Friday, June 2, 2017

GIẤC MƠ TRUNG QUỐC VÀ TƯƠNG LAI VIỆT NAM

QuanĐiểm

Thưa quí thính giả,
Không đày 1 tháng sau khi được bầu vào chức vụ Chủ tịch Đảng trong Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã đưa ra 2 mốc thời gian quan trọng trong cái gọi là “Giấc Mơ Trung Quốc” của ông. Mốc thứ nhất là vào năm 2021, kỷ niệm 100 năm ngày đảng CS Trung Quốc ra đời, lợi tức hàng năm tính theo đầu người của Trung Cộng phải đạt mức 10,000 mỹ kim. Mốc thứ hai là vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày Đảng CS Trung Quốc nắm quyền thống trị Hoa lục, Trung Cộng sẽ đạt được mục tiêu “phát triển toàn bộ, giàu có và hùng mạnh”.

Nếu chỉ-tiêu lợi tức 10,000 mỹ kim tính theo đầu người đạt được vào năm 2021 thì, với dân số hơn 1 tỷ rưỡi người, theo ước tính của quỹ tiền tệ quốc tế IMF, nền kinh tế của Trung Cộng sẽ vượt Hoa Kỳ 40% tính theo mãi lực của dân chúng. Và nếu cứ theo đà tăng triển như vậy thì đến mốc thời gian thứ hai, vào năm 2049, nền kinh tế của Trung Cộng sẽ gấp 3 lần Hoa Kỳ!
Đây chỉ là những con số biểu hiện sức mạnh kinh tế của Trung Cộng. Từ sức mạnh này, Trung Cộng đã tạo dựng thành sức mạnh trong các lãnh vực khác để thực hiện “Giấc Mơ Trung Quốc” với một khung sườn tiêu biểu như sau:
– Trả lại Trung Cộng vị trí bá chủ trong khu vực như giai đoạn trước khi có sự xâm lấn của Tây phương;
– Tái lập lại sự kiểm soát phần lãnh thổ mà Trung cộng cho là thuộc hoàng triều Trung quốc trước kia, bao gồm chẳng những vùng Tân Cương và Tây Tạng, mà còn cả Hồng Kông và Đài Loan;
– Tái lập lại vùng ảnh hưởng bao gồm các quốc gia lân bang chư hầu và các vùng biển, đảo mà các cường quốc thường đòi hỏi;
– Phải được sự kính trọng của các cường quốc khác trên thế giới.
Cho đến nay thì “Giấc Mơ Trung Quốc” mà Tập Cận Bình vẽ ra đã có nhiều cơ hội để thành tựu, nhờ không những ở nội lực của Trung Cộng, mà còn cả những biến chuyển thuận lợi trên thế giới.
Trào lưu “toàn cầu hoá” thẩm nhập trong 3 thập niên qua đã khiến cho cấu trúc sản xuất của nhiều quốc gia Tây phương thay đổi xâu xa. Hậu quả là nhiều tầng lớp dân chúng mất công ăn việc làm thúc đẩy một số quốc gia quay về với chủ trương co cụm, thu về bên trong. Như vậy, khuynh hướng“toàn cầu hoá” chẳng những đã giúp Trung Cộng phát triển kinh tế, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị. Một ví dụ cụ thể là trường hợp chính phủ Hoa Kỳ Donald Trump huỷ bỏ Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, TPP, thì Trung Cộng đã đưa ngay ra Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, RCEP, để thay thế.
Tương tự, sự trỗi dậy của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan dẫn đến sự ra đời của lực lượng nhà nước Hồi giáo, gọi tắt là ISIS, đã khiến cho nhiều quốc gia Tây phương phải huy động tài nguyên để ngăn chận hiểm hoạ này. Sự chuyển dịch tài nguyên và đối tượng đối đầu đó đã và sẽ giúp cho Trung Cộng có cơ hội thuận lợi để phát triển mọi mặt, từ kinh tế đến quân sự, mà không bị sự dòm ngó, dè chừng của các nước khác.
Cũng phải kể sự bất trị của cha con nhà họ Kim ở Bắc Triều Tiên đã là một cơ hội để Bắc Kinh bắt chẹt Hoa Thịnh Đốn phải thoả mãn một số yêu sách, nếu Hoa Kỳ muốn Trung Cộng giúp kềm chế Bình Nhưỡng. Nhiều người cho rằng chính họ Tập đã dung dưỡng Kim Chính Ân để cầm chân Hoa Kỳ, hầu Trung Cộng rảnh tay đẩy mạnh việc xây dựng “Giấc Mơ Trung Quốc”.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam ngày nay chẳng khác nào cá nằm trên thớt. Ở sát nách và lại là cửa ngỏ để Bắc Kinh tiến về phương Nam cả đường bộ lẫn đường biển, Việt Nam là đối tượng hàng đầu mà Trung Cộng nhắm đến trong “Giấc Mơ Trung Quốc”.
Để gỡ thế bí của đất nước, sinh lộ duy nhất là phải huy động nội lực của toàn dân để xây dựng lực lượng dân tộc một lòng bảo vệ tổ quốc. Song hành là mặt trận ngoại vận, liên minh kết hợp với các quốc gia đang bị Bắc Kinh đe doạ. Chỉ có sự phối hợp cả trong lẫn ngoài như vậy mới mong ngăn chận được tầm tác hại của Giấc Mơ Trung Quốc phủ bóng lên Việt Nam.
Trong sách lược cứu nguy tổ quốc khỏi nanh vuốt của bá quyền phương Bắc vừa kể thì Đảng CSVN chẳng những không đủ khả năng thực hiện mà trái lại còn gây thêm phương hại cho quyền lợi đất nước.
Trước hết, Đảng CSVN thay vì tạo điều kiện để huy động được sức mạnh toàn dân thì lại chính là nguyên do gây ra sự phân hoá dân tộc vô cùng trầm trọng. Có thể nói, sau mấy chục năm thống trị đất nước, với chủ trương gây căm thù giai cấp, đảng CS đã làm cạn kiệt lòng tin và sức mạnh của dân tộc.
Trò “Đối thoại với người bất đồng chính kiến” mà đảng CSVN vừa tung ra, thay vì để tạo sự đồng thuận chính trị, thì chỉ là một thủ thuật nhầm tạo hoả mù, chẳng khác nào trò “vừa đánh vừa đàm” mà CSVN đã áp dụng tới lui nhiều lần trong cuộc chiến VN.
Tương tự, chuyến đi Mỹ vừa qua của thủ tướng CS Nguyễn Xuân Phúc không phải là một bước trong tiến trình tạo sự liên minh để ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng, mà chỉ là một màn “đi giây” giữa Tàu và Mỹ mà Hà Nội thường áp dụng. Lý do là vì CSVN không thể nào không dựa vào Trung Cộng để bảo vệ ngôi vị lãnh đạo độc tôn của Đảng.
Tóm lại, bước đầu để gỡ thế bí của đất nước trước hiểm hoạ thôn tính của Bắc Phương là phải loại bỏ tập đoàn độc tài đảng trị đang ngự trị trên quê hương./.
LLCQ

No comments:

Post a Comment