Sunday, May 31, 2015

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 31.5.2015 
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào về việc 20 tổ chức quốc tế yêu cầu nhà cầm quyền VN trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức?
Trường An: Theo như tôi được biết gần 20 tổ chức nhân quyền quốc tế đã đồng ký tên vào một tuyên bố chung, nội dung yêu cầu nhà cầm quyền VN phải trả tự do vô điều kiện cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, một người yêu nước đang bị cầm tù với cáo buộc "Âm mưu lật đổ chế độ cộng sản".
Lời kêu gọi này được đưa đúng 6 năm sau ngày ông Thức bị bắt giam vào ngày 24/5/2009. Trong số các tổ chức ký tên, có các tổ chức nổi tiếng trong lãnh vực đấu tranh cho nhân quyền như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Nhân quyền Á châu, và một số tổ chức dân sự xã hội tại VN.
Nhân đây tôi xin nhắc lại, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một thương gia rất thành đạt, đã bị bạo quyền VN mang ra xét xử vào năm 2010, cùng với ba người yêu nước khác là Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong một vụ án chính trị được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Ông Thức bị phán bản án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế, trong khi những người kia lãnh từ 5 đến 7 năm tù. Điều đáng nói là phiên tòa chỉ diễn ra trong vòng 15 phút, nhưng bản án lại dài đến 45 phút, chứng tỏ đã có sự xếp đặt trước.
Theo tuyên bố chung của các tổ chức nói trên, ông Thức bị bạo quyền đàn áp chỉ vì hành xử quyền tự ngôn luận của mình để kêu gọi chế độ cộng sản phải cải tổ chính trị và nhân quyền tại VN. Chính vì thể các tổ chức này yêu cầu bạo quyền VN phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, hủy bỏ bản án và trả tự do ngay tức khắc cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Hoàng Ân: Vào hôm 26/5 vừa qua, nhà báo Trương Duy Nhất, chủ nhân trang mạng "Một góc nhìn khác" đã bị một nhóm công an và hàng chục quản giáo trại giam số 6 tại huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An hành xử hết sức thô bạo và đê tiện trước khi phóng thích ông ra khỏi nhà tù. Xin anh nói rõ hơn về sự việc này để gửi đến quý thính giả của đài DLSN được tường tận hơn?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Nhà báo Trương Duy Nhất vào 26/5 đã bị một nhóm công an hộ tống ra đường để phóng thích sau khi mãn án tù 2 năm. Trên trang Facebook, nhà báo Huy Đức khi đi đón ông Nhất kể lại rằng, ông nhìn thấy ông Trương Duy Nhất bị áp tải bởi cả chục nhân viên trên chiếc xe rời trại giam, vừa nhao người gọi vợ con thì bị khóa tay ghì xuống. Vẫn theo lời kể của nhà báo Huy Đức, cuối cùng ông Nhất bị ném ra lề đường, cách trại giam 4 cây số.
Trước đó, nhà báo Trương Duy Nhất bị công an đọc lệnh bắt tại tư gia ở Đà Nẵng vào ngày 26/5/2013 và bị kết án 2 năm tù với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống đảng và nhà nước". Đây là một trong những vụ án chính trị gây xôn xao trong dư luận vì trang mạng "Một góc nhìn khác" của ông Nhất có rất đông độc giả, với các bài viết nêu lên những thói hư tật xấu của giới quan chức và phê phán các chính sách sai trái của đảng cộng sản. Tuy nhiên dư luận tin rằng ông Nhất bị bắt chỉ vì tiết mục mời gọi dư luận chấm điểm về năng lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phát biểu sau khi tòa tuyên án, ông Nhất dõng dạc tuyên bố: "Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trong trường hợp của tôi thì tôi cảm thấy tự hào".
Hoàng Ân: Mấy ngày qua, trên rất nhiều các trang báo mạng lề dân đều đồng loạt đưa tin về việc công an tỉnh Long An đàn áp một gia đình dân oan tới chỗ điên loạn. Xin anh nhắc lại sự việc này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, phong trào Liên đới Dân oan Tranh đấu vừa phổ biến một lá thư khẩn, nội dung cho biết là người con gái lớn của dân oan Phùng Thị Ly ở tỉnh Long An đang lâm vào cảnh điên loạn vì bị công an sách nhiễu vô cùng man rợ.
