Thursday, March 7, 2019

NHỮNG MÙA XUÂN VẤN KHĂN TANG

Thi Ca Yêu Nước

Ngô Quốc Sĩ
Mùa xuân Kỷ Hợi đã trở về với nắng ấm, cỏ mướt và mai đào khoe sắc đó đây. Nhưng với dân Việt, mùa xuân vẫn khoác màu thâm đen, đượm mùi tử khí, với bao oan khiên trút xuống đầu dân tộc. Qua thảm nạn Lộc Hưng mới đây, Như Thương đã trải lòng mình lên nỗi đau dân tộc qua bài thơ “Nước mắt 2 Mùa Xuân”, mùa xuân Mậu Thân 68 và mùa xuân Kỷ Hợi 2019. Chen vào giữa 2 mùa xuân ảm đạm đó, chúng ta còn phải kể thêm mùa xuân 75, được Hà Nội gọi là “Mùa xuân đại thắng”, thực chất chỉ là mùa xuân tang tóc loang máu khi tự do bị bức tử dưới bàn tay bạo cường.

Nếu mùa xuân Mậu Tý 1288 Hưng Đạo đại thắng Nguyên Mông, xuân Kỷ Dậu 1789 Quang Trung đại phá quân Thanh, được gọi là những mùa xuân huy hoàng, thì mùa xuân 68, 75 và 2019 là những mùa xuân ảm đạm, mùa xuân vấn khăn tang khóc cho đất nước Việt Nam quằn quại dưới bàn tay cộng sản bạo tàn..
Mùa xuân 75 đánh dấu một thời sử đen! Miền Nam bị bức tử một cách phi lý. Cánh cửa tự do khép lại trong uất nghẹn và tủi hận ngất trời. Từ đó, bao tinh hoa đã vùi thân trong những trại tù dị sử, bao sinh linh trôi giạt giữa biển khơi, bao thiếu nữ nhũn mềm trong tay hải tặc! Cũng từ đó, cả một dân tộc bị nhận chìm xuống vũng lầy đày đọa, trẻ thơ lây lất, dân oan thét gào, người người nối đuôi nhau vào ngục tối trong khi bọn đao phủ ngồi chễm chệ trên ngai vàng, phè phỡn vui đùa trên nước mắt và máu xương dân lành!!
Còn xuân Mậu Thân thì mãi mãi vẫn là giải khăn sô rướm máu. Thật mỉa mai! Trong khi Hà Nội tổ chức ăn mừng chiến thắng Mậu Thân, thì dân Việt vấn khăn tang tưởng nhớ trên 5 ngàn dân lành bị chôn sống, xác lấp vệ đường, Đá Mài nức nở,
Hương Giang nghẹn ngào:
Tang cho Huế vẫn muôn đời sắc tím
Dẫu tháng năm hồn phiêu dạt muôn phương
Mậu Thân ơi, Suối Đá Mài tìm kiếm
Xác em đâu ai vùi lấp bên đường
Đau đớn nhất là oan khiên đã đổ xuống trong giây phút giao thừa linh thiêng! Em chưa kịp điểm son đón chào xuân mới, chưa kịp thắp nhang cúng tổ tiên, thì máu đa lênh láng:
Phút Giao Thừa không trầm hương khói tỏa
Máu em loang trên mâm cúng Gia Tiên
Tội tình chi em Huế ơi tóc xõa…
Giặc giết em. Son chưa kẻ môi viền
Ngờ đâu hương khói kính nhớ tổ tiên lại chính là hương khói niệm hồn những chàng trai Việt bị chôn sống không một lời từ biệt. Vết thương Mậu Thân mãi còn nhỏ máu?
Mạ khóc ngất, con Mạ đâu mất biệt
Chôn sống rồi đau lòng Mạ siết bao
Đau thương này có thấu chăng nhật nguyệt
Sông Hương về rên xiết giấc chiêm bao
Thế đó! Huế mộng mơ nay chỉ còn là đống tro tàn, tiếng đạn bom thay pháo nổ:
Còn đâu nữa Huế nghìn xưa…Phố cổ
Áo lễ chùa còn nếp gấp thơm tho
Tiếng bom đạn rền vang thay pháo nổ
Giặc đốt nhà, người bỗng hóa bụi tro
Hôm nay, mầu tang tóc của Huế lại phủ lên Vườn Rau Lộc Hưng, Tân Bình. Mảnh đất sống nhỏ bé của đồng bào di cư từ miền Bắc năm 1954 phút chốc biến thành đống gach vụn do bàn tay của bọn côn đồ khát máu. Qúa uất ức, Trúc Hồ đã nghẹn ngào lên tiếng:
Vì ai vì ai đau thương lan tràn
Vì ai vì ai trót tạo hoang tàn
Ở đây, Như Thương cũng đã cảm thấy đứt ruột trước những mảnh sống nhỏ nhoi bị cướp mất. Còn lại gì cho em, dù chỉ một cành mai chơ vơ trên hoang tàn đổ nát!
Em đi tìm một nhành mai sót lại
Trên mảnh vườn giữa đổ nát tan hoang
Lộc Hưng ơi, chỉ còn là hủy hoại
Chẳng còn chi giữa bình địa, điêu tàn
Phạm Thanh Nghiên đã òa khóc: “Tôi bật khóc. Con ngõ quen thuộc, những luống rau xanh mướt, những căn nhà trọ của xóm lao động nghèo đã hoàn toàn biến mất sau chỉ một đêm. Tôi dò dẫm, bước từng bước liêu xiêu trên đống đổ nát, đôi chân run rẩy như chực ngã. Tôi không ngăn được dòng nước mắt và tiếng nấc nghẹn trong cổ họng.”
Thế là mọi hy vọng đều tiêu tan. Hiện tại thành gạch vụn. Tương lai thành bụi mù! Kiếp sống thành đêm dài thức trắng:
Đây đất bằng của những ngày nổi sóng
Một ngọn cây, ngọn cỏ cũng chia lìa
Viên gạch vỡ… Thôi tan niềm hy vọng
Dựng lại nhà. Em thức trắng đêm thâu..
Đồng cảm với Thư Hương, Từ Thức đã thật sự phẫn nộ trước hành động phi pháp của bọn côn đồ: “Ngày nay, người ta kéo hùng binh, du đãng đâm thuê chém mướn, tới phá nhà cửa của dân nghèo, không một ánh mắt tới cháu gái ngồi buồn bã trước cuộc đời tan vỡ”
Nếu Nhã Ca đã quấn giải khăn sô cho Huế trong tết Mậu Thân, thì Như Thương cũng muốn dựng lên những mộ bia để tưởng niệm nỗi đau tột cùng của Lộc Hưng, để tang cho gạch ngói, cho vườn rau, cho hàng cây và giải đất thắm đượm tình người. Đồng thời cũng để ghi khắc tội ác của cộng sản vào lịch sử, để con cháu nhớ mãi thời sử đen với búa liềm cờ đỏ:
Dựng mộ bia để tang cho gạch ngói
Cho vườn rau đang xanh mướt đợi Xuân
Cho hàng cây bên hè trên cao vói
Cho đất nâu thầm lặng chữ nghĩa nhân
Thế rồi trong khổ đau, Như Thương đã tìm thấy chân lý giải thoát. Nếu khổ giá là con đường phục sinh của Đấng Cứu Thế, thì Như Thương cũng đã lấy nước mắt rưới xuống đất mềm cho động lòng trời, làm gạch đá hồi sinh, cấy lại mầm sống trên đất chết:
Tưới nước mắt cho đất mềm yêu dấu
Bao nhiêu năm gắn bó ở chốn này
Gạch đá buồn và nỗi đau… ai thấu?
Lay động Trời và Đất, hỡi mây bay…
Thế đó! Nước mắt dân Việt là nước mắt nhiệm mầu, máu dân Việt cũng là máu thánh linh thiêng có thể lay động trời đất. Với nước nhiệm mầu và máu thánh thấm xuống lòng đất, Việt Nam sẽ phục sinh. Đất sẽ nở hoa và dân Việt sẽ thoát khỏi đại nạn cờ đỏ sao vàng..
NQS, MN và HS xin hẹn quí thinh giả trong TCYN lần tới.

No comments:

Post a Comment