Sunday, June 28, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 28.06.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Hương Thu và Nguyên Khải
1/ NHÓM NGHỊ SỸ NHÂN QUYỀN ASEAN CHỈ TRÍCH CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÀN ÁP GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
Nhóm Nghị sĩ khối ASEAN về Nhân quyền (APHR) đã chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến trong khi cả thế giới tập trung vào đối phó với đại dịch Vũ Hán.
Ngày 26/6, APHR viết trên Twitter rằng “Việt Nam ứng phó tốt với đại dịch Vũ Hán, nhưng đồng thời lại gia tăng đàn áp gấp đôi đối với các nhà hoạt động và những tiếng nói bất đồng chính kiến.”
Ông Charles Santiago, nghị sĩ Quốc hội Malaysia, Chủ tịch APHR, nhấn mạnh rằng cộng đồng ASEAN cần thiết phải lên tiếng với giới lãnh đạo Việt Nam để nhà cầm quyền nước này, trên cương vị chủ tịch ASEAN, phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ quyền con người.
Trước đó một ngày, Nghị sĩ Santiago đã gửi thư ngỏ cho Thủ tướng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN, và đồng thời kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trong khối gồm 10 thành viên hãy “đặt nhân quyền làm trọng tâm” trong việc ứng phó với đại dịch Vũ Hán.
Bức thư của APHR gửi đi một ngày trước khi ông Phúc chủ tọa Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 qua mạng tại Hà Nội, và chỉ một ngày sau khi cộng sản Việt Nam bắt giữ 6 người hoạt động với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ.”
2/ ASEAN KHẲNG ĐỊNH VIỆC GIẢI QUYẾT BẤT ĐỒNG Ở BIỂN ĐÔNG
Hội nghị Thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 kết thúc vào thứ Sáu ngày 26/6 với thông cáo chung ASEAN nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc – gọi tắt là UNCLOS.
Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đều tái khẳng định UNCLOS là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Đồng thời, hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Các lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh phải tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
3/ CỘNG SẢN VIỆT NAM CHẤP THUẬN DỰ ÁN HẠ TẦNG BẤT KỂ HẬU QUẢ VỀ MÔI TRƯỜNG
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới chấp nhận cho tập đoàn kinh doanh bất động sản Vingroup thực hiện một dự án trị giá 1,3 tỷ Mỹ kim cho dù có lo ngại về ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Dự án phát triển vùng Cần Giờ, cách Sài Gòn 50 cây số về phía Nam, thành khu du lịch cao cấp là dự án lớn nhất trong tất cả 9 dự án mà Việt Nam mới chuẩn thuận. Dự án này có sự tham gia của một doanh nghiệp Hoa Kỳ, và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2031.
Một số chuyên gia cho rằng dự án này sẽ gây ô nhiễm đến nguồn không khí và nguồn nước của Sài Gòn. Ngoài ra, việc lấp biển, lấn biển khi thực hiện công trình này sẽ khiến mực nước dâng cao khi dùng số lượng  cát khổng lồ để lấp biển và sau cùng vì điều kiện địa chất không tốt của vùng Cần Giờ sẽ có nguy cơ sụt lún.
4/HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BỊ KỶ LUẬT  VÌ CỔ SUÝ PHÁP LUÂN CÔNG
Nhà cầm quyền huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã và đang áp dụng nhiều biện pháp kỷ luật đối với ông Trần Hữu Dực, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Cửa Tùng, chỉ vì ông thực hành Pháp Luân Công và phát tán tài liệu về môn tập dưỡng sinh này.
Truyền thông lề đảng đưa tin huyện uỷ Vĩnh Linh đã cách chức vụ bí thư chi bộ đảng và đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tước bỏ chức hiệu trưởng, sau khi ông Dực đưa nhiều người tới nhà riêng của mình để luyện tập môn Pháp Luân Công.
Trước đó, huyện uỷ Vĩnh Linh đã ép ông Dực không được tiếp tục thực hành Pháp Luân Công nhưng ông từ chối.
Cộng sản Việt Nam coi Pháp Luân Công như một tổ chức nguy hiểm sau khi Trung Cộng đàn áp dã man những người thực hành môn tập dưỡng sinh này. Đã có nhiều người bị đánh đập, sách nhiễu và bỏ tù ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội.

No comments:

Post a Comment