Wednesday, March 27, 2019

Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế đang hồi sinh?

Bình Luận

Vì quyền lợi cá nhân và bản chất bán nước cố hữu, đảng CSVN đang lăm le phục hồi Dự Luật Đặc Khu Kinh tế hầu phục vụ cho Bá Quyền Trung cộng.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Chí Dũng với tựa đề: “Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế đang hồi sinh?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Phạm Chí Dũng
Không phải Trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính hay Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – những đối tượng quan chức bị dư luận mặc định là tác giả kiêm đạo diễn chính của Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (còn gọi là luật Đặc khu, hoặc ‘Luật bán nước’ như một tục danh mà nhân dân đặt cho dự luật Đặc khu) quá tai tiếng và gây nguy biến cho đất nước, mà vào lần này lại là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng ra thông báo: “Về Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Chính phủ cho biết: …Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung”.

Về thực chất, thông báo trên đã mở đường cho luật Đặc khu – bị hoãn vô thời hạn vào tháng Mười năm 2018 – nảy nòi trở lại.
Khái niệm ‘luật chung’ mà thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ thông báo lại khiến người ta càng nghi ngờ về việc đã từng tồn tại một thứ ‘luật riêng’ – luật Đặc khu mà nhiều nội dung của nó chứa đựng quá nhiều ưu ái cho Trung Quốc và cứ như thể đó là một hình thức trá hình mà chính thể độc đảng ở Việt Nam luồn lách nhượng địa hoặc nói trắng ra là bán đất cho kẻ ‘ngàn năm Bắc thuộc’.
Tại kỳ họp quốc hội tháng Mười năm 2018, bản dự luật Đặc khu – đối tượng đã tạo địa chấn biểu tình khổng lồ và gây sóng gió trong chính trường Việt Nam – đã bị Ủy ban Thường vụ quốc hội ‘quyết’ không mang ra bàn mà để ‘lùi lại’ nhưng không xác định thời hạn
Trước đó vào đầu tháng Bảy năm 2018, tức khoảng một tháng sau khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối ‘Luật bán nước’ ở Sài Gòn với nhân số lên đến hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh thành trong cả nước, Nguyễn Phú Trọng – khi đó còn là tổng bí thư mà chưa ngồi hẳn vào ghế chủ tịch nước của kẻ quá cố là Trần Đại Quang – có gặp một ai đó và thốt lên ‘Nó lừa mình!’.
‘Nó’ là ai?
‘Tứ trụ’ Huynh, Chính, Ngân, Phúc?
Trước khi dự luật Đặc khu trên được tung ra vào giữa năm 2018, quan chức Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính trị kết luận về chủ trương ‘làm’ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là ‘luật bán nước’.
Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh – một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc – vào thời đó là Phạm Minh Chính.
Nhưng khi không khí phẫn nộ của dân chúng và trí thức không còn là mỉa mai hay chỉ trích đối với dự luật đặc khu mà đã bùng nổ thành rất nhiều văn thư, bài viết phản bác và phản kháng, đồng thời manh nha một làn sóng biểu tình phản đối dự luật này, ông Phúc lại ‘tự diễn biến’ khi tự thay đổi quan điểm trước đó của mình sang ‘Sẽ điều chỉnh cho thuê đất đặc khu xuống dưới 99 năm’.
Như một dàn đồng ca, giới dư luận viên của đảng và công an hô hào: “đừng để câu chuyện “đặc khu” bị các thế lực thù địch lợi dụng, với cái gọi là “hành vi bán nước”, “xây dựng thuộc địa kiểu mới”… phản đối dự thảo luật với những lời lẽ kích động, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước”.
Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó: không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’.
Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tụcthói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
Sau khi dự luật Đặc khu bị phản ứng dữ dội, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’: Vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’!
Trong lịch sử ‘làm luật’ ở Việt Nam, ‘luật bán nước’ là một minh chứng hùng hồn nhất về não trạng quên dân và gạt dân. Cho đến tận giờ đây, một trong những quyền dân đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1992 là ‘trưng cầu dân ý’ vẫn chưa hề được luật hóa.
Bất chấp phong trào người dân, trí thức và cả nội bộ trong đảng phản ứng dữ dội về nhiều điều khoản rất bất lợi trong dự thảo luật này, cho tới nay dự thảo luật Đặc khu có thể vẫn chưa được chỉnh sửa một cách cầu thị thật sự, mà thậm chí chỉ được gia cố hết sức sơ sài và mang tính đối phó mà vẫn giữ nguyên quan điểm và quy định chi tiết về ‘cho thuê đất đến 99 năm’ hoặc gần như thế.
Thủ tướng Phúc sẽ xử lý những khúc xương quá khó nuốt trên như thế nào khi tìm cách cho ‘thây ma’ hồi sinh?
Sau ‘luật riêng’ của Phạm Minh Chính và Nguyễn Thị Kim Ngân, vai trò ‘luật chung’ của Nguyễn Xuân Phúc có thể được hiểu ra sao? Liệu ông Phúc có lợi ích gì trong các phi vụ đầu cơ tài chính và chính trị của ‘luật bán nước’?
Ngay trước mắt, một nguy cơ rất hiển hiện đối với chế độ cầm quyền là nếu các nhóm lợi ích trong nội bộ đảng – với tư chất cố đấm ăn xôi – vẫn bằng mọi cách ‘đi đêm’ để thông qua luật Đặc khu, sẽ khiến làn sóng biểu tình chống ‘luật bán nước’ này trong dân chúng tiếp tục diễn ra sôi sục hơn, có thể biến thành một phong trào rất lớn trên mạng xã hội và cả trên đường phố trong năm 2019 và cả những năm sau đó./.

No comments:

Post a Comment