Theo lời kể của bà Trần Ngọc Anh, đại diện phong trào dân oan, thì chị Dương Thị Cẩm Mộng được thân nhân đưa vào bệnh viện trong tình trạng điên loạn sau khi bị công an giam nhốt và tra tấn suốt 9 ngày với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".
Cần nhắc lại là vào trưa ngày 30/4 vừa qua, một lực lượng công an đã ập đến cưỡng chế khu đất của bà Phùng Thị Ly ở huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An. Ba phụ nữ trong gia đình là Dương Thị Cẩm Mộng, Dương Thị Ngọc Châu và Phùng Thị Lin đứng ra phản đối thì bị công an xông đến còng tay dẫn về đồn. Chị Mộng bị tra tấn và ép buộc ký vào giấy nhận tội "gây rối trật tự".
Khi được trả tự do vào ngày 9/5 vừa qua thì chị Mộng có dấu hiệu điên loạn và cơ thể vô cùng suy nhược. Sau mấy ngày chữa trị bất thành ở Long An, gia đình đưa chị lên Sài Gòn nhưng vào cuối tuần qua công an lại phát lệnh truy nã Dương Thị Cẩm Mộng, người phụ nữ 34 tuổi đang rối loạn thần kinh và có hai đứa con thơ chỉ mới lên 3 và 4 tuổi.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế, vào hôm qua, nhiều con đường ở Sài Gòn đã trở thành các con sông chỉ sau một trận mưa kéo dài 2 tiếng đồng hồ, ngay sau khi nhà cầm quyền thành phố này yêu cầu chính phủ cho phép họ đi vay mượn thêm 422 triệu Mỹ kim từ Ngân hàng Thế giới để giải quyết tình trạng ngập lụt. Anh vui lòng nói rõ hơn?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả, theo các dự án của 5 năm tới thì sẽ cần khoảng 11 ngàn tỷ đồng VN, tức khoảng 550 triệu Mỹ kim để xây dựng 149 cây số đê bao ở tả ngạn sông Sài Gòn và các cống điều tiết thủy triều trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Nhưng chỉ mới xây được 32 cây số đê bao thì phí tổn được ước tính lại là phải lên đến gần 3 tỷ Mỹ kim, tức gấp 5 lần dự toán ban đầu. Cần nói thêm là suốt 20 năm qua, tổng số tiền đầu tư cho các dự án nâng cấp hệ thống ống cống thoát nước ở Sài Gòn đã lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim, nhưng cứ mưa xuống là ngập lụt ở khắp nơi, thậm chí là ngay tại trung tâm thành phố người dân cũng phải lội bì bõm dưới làn nước hôi thối.
Trong một diễn biến khác cho thấy thêm tình trạng xây dựng vô cùng bê bối ở VN, giới chức tỉnh Long An vừa ra lệnh mở cuộc điều tra về vụ cây cầu Vĩnh Bình, bắc qua con kênh 28 ở xã Vĩnh Bình, bị sập chỉ sau 2 tuần khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là chiếc cầu treo, có sức trọng tải 1 tấn theo thiết kế và phí tổn xây dựng là hơn 1 triệu Mỹ kim, được khánh thành vào ngày 13/5 nhưng hôm qua đã bị sập.
Hoàng Ân: Thế còn việc nhà cầm quyền VN tăng lương 3 lần nhưng giới công chức vẫn không đủ sống thì sao thưa anh?
Trường An: Được biết, trong một báo cáo gửi đến quốc hội, bộ nội vụ VN cho biết là mặc dù mức lương tối thiểu đã liên tục tăng 3 lần trong vòng 5 năm qua, lên gần gấp đôi, nhưng giới công chức vẫn không sao sống nổi. Theo báo cáo thì mức tăng lương không theo kịp đà lạm phát của xã hội và vì bội chi nên nhà nước không có tiền để tăng lương đúng mức. Theo số liệu chính thức, mức lương căn bản của giới công chức văn phòng là khoảng 1 triệu 150 ngàn đồng một tháng, trong khi công chức tại các tập đoàn kinh tế là 2 triệu 600 ngàn đồng. Và mức lương của giới bộ trưởng thì cao gấp 7 lần, trung bình là 14 triệu 400 ngàn đồng một tháng.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment