tiên, và cũng không phải lần cuối cùng tổ chức Human Right Watch lên tiếng báo động về tình trạng này. Hầu như năm nào tổ chức này, cũng như nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác, thậm chí cả một số chính phủ các nước Tây phương, đều kêu gọi, thúc đẩy nhà cầm CSVN chấm dứt tệ nạn này. Thế nhưng, các khuyến cáo này chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”, không có tác dụng gì!
Thật ra, tình trạng bạo hành của nhà cầm quyền CSVN là hậu quả tất yếu của chế độ chính trị, trong đó đảng CS đã xử dụng bạo lực, khủng bố là một trong những phương cách để cướp quyền và duy trì quyền lực độc tôn. Trong một xã hội được xây dựng trên một căn bản như vậy, tình trạng bạo hành đã xẩy ra không chỉ giữa kẻ cầm quyền và người bị trị mà ngay trong các tầng lớp xã hội, cũng như cá nhân và cá nhân. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi chứng kiến các vụ hành hung giữa những đám học sinh, kể cả nữ sinh, diễn ra nhan nhản ở nhiều nơi, cũng như những vụ thanh toán đẫm máu chỉ vì ghen tuông, hoặc vì cạnh tranh thương mại.
Đây là một trong những tệ nạn xã hội thuộc lãnh vực văn hoá-đạo đức mà đảng CSVN đã gây ra trong dân tộc Việt, bên cạnh các thảm hoạ khác như tụt hậu về kinh tế, tàn phá tài nguyên, huỷ hoại môi trường, mất chủ quyền đất nước, vv.
Vì vậy, để chấm dứt tình trạng bạo hành tại Việt Nam, không phải chỉ giữa nhà cầm quyền với người dân, mà cả giữa những cá nhân với nhau, thì việc đâu tiên là phải loại bỏ đảng CSVN ra khỏi ngôi vị độc tôn quyền lực.
Chỉ khi nào có được một thể chế dân chủ hiến định, pháp trị, và đa nguyên, song hành với việc khôi phục lại truyền thống văn hoá dân tộc nhân bản, thì xã hội Việt Nam mới thực sự tận diệt được tệ nạn bạo hành./.

No comments:

Post a Comment