Sunday, February 15, 2015

Việt Nam Tuần Qua 15.02.2015

Chủ Nhật 15.2.2015  
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, anh có ghi nhận như thế nào về việc ông Nguyễn Bá Thanh từ bỏ ngôi vị vua một cõi tại Đà Nẵng để về Hà Nội đầu quân cho ông Nguyễn Phú Trọng, nắm chức vụ Trưởng ban Nội chính Trung ương dẫn đến cuộc đấu đá nội bộ sát phạt quyết liệt với bản án tử hình dành cho đàn em của Nguyễn Tấn Dũng là Dương Chí Dũng, cùng cái chết của Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ đã khiến cho số phận tiêