Saturday, June 13, 2020

Cử Nhân Mai Xuân Thưởng

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, khi vua Quang Trung băng hà được 68 năm, tại thôn Phú Lạc, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định sản sinh một vị anh hùng trẻ tuổi kiên cường bất khuất, thà chết chứ không đầu hàng giặc ngoại xâm. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Cử Nhân Mai Xuân Thưởng  của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Chết nào có sợ, chết như chơi,
Chết bởi vì dân, chết bởi thời.
Chết hiếu, chi nài xương thịt nát,
Chết trung, bao quản cổ đầu rơi.
Chết nhân, tiếng để vang nghìn thuở,
Chết nghĩa, danh thơm vọng mấy đời.
Thà chịu chết vinh, hơn sống nhục,
Chết nào có sợ, chết như chơi.
Mai Xuân Thưởng thuở nhỏ tên Mai Văn Siêu, sinh năm 1860, tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha ông là Mai Xuân Tín, cử nhân khoa thi hương năm Đinh Mùi (1847), từng làm Bố chính tỉnh Cao Bằng. Mẹ là bà Huỳnh Thị Nguyệt, con nhà danh giá. Thuở nhỏ ông thông minh, ham học. Năm lên 6 tuổi, cha mất sớm, ông lớn lên dưới sự nuôi dạy của mẹ và Cụ tú Lê Duy Cung, nên giỏi cả văn lẫn võ. Năm 1878, Mai Xuân Thưởng thi đỗ  tài.
Đầu tháng 5 năm Ất Dậu (1885), nổ ra cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế, khi ấy ở Bình Định đang diễn ra kỳ thi Hương. Đến khi nghe tin Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi bôn tẩu ra Quảng Trị, truyền hịch Cần vương, mấy ngàn sĩ tử liền bỏ thi, trở về quê tụ nghĩa. Tám người ở lại thi tiếp và đều đỗ cử nhân, trong số đó có Mai Xuân Thưởng.
Trước cảnh đất nước lâm nguy, Mai Xuân Thưởng đoạn tuyệt với thuyết trung quân của Nho giáo, ông trở về quê ở Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ ở Hòn Sưng (nay thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Trong bài vịnh các sĩ tử trường thi Bình Định, ông viết:
“Đạo trung vua tôi mình dám quản,
Oán hờn người khác có đâu vơi.”
Khi ấy, nguyên Tổng đốc Đào Doãn Địch từ bỏ chức quan và cũng đã chiêu mộ được khoảng 600 nghĩa quân đóng ở thôn Tùng Giản. Kể từ đó cho đến năm 1887phong trào Cần Vương ở Bình Định diễn ra rất sôi nổi và lan nhanh ra đến Quảng NgãiPhú Yên… lôi cuốn hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham gia kháng chiến.
Sau khi chủ tướng Đoàn Doãn Địch đánh chiếm thành Bình Định, trừng trị viên quan thân Pháp là Tổng đốc Lê Thận, quân Pháp từ Qui Nhơn kéo lên đàn áp. Tổng đốc Đoàn Doãn Địch dàn quân kháng cự. Hai bên giao tranh dữ dội ở Trường Úc và Phong Niên. Trước hỏa lực quá mạnh của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân bị đánh tan, khiến vị thủ lãnh Đoàn Doãn Địch phải rút về đại bản doanh của Mai Xuân Thưởng, khi ấy trú đóng tại Lộc Đổng (Đồng Hươu) thuộc thôn Phú Phong (huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định).
Tháng 9 năm 1885, chủ tướng Đào Doãn Địch lâm bệnh mất, trước khi chết ông giao quyền chỉ huy toàn bộ nghĩa quân cho Mai Xuân Thưởng.
Sau khi làm lễ tế cờ tại Lộc Đổng, Mai Xuân Thưởng xuất quân giao chiến với thực dân Pháp tại các nơi như Cẩm Vân, Thủ Thiện, Hòn Kho… Theo giúp Mai Xuân Thưởng, có các ông Tăng Bạt HổNguyễn Bá HuânNguyễn Trọng TrìBùi ĐiềnĐặng ĐềNguyễn HóaLê Thượng NghĩaHồ Tá QuốcVõ Đạt… cùng hàng ngàn sĩ phu và dân chúng các tỉnh Phú YênKhánh HòaBình Thuận
Nhận thấy lực lượng của Mai Xuân Thưởng ngày càng lớn mạnh, gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp, soái phủ Pháp tại Sài Gòn liền điều động Thiếu tá De Lorme đem pháo thuyền án ngữ cửa biển Quy Nhơn, đồng thời sai Trần Bá Lộc mang quân từ Khánh Hòa đánh ra, Nguyễn Thân từ Quảng Ngãi đánh vào. Nhờ pháo binh yểm trợ, hai cánh quân này nhanh chóng gặp nhau tại Bình Định, rồi cùng tiến lên Phú Phong mở cuộc càn quét và hủy diệt thôn xóm.
Tháng 3 năm 1887, sau trận ác chiến ở Bàu Sấu (An Nhơn), Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, phải rút quân vào Linh Ðổng mưu tính kháng chiến lâu dài.
Ngày 21/4/1887, Trần Bá Lộc cho quân bao vây căn cứ Hầm Hô, Linh Đổng và cuối cùng chiếm được căn cứ, bắt được một số nghĩa quân, trong đó có mẹ của Mai Xuân Thưởng.
Đêm 30/4/1887, Mai Xuân Thưởng chỉ huy một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, trong đó có mẹ mình. Sau cuộc giải cứu, Mai Xuân Thưởng cùng đoàn nghĩa quân gần 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phủ Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thì bị phục binh Trần Bá Lộc chận bắt. Triều đình nhà Nguyễn, vua Đồng Khánh ra lệnh hành quyết ông bằng cách chém đầu vào ngày 7/6/1887. Khi ấy ông chỉ mới 27 tuổi.
Ngày 22/1/1961, tức dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, dân chúng vùng Tây Sơn cải táng, đưa hài cốt ông về quê nhà và xây lăng mộ tại ngọn đồi thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn.
* * *
Mai Xuân Thưởng là một tên tuổi lớn, gắn liền với phong trào Cần Vương kháng chiến chống Pháp ở miền Trung. Tên tuổi của ông đã giúp cho vùng đất Bình Định càng thêm nổi tiếng là một trong những vùng địa linh nhân kiệt của nước Việt. Chỉ không đầy một thế kỷ, những cái tên như Quang Trung – Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Đô đốc Long, Đô đốc Bảo, Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng hay Tăng Bạt Hổ đã đi vào lịch sử hào hùng và bất khuất của dân tộc. Trong số họ có nhiều người văn võ song toàn, và hầu hết đều trở thành võ tướng khi tuổi còn rất trẻ. Và Mai Xuân Thưởng có lẽ là người trẻ nhất khi bị hành quyết sau khi từ khước lời chiêu hàng của tên Việt gian Trần Bá Lộc.
Nhưng chính vì thế mà ông đã nhận được sự tôn kính của người dân Việt, với nhiều con đường trên khắp đất nước mang tên Mai Xuân Thưởng, một thanh niên trung hiếu vẹn toàn. Trong khi đó hai tên tay sai của Pháp là Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc, dù sau này trở thành nhất phẩm triều đình, vẫn bị người dân phỉ nhổ khi nhắc đến.
Và đó chính là sự khác biệt giữa những anh hùng dân tộc và bè lũ tay sai bán nước, đúng như câu vè mà dân gian VN đã truyền tụng suốt mấy ngàn năm qua:
“Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn năm bia miệng cũng còn trơ trơ”!

No comments:

Post a Comment