Sunday, February 1, 2015

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 01.02.2015  
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân:Trong một thông báo mới đưa ra, Tổ chức Human Rights Watch đã công bố báo cáo nhân quyền thế giới trong năm 2014, nội dung cho thấy tình hình nhân quyền tại VN vẫn ở mức báo động, điển hình là con số người bất đồng chính kiến bị bắt vẫn còn nhiều và bị bạo quyền đàn áp thô bạo hơn các năm trước. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này.
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Trước khi đưa ra bản công bố về nhân quyền 2014 thì vào 27/1, Tổ chức Giám sát Nhân quyền đã chỉ trích nặng nề tình trạng mật vụ VN hành hung đến trọng thương nhiều người bất đồng chính kiến tại VN, mà điển hình là vụ đánh đập các nhà báo Nguyễn Tường Thụy, JB Nguyễn Hữu Vinh, kỹ sư Ngô Duy Quyền, và một số phụ nữ đấu tranh tại tỉnh Thái Bình vào ngày 21/1 vừa qua.
Trong bài báo số ra cùng ngày, tờ Eurasia Review cũng nhấn mạnh đến làn sóng bạo quyền VN hành hung giới bất đồng chính kiến và giới lãnh đạo tôn giáo một cách công khai. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền thì chỉ trong năm 2014, có ít nhất 22 nhà báo mạng và người đấu tranh cho nhân quyền bị mật vụ VN tấn công gây thương tích. Trong báo cáo thường niên hơn 600 trang, nội dung đánh giá thành tích nhân quyền của 90 quốc gia trong năm 2014, tổ chức này kết luận rằng làn sóng hành hung giới bất đồng chính kiến tại VN đang gia tăng trong bối cảnh người dân ngày càng có ý thức hơn về quyền công dân của mình.
Tổ chức giám sát nhân quyền lưu ý dư luận thế giới là vào năm qua, bạo quyền Hà Nội đã chấp thuận 182 đề nghị trong tổng số 227 đề nghị do Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra, nhưng không thực hiện các đề nghị quan trọng như phóng thích tù nhân lương tâm và tôn giáo, chấm dứt các chính sách đàn áp và bỏ tù những người đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để trình bày chính kiến của mình một cách ôn hòa. Báo cáo trưng dẫn nhiều trường hợp đàn áp người dân bằng các điều luật phi lý như 88 và 258 trong bộ luật hình sự VN. Tổ chức này cũng nêu lên các vụ bắt giam bỏ tù một cách phi lý các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.
Hoàng Ân: Cũng liên quan đến vấn đề này, một tổ chức quốc tế vừa công bố phúc trình thường niên về tự do dân chủ trên thế giới , theo đó thì VN một lần nữa bị xếp hạng chót. Anh có ghi nhận như thế nào về sự kiện này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, theo kết quả khảo sát của tổ chức Freedom House, được thực hiện trên 195 quốc gia và VN bị đánh giá thấp nhất về quyền tự do chính trị, nếu không muốn nói là không hề có được quyền căn bản nào trong lãnh vực này.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến mới đây, báo chí Trung Cộng xác nhận về tin đồn việc Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng muốn làm Tổng bí thư đảng CSVN. Anh vui lòng nhắc lại sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Tờ Giáo Dục VN vào hôm 28/1 đã phản pháo bài báo trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Cộng sau khi tờ này đăng bài bình luận nói rằng Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm đến chiếc ghế tổng bí thư đảng CSVN trong đại hội đảng kỳ 12.
Nhận định này không có gì đáng ngạc nhiên vì giới quan sát trong và ngoài nước đã nhiều lần đề cập đến ý đồ này của ông Dũng. Nhưng tờ Giáo Dục VN giận dữ lên án tờ Hoàn Cầu Thời Báo là "tung tin thất thiệt, kích động chia rẽ nhằm gây nhiễu loạn nội bộ VN". Tờ báo đặt câu hỏi là vì không thể thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ nên Trung Cộng tìm cách phân hóa nội bộ người Việt?
Phản bác lại lời bình luận nói rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là "đại diện của phe thân Mỹ" trong đảng CSVN, tờ Giáo Dục cáo buộc tờ Hoàn Cầu Thời Báo là "bôi nhọ ông Dũng" và nhắc nhở về việc tờ báo này từng có bài công kích bộ trưởng giao thông VN Đinh La Thăng sau khi ông này khiển trách nhà thầu Trung Cộng về các tai nạn trong dự án đường xe điện trên không ở Hà Nội.
Cần nói thêm là trong bài bình luận nói trên, tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định là năm 2015 sẽ là một năm sinh tử trong cuộc chơi ba bên là Việt – Mỹ - Tàu, và Trung Cộng sẽ phải trực diện với tình thế căng thẳng hơn những năm trước vì VN muốn ngã về phía Mỹ, mà đại diện điển hình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hoàng Ân: Ngay sau khi bị báo chí VN lên án mạnh mẽ về việc đưa tin đồn về việc ông Nguyễn Tấn Dũng muốn làm tổng bí thư đảng CSVN thì tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cái loa tuyên truyền của Trung Cộng, lại lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo sử dụng sức mạnh kinh tế để trói buộc VN vào quỹ đạo Trung Cộng, không cho VN ngã về phía nước Mỹ. Xin anh nói rõ hơn về việc này?
Trường An: Theo tôi được biết, lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh hai nước Mỹ - Việt đang mở thêm nhiều cuộc đàm phán về quan hệ hai nước nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập bang giao, đặc biệt là các thảo luận về thỏa ước mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Vào hôm 29/1 vừa qua, trả lời báo chí VN, tân đại sứ Mỹ tại VN tuyên bố là nước Mỹ có tham vọng trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại VN. Ông Ted Osius cũng tái nhấn mạnh là Hoa Kỳ muốn giúp VN trở thành một nước giàu mạnh, độc lập, thượng tôn luật pháp và bảo vệ nhân quyền.
Trung Cộng đã không giấu diếm sự lo ngại về những biến chuyển trong mối quan hệ Việt – Mỹ suốt hai tuần qua. Chính vì thế lời kêu gọi trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo được xem là một chủ trương của bạo quyền Trung Cộng nhằm ngăn chận VN ngã về nước Mỹ để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng.
Hoàng Ân: Thế còn việc tại VN tệ nạn chạy chức chạy quyền chỉ đứng sau tệ nạn tham những thì sao thưa anh?
Trường An: Ban tuyên giáo trung ương CSVN vừa công bố một kết luận điều tra cho thấy là tệ nạn chạy chức chạy quyền tại VN hiện đứng thứ nhì, chỉ sau có đại dịch tham nhũng đang tàn phá đất nước và xã hội.
Điều khôi hài là trong khi ông Tô Huy Rứa, trưởng ban tổ chức trung ương, công bố kết luận này thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại ngây ngô đặt câu hỏi là có tệ nạn này hay không, ai đã chạy và chạy đến ai? Ông Trọng thú nhận là ông nghe thấy dư luận bàn tán về tệ nạn chạy chức chạy quyền mà xót ruột vì vậy ra lệnh phải xác định minh bạch, tìm cho ra kẻ nào chạy, chạy đến ai, và mức độ chạy chọt là như thế nào.
Khôi hài hơn nữa là ngay sau đó ông Tô Huy Rứa cũng phát biểu một cách mâu thuẫn với kết luận trước đó khi nói rằng tiến trình bổ nhiệm quan chức phải trải qua 6 cơ quan, từ trung ương đến địa phương, nên việc chạy chức chạy quyền khó có thể thực hiện được.
Hoàng Ân: Cám ơn anh Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment