Wednesday, February 13, 2019

Những chỉ dấu tiền chiến tranh Việt-Trung đầu năm 2019

Bình Luận

Sách lược “hèn với giặc và ác với dân” của CSVN là một chủ trương vô cùng ngây thơ của đảng và sẽ không ngăn được đàn anh ý thức hệ Trung Quốc dạy thêm một bài học nữa khi cần.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Chí Dũng với tựa đề: “Những chỉ dấu tiền chiến tranh Việt-Trung đầu năm 2019 sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Phạm Chí Dũng
Việc công khai hóa “Trung đoàn không quân Sao Đỏ chốt giữ miền Tây Bắc của tổ quốc”, một số hành động cảnh sát biển Việt

Nam tăng cường bắt giữ “tàu cá nước ngoài” ở Biển Đông theo luật cảnh sát biển Việt Nam mới thông qua, lần đầu tiên báo đảng đồng loạt hé môi về “Trung Quốc cưỡng chiếm Trường Sa của Việt Nam” và việc Bộ Ngoại Giao Việt Nam tiếp tục “tôn trọng tự do hàng hải” trước hành động tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa là những chỉ dấu lộ diện cho thấy sau nhiều năm “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng”, chính sách “Ba không” cùng thế đu dây quốc tế luôn suýt té lộn nhào, chính thể độc đảng ở Việt Nam bắt đầu dò dẫm bước chân qua một ranh giới mới: “Can đảm bám Mỹ” và phát ra tín hiệu thách thức quyền lực của Trung Quốc, dù có thể còn lâu nữa điều này mới trở thành chính sách “thoát Trung” theo đúng nghĩa của nó.
Động thái trên xuất hiện vào khoảng thời gian cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Rất có thể, mối quan hệ “mười sáu chữ vàng” Việt-Trung và cả vài cuộc giao lưu quốc phòng vừa diễn ra giữa quân đội “hai nước anh em xã hội chủ nghĩa” đã chỉ có ý nghĩa như một bức tranh che đậy cái vùng phía sau của nó đang đen dần, như một cơn giông tố đang hình thành và lừ lừ trùm lên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, nhất là vùng Tây Bắc – nơi mà “đoàn không quân Sao Đỏ anh hùng” vừa được chuyển đến để “làm nhiệm vụ canh trời Tây Bắc của tổ quốc”.
Cũng rất có thể, Bộ Quốc Phòng Việt Nam cùng quân ủy trung ương của ông Nguyễn Phú Trọng – bằng chỉ đạo cho công khai
cuộc chuyển quân của đoàn không quân Sao Đỏ lên vùng Tây Bắc – đang muốn lặp lại chiến thuật “răn đe Trung Quốc” khi Việt Nam mời cả một hàng không mẫu hạm của quân đội Hoa Kỳ – USS Carl Vinson – đến “giao lưu quân sự” tại cảng Đà Nẵng vào Tháng Ba, 2018.
Trong khi đó, những biểu hiện về “chiến tranh dầu khí” giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là ngày càng rõ ràng. Những mỏ dầu khí mà Việt Nam dự kiến khai thác như Cá Rồng Đỏ (liên doanh với công ty Repsol của Tây Ban Nha) và Lan Đỏ (liên doanh với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga) đều bị Trung Quốc đặt vào tầm ngắm và chuẩn bị đe dọa. Sang năm 2017, Repsol đã chính thức thất thủ và phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ bởi có đến vài trăm tàu Trung Quốc bao vây mỏ dầu khí này.
Thậm chí hải quân Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam khai thác Cá Rồng Đỏ.
Năm 2018, Việt Nam lại âm thầm định cùng Repsol khai thác Cá Rồng Đỏ. Nhưng một lần nữa, kế hoạch này lại thất bại thê thảm bởi “đồng chí tốt” Trung Quốc. Cho tới nay, toàn bộ các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ và kể cả mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đang bị đình hoãn khai thác.
Tiếp theo năm 2018 “chẳng ra gì” khi hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam bị Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Bộ Chính Trị Việt Nam mất ăn ngay trên “vùng biển chủ quyền không tranh cãi” của mình, năm 2019 đang hiện ra với sắc màu tê tái dành cho nền ngân sách rỗng ruột ngoại tệ của Việt Nam.
Với tình trạng trữ lượng dầu cạn kiệt nhanh trong khi quá khó để tìm ra nguồn trữ lượng mới, có thể hình dung là vào năm 2021, ngân sách chế độ sẽ mất hẳn số thu 70,000-80,000 tỷ đồng từ PVN mà do đó sẽ “kiến tạo” một lỗ thủng toang hoác không lấy gì bù trám được.
Tương lai đen tối trên đang hiển hiện trong bối cảnh hiện thời các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và cả nguồn kiều hối của “khúc ruột ngàn dặm” đều khá bi đát.
Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh $13.5 tỷ vào năm 2015…
Vào đầu năm 2019, thêm một lần nữa và hầu như đã mang tính hệ thống và logic, Bộ Ngoại Giao và đứng phía sau là Bộ Chính
Trị Việt Nam đã không phản đối, nếu không muốn nói là có thể hiện thái độ cổ vũ, trước hoạt động áp sát quần đảo Hoàng Sa của một tàu khu trục Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường có tên là USS McCampbell.
Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất 4 lần thể chế một đảng ở Việt Nam “ngó lơ” chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ Ngoại Giao Việt Nam bất thần tỏ ra “can đảm” khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại” hoặc “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông”.
Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Cùng với những dấu hiệu gia tăng xung đột quân sự Mỹ-Trung ở khu vực Biển Đông, Việt Nam cũng không thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc.
Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong “đường lưỡi bò” mới được Trung Quốc vẽ bổ sung.
Nhưng thậm chí chiến dịch tấn công của Trung Quốc còn có thể nổ ra ở những tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Những dấu
hiệu về tập trung vài ba tập đoàn quân của Trung Quốc ở khu vực này vào hai năm 2017 và 2018 có vẻ để chuẩn bị cho cuộc
cưỡng chiếm ấy. Nguy cơ bị tấn công đang hiển thị dần sau một tháng và mỗi quý. Đến giờ phút này, giới chóp bu Việt Nam phải quyết định cho chính số phận tồn vong của nó: Thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây – theo đúng cái cách mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm để mổ sống nội tạng các tín đồ Pháp Luân Công./.

No comments:

Post a Comment