Wednesday, June 10, 2020

Vụ cây đổ đè chết học sinh

Chuyện Nước Non Mình

Cây mục ruỗng đổ trong sân trường đè chết học sinh chỉ là một dấu hiệu trong muôn ngàn dấu hiệu mục ruỗng của ngành giáo dục VN. Đó chính là nỗi lo âu lớn nhất cho mọi người từ phụ huynnh học sinh đến những người còn ưu tư vì tương lai đất nước.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Vụ cây đổ đè chết học sinh” của Dương Tiêu sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Có một cháu bé vừa qua đời. Cây phượng đổ không phải là rủi ro lớn nhất đối với học sinh, ngay trong trường. Rủi ro lớn nhất với chúng là sự thờ ơ mặc kệ của người lớn, những người luôn leo lẻo “vì tương lai con em chúng ta!”.
  1. Khi còn học tiểu học, con trai tôi bị mấy cậu bé hơn tuổi vào trường dụ vào nhà vệ sinh “xin đểu” chiếc dây chuyền bạc mà gia đình mua cho cháu đeo lấy may. Vài tháng sau, bạn cháu phát giác ra cậu bé kia và báo cho bảo vệ.
Tôi là người trực tiếp ra Công an phường để giải quyết. Mẹ cậu bé trấn lột kia là một phụ nữ gầy còm. Chị ta khóc từ đầu đến cuối. Con trai chị bỏ học theo những trẻ em hư. Trò trấn lột vừa làm cho thấy sự kiêu hùng tuổi trẻ cũng như có thêm vài đồng mời các đại ca điếu thuốc. Tôi đồng ý đề nghị Công an không phạt cậu bé. Nhưng cũng không biết mình làm đúng hay sai. Chỉ biết rằng, sau cánh cổng trường, từ đó không còn an toàn cho con tôi nữa.
Nhưng tôi cũng không biết phải làm gì để bảo vệ bọn trẻ ngoài việc đưa con đến cổng trường hoặc đón con đúng giờ. Tôi nghĩ nhiều người cũng lúng túng vậy thôi. Ngành Giáo dục của thầy Nhạ hẳn lúng túng không kém.
  1. Hôm nay, có một học sinh đã mất. Em N.T.K., 12 tuổi, học sinh trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, thành Hồ đã mất sau khi một cây phượng bật gốc đổ vào các em học sinh.
Cây phượng bật gốc ngay trong khuôn viên nhà trường.
Tôi cũng như nhiều phụ huynh thường đưa con đến trường, tạm biệt con ở cổng trường và yên tâm đi làm hay chỉ là đi café. Cổng trường từ hơn một nghìn năm nay là biểu trưng cho sự yên tâm, sự an toàn, nơi chúng ta phó mặc con cái cho ngành Giáo dục với hi vọng : Gửi con vào đó thì từ cậu bé lười, nghịch sẽ thành một công dân tốt cho xã hội.
Như đã nói ở trên, từ vài năm nay, cái cánh cổng đó không còn an toàn tuyệt đối nữa. Đôi khi nó chỉ là cánh cổng như hàng triệu cánh cổng khác mà nhiệm vụ chỉ là để ngăn cách. Đóng mở đúng giờ một cách lạnh lùng vô tri vô giác.
Học sinh đến sớm cũng không được vào. Học sinh đến muộn càng không được vào. Vào rồi thì cũng còn hàng nghìn thứ mất an toàn: Những thằng thầy giáo yêu râu xanh chỉ chăm chăm tìm cơ hội va chạm với những nữ sinh đôi khi chỉ mới học lớp 1. Những cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau hay thụt dầu như một hình phạt, Những bà Hiệu trưởng đi xe vào trường đâm gãy chân học sinh nhưng lại làm giả hiện trường là học trò bị ngã…
Vô vàn những rủi ro mà thỉnh thoảng mới được trình bày ngay trên báo.
  1. Chiều nay, lãnh đạo thành Hồ rồi lãnh đạo ngành Giáo dục đã đến nhà chia xẻ nỗi đau mất mát với gia đình em, một gia đình cận nghèo “xịn” (xịn là để phân biệt với bọn khốn nạn chạy suất hộ cận nghèo, hộ nghèo để hưởng ưu đãi của Chính phủ). Vài giọt nước mắt của quan chức cũng không thể làm cháu bé sống lại. Cây phượng trồng từ năm 1996 bật gốc và thầy Hiệu trưởng đã nhận trách nhiệm. Nhưng cháu bé cũng không sống lại được.
Thầy Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng đã có phản ứng nhanh hiếm thấy trước vụ việc đau lòng. Bộ trưởng, theo tin tức trên báo, đã đề nghị các sở Giáo dục trên toàn quốc cần ra lệnh ngay cho các nhà trường thuộc phạm vi, yêu cầu đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, phải kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… hầu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Nhưng còn bao nhiêu cái cây bao dung trong lòng người lớn đang mục ruỗng và có thể đổ bất cứ lúc nào.
Các anh các chị chưa tin ư? Hôm nay, bọn người lớn vẫn cứ cãi nhau về một clip ở Hải Phòng, mặc kệ bé gái đang ngơ ngác ở cổng trường với câu hỏi: Bước vào trong hay bơ vơ bên ngoài.
Có một sự thật không thể chối cãi rằng, rủi ro đang rình rập con em chúng ta ngay cả khi chúng bước qua cánh cổng an toàn, vào trong ngôi đền tri thức. Trước những hiểm họa đó, người lớn hoặc là cãi nhau để bênh vực là mình nắm lẽ phải hoặc nhân đó để đề cao cá nhân.
Và trong mọi câu chuyện đó không có bóng dáng con tôi, con các anh các chị đâu cả! Chẳng nhẽ chúng vô hình?!
Dương Tiêu, một phụ huynh có con đang đi học!
Dương Tiêu

No comments:

Post a Comment