Sunday, March 31, 2019

Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Hoàng Ân và Trường An sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua. Xin nhường lời cho chị Hoàng Ân .

Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh.
Trước hết HA xin kính chào quý thính giả của đài và xin chào anh TA.
Trường An: TA xin chào quý thính giả và chị HA
Hoàng Ân: nhà báo Trương Duy Nhất lại tiếp tục bị nhà cầm quyền cộng sản VN cáo buộc dính líu đến vụ án Vũ Nhôm. Anh có ghi nhận như thế nào trước việc này?

Trường An: Vào thứ ba vừa qua, bộ công an Việt Nam lên tiếng xác nhận là đang mở cuộc điều tra về nhà báo độc lập Trương Duy Nhất nhưng không cho biết về tung tích của ông Nhất.
Phát biểu trước báo chí, Trung tướng Trần Văn Vệ, chánh văn phòng bộ công an, tuyên bố là ông Nhất có dính líu đến các phi vụ mua bán bất động sản của ông trùm Vũ “nhôm”, với hàng loạt quan chức Đà Nẵng bị bắt giam hay cách chức trong thời gian qua.
Theo cáo buộc của ông Vệ thì trong khi làm trưởng văn phòng đại diện cho tờ báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng, ông Trương Duy Nhất đã sử dụng vị thế này để tiếp tay cho Vũ “nhôm” mua nhà đất không qua đấu giá.
Như chúng ta đã biết, chủ nhân trang mạng có tên là “Một góc nhìn khác”, đã bị mất tích ngay sau khi nạp đơn xin tỵ nạn chính trị ở Thái Lan. Sau gần hai tháng, gia đình nhận được tin báo là ông bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội.
Hoàng Ân: Trước cáo buộc này từ phía bạo quyền cộng sản VN đối với ông Trương Duy Nhất thì đã có tổ chức quốc tế nào lên tiếng chưa thưa anh?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Ngày 29 tháng 3, một nhóm gồm 12 nghị sỹ của Quốc hội châu Âu đã gửi thư cho bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Ủy ban châu Âu (EC), để đề nghị cơ quan này ngay lập tức nêu sự việc của Trương Duy Nhất và Bạch Hồng Quyền với chính quyền Thái Lan.
Trong thư, nhóm nghị sỹ đã bày tỏ sự lo ngại của họ trước sự việc ông Trương Duy Nhất bị mất tích ở Bangkok, cho rằng chính quyền Thái Lan đã cộng tác với nhà cầm quyền Việt Nam để bắt cóc và đưa cựu tù nhân lương tâm về nước.
Theo các nghị sỹ này thì EC nên yêu cầu chính phủ Thái Lan trả lời ngay lập tức về vai trò của nước này trong sự kiện mà họ gọi là “một vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.” Họ cũng xác nhận rằng Bạch Hồng Quyền, một người tỵ nạn chính trị, đang phải lẩn trốn ở Thái Lan vì liên đới đến nhà báo độc lập Trương Duy Nhất. EC cần gây sức ép buộc Bangkok phải tôn trọng luật quốc tế bằng cách không trục xuất Bạch Hồng Quyền và nhiều người khác cũng như đảm bảo an toàn cho họ.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, giới báo chí lề đảng CSVN loan tin là gần 300 giáo viên cống hiến lâu năm cho ngành giáo dục cộng sản đứng trước nguy cơ mất việc. Anh có thể nhắc lại việc này để quý thính giả của đài được tường tận hơn?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, ngày 29 tháng 3 năm 2019 loan tin, gần 300 giáo viên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ không được đi dạy học vì cơ chế của ngành giáo dục Cộng sản.
Phần lớn các giáo viên này là những người đã cống hiến cho nền giáo dục Cộng sản nhiều năm nay, có những giáo viên thời gian giảng dạy đã lên đến 30 năm, có những người là giáo viên dạy giỏi, có bằng khen vì sự cống hiến của mình. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn là giáo viên hợp đồng, không phải giáo viên thuộc biên chế nên sắp tới họ phải thi tuyển viên chức.
Các giáo viên cho rằng, họ sẽ khó có thể đậu vào kỳ thi này vì tuổi họ cũng đã cao, rất khó cạnh tranh với những ứng viên trẻ tuổi được đào tạo theo chương trình mới của bộ Giáo dục. Và nếu trượt viên chức, các giáo viên sẽ mất việc làm.
Bà Trần Thị Toàn, phó trưởng phòng Nội vụ, Ủy ban huyện Sóc Sơn cho biết, đây không phải là trường hợp cá biệt chỉ có ở Sóc Sơn, mà các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có. Nguyên nhân chính là do cơ chế đặc thù của nhà cầm quyền là chỉ được tuyển dụng giáo viên biên chế trong một hạn mức nhất định. Trong khi đó, số học sinh trên địa bàn tăng liên tục, nhưng công tác thi tuyển giáo viên viên chức thì thành phố Hà Nội không triển khai. Vì vậy, để có giáo viên giảng dạy cho học sinh, huyện phải ký hợp đồng lao động.
Ngoài nguyên nhân này, thì hầu hết người dân muốn vào được biên chế nhà nước, phải có mối quan hệ thân quen, hoặc là con ông cháu cha, hoặc là phải mất một khoản tiền lớn để hối lộ cho cấp trên.
Hoàng Ân: Vâng, Hoàng Ân xin cám ơn anh Trường An và xin hẹn gặp lại vào tuần tới.

No comments:

Post a Comment