Friday, May 15, 2015

Văn Học Việt Nam đã đến lúc phải lột xác.

Thứ Sáu, ngày 15.05.2015    
Ngày 11 tháng 5 vừa qua, hơn 20 nhà văn đã tuyên bố rút tên ra khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam. Đây là dấu chỉ cho thấy có sự chuyển động tích cực trước tình trạng suy thoái văn hóa trong chế độ cộng sản. Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của LLDTCNTQ về chuyện Văn Học Việt Nam Đã Đến Lúc Phải Lột Xác qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Thưa quí thính giả,
Tình trạng suy thoái văn hóa ở Việt Nam càng ngày càng trở nên trầm trọng, điều này không do các "thế lực thù địch" vu cáo hay xuyên tạc, mà do chính những đảng viên CScao cấp đã nói đến. Đề cập đến văn hóa thì phải nói đến những hình thức thể hiện ra bên ngoài, qua lối sống, qua hành động, cử chỉ, lời nói, chữ viết, lối ăn mặc, và cách ứng xử với nhau trong xã hội con người.
Chúng ta cũng thừa nhận rằngvăn học là thước đo để đánh giá trình độ dân trí của một quốc gia, của một dân tộc. Nói đến văn học là nói đến văn chương, nghệ thuật, là nói đến những bộ môn dùng văn tự, ngôn ngữ và hình ảnh để diễn đạt sinh hoạt của xã hội con người. Văn tự, ngôn ngữ và hình ảnh là phương tiện để chuyển tải những sự kiện, ý nghĩ và sáng kiến do người làm văn học tạo ra. Đó là những người viết văn, làm thơ, soạn kịch, dịch thuật, vẽ tranh, viết báo....
Văn học có khả năng thay đổi xã hội, do đó các nhà độc tài nói chung và đảng cộng sản nói riêng, bằng mọi giá phải sử dụng để điều hướng suy nghĩ và hành động của người dân, để đi theo ý muốn của đảng; nên họ phải nắm lấy nhà văn đểlàm công cụ phục vụ cho đảng. Vì thế Hội Nhà Văn Việt Nam đã ra đời từ năm 1957, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng. Khi nhà văn, nhà thơ tỏ thái độ không thuần phục đảng, thì đã bị trừng phạt nặng nề như vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, mà dư âm vẫn còn ám ảnh đến những người cầm bút hôm nay.
Khi kỹ thuật thông tin phát triển, tấm màn bưng bítbị xé rách, những sự thật xấu xa được phơi bày, thì những người làm văn học đã nhận rahọ bịlợi dụng, bi bao vậy, bị kiểm soát, bỉ kềm hãm sáng kiến, làm cho sinh hoạt văn học thui chột và xuống cấp, nênmột số người đã quyết định thành lập một Văn Đoàn Độc Lập, để tạo cơ hội cho tài năng được phát triển lành mạnh hơn. Ngày 3 tháng 3 năm 2014, nhóm vận động gồm 56 nhà văn đã công bố văn bản có nội dung như sau:
"Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.
Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình.
Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo. Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.
Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn.
Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam , với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi".
Chính vì sáng kiến thành lập văn đoàn độc lập này, mà một số nhà văn đã bị loại khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam. Và cũng nhân cơ hội bị loại này, một số nhà văn đã chính thức loan báo việc rời khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam, một tổ chức mà nhiều nhà văn cho rằng không thể nào thay đổi cho tốt hơn được.
Sự kiện một số nhà văn mạnh dạn vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập là muốn thi hành những gì đã có trong hiến pháp, là người dân có quyền tự do lập hội, có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
Lập Văn Đoàn Độc Lập cũng là một thái độ dứt khoát muốn thoát khỏi tình trạng tù hãm bấy lâu nay, mà hậu quả ai cũng thấy là xã hội băng hoại; xa hơn nữa Việt Nam với trên 90 triệu dân, nhưng sự đóng góp vào kho tàng văn học nhân loại gần như con số không! Đó là một sự sỉ nhục chung cho người Việt Nam chúng ta.
Sự sáng suốt và quyết tâm rời bỏ cơ chế do đảng CSVN kiểm soát của một số nhà văn, tuy chưa phải là đa số, nhưng đó là tinh hoa, là ngọn đuốc mở đường cho một tương lai tốt đẹp hơn. Sự mở đường này sẽ dẫn tới một giai đoạn lột xác cần thiết, tuy khó khan, tuy đau đớn, nhưng diện mạo của một nền văn hóa nhân bản, đầy tình người sẽ hiện ra trong tương lai. Đó chính là điều mong đợi của cả dân tộc ta vậy.
Cám ơn quí thính giả đã đón nghe bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment