Friday, June 12, 2020

Vấn nạn Kỳ Thị Chủng Tộc trong thế giới đương đại

Quan Điểm

Vấn Nạn Kỳ Thị Chủng Tộc Trong Thế Giới Đương Đại, nhất là tại Hoa Kỳ, cần phải được giải quyết trong tinh thần ôn hòa bất bạo động. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ về vấn nạn này qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Kể từ ngày 25 tháng 5, 2020 khi người đàn ông da đen Hoa Kỳ George Floyd qua đời dưới đầu gối của cảnh sát viên Derek Chauvin tại thành phố Minneapolis, Minesota, thì các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc diễn ra rầm rộ trên khắp 50 tiểu bang và trên các thành phố lớn ngoài Hoa Kỳ.
Những xung đột về chủng tộc cũng thường xuyên xảy ra tại Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, các quốc gia Tây Âu, Nam Phi và Zimbabwe …Tuy nhiên thế giới phải công nhận rằng phong trào Black Lives Matter (Sinh Mạng Da Đen Đáng Quý) đã và đang tạo ra những ảnh hưởng quan trọng tại Hoa Kỳ cũng như trên khắp thế giới.
Hoa Kỳ có dân số 328 triệu người tính đến năm 2019. Trừ sắc tộc da trắng đông đảo ở mức độ 60% dân số  ra thì người da đen khoảng 14% và người Châu Mỹ La Tinh tức Nam Mỹ với tỷ lệ 18% là đông nhất.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1945 thì Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành lãnh đạo Thế Giới Tự Do và Liên Xô lãnh đạo khối cộng sản. Tuy nhiên bắt đầu từ 25 tháng 2 năm 1956, dưới sự lãnh đạo của Kruschev tại Liên Xô và Mao Trạch Đông tại Trung Quốc thì có sự xung đột ý thức hệ. Đảng CSTQ tự cho mình là lãnh đạo cộng sản trung thực của các quốc gia nhược tiểu, nhất là tại Phi Châu và các sắc tộc thiểu số trong đó có da đen.
Đảng CSTQ, từ thời buổi Mao Trạch Đông, đã có dụng ý xem lấn vào chính trị sắc tộc của Hoa Kỳ, nhưng không mấy thành công.
Qua “Tuyên Ngôn Ủng Hộ người da đen Mỹ trong công cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc của Đế Quốc Chủ Nghĩa Hoa Kỳ” ngày 8 tháng 8, 1963, Mao Trạch Đông mặc nhiên coi cuộc chiến đấu của người da đen là một cuộc chiến đấu mang tính giai cấp theo ý thức hệ Mác Lê.
Tuyên ngôn này của họ Mao có ý nghĩa quan trọng vì thời điểm đó là giai đoạn Phong Trào Quyền Dân Sự (Civil Rights Movement) từ 1954 đến 1968 dưới sự lãnh đạo của Tiến Sĩ Martin Luther King Jr.
Thông điệp đấu tranh giai cấp của Mao không hề được người da đen Hoa Kỳ chấp nhận lúc đó hoặc bây giờ.
Lý do là vì Hoa Kỳ là một quốc gia với nền kinh tế vượt trội. Trong quá khứ đã hy sinh xương máu, qua một cuộc nội chiến tàn khốc hầu giải phóng nô lệ da đen. Những cải tổ về hiến pháp và luật pháp liên tục đã cân bằng đáng kể quyền lợi giữa người da trắng, da đen và các sắc dân khác.
Chúng ta đã thấy rất nhiều người da đen thành công vượt bực trên các phương diện chính trị như Cựu Tổng Thống Barak Obama, cựu Ngoại Trưởng Colin Powell hay Condoleezza Rice, người da đen hiện diện từ các cấp chính quyền liên bang, tiểu bang hoặc địa phương. Trên các phương diện phim ảnh, nghệ thuật hoặc thể thao, giáo dục hoặc nghiên cứu…
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất đối diện với vấn nạn này và trở thành mục tiêu của CSTQ.
Chúng ta có thể xét đến 2 quốc gia tiêu biểu khác hầu rút tỉa những kết luận khách quan. Đó là Cộng Hòa Nam Phi và Zimbabwe.
Nam Phi với dân số gần 60 triệu (2019) trong đó 76% da đen, 9% da trắng, 9% da màu, Á Châu 2.5%.
Chủ nghĩa Da Trắng Ưu Việt (White supremacy) giúp cho thiểu số này nắm toàn quyền chính trị. Đa số da đen mất nhân quyền và dân quyền căn bản dưới chế độ Phân Biệt Chủng Tộc Apertheid từ 1948 đến 1990. Apartheid chỉ chính thức chấm dứt trong cuộc bầu cử đa sắc tộc chọn Nelson Mandela làm tổng thống năm 1994.
Trước khi trở thành Zimbabwe, nước Rhodesia (từ 1965 đến 1979) với dân số khoảng 7 triệu, nằm dưới sự cai trị của thiểu số da trắng, qua chủ thuyết Da Trắng Ưu Việt trong khi dân số da trắng chỉ khoảng 300,000 người. Người da đen tuy đa số nhưng không có những dân quyền và nhân quyền căn bản.
Năm 1980, sau 15 năm tranh đấu, Robert Mugabe lật đổ chính quyền da trắng, đổi tên nước thành Zimbabwe và thi hành chính sách cải cách ruộng đất khắc nghiệt.
Sự khác biệt giữa Neson Mandela và Robert Mugabe là sau khi giải phóng đa số da đen tại quốc gia mình thì Robert Mugabe, mặc dầu thừa hưởng một nền kinh tế phát triển, lại chấp nhận quan điểm đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông, trả thù triệt để người da trắng, tước đoạt tài sản của họ. Kết quả là nền kinh tế của Zimbabwe bi hủy hoại trầm trọng, lạm phát phi mã, dân chúng đói khổ lầm than. Sau khi Mugabe bị lật đổ năm 2017, chính sách thay đổi và kinh tế ổn định hơn nhưng GDP đầu người vẫn còn thấp nhất thế giới ở mức $1424.
Trong khi đó Nelson Mandela không chấp nhận quan điểm đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông, hợp tác với thiểu số da trắng và duy trì sự phồn vinh của quốc gia. GDP đỗ đầu cao hơn Zimbabwe nhiều ở mức $6331.
Thông điệp đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông không lọt tai các nhà tranh đấu da đen Hoa Kỳ, nhưng thông điệp này được nhiều giới trí thức da đen Phi Châu kính nể và chấp nhận. Trong số đó có Robert Mugabe và nhiều lãnh tụ da đen khác.
Những dẫn chứng trên cho chúng ta thấy rằng, tuy tương quan giữa những sắc tộc trong các quốc gia, không hoàn hảo, nhưng phải giải quyết trong tinh thần ôn hòa bất bạo động. Những luận đề đấu tranh giai cấp một mất một còn giữa  các sắc tộc khác nhau trong một quốc gia của Karl Marx, Lê Nin hay Mao Trạch Đông đều là những tà thuyết mang tính hủy diệt.
Thực tế chứng minh rằng, các tương quan này tuy khác biệt nhưng bổ sung cho nhau hầu cải tiến một hiện trạng không hoàn hảo của xã hội.
Nhiều chỉ dẫn cho thấy cái chết của George Floyd đã thức tỉnh các giới thẩm quyền tại Hoa Kỳ cũng như trên khắp thế giới. Các nhà lãnh đạo sẽ hợp tác hầu cải tổ các luật pháp và định chế hầu đem lại công lý hiệu năng hơn cho các cộng đồng sắc tộc, nhất là người da đen tại Hoa Kỳ.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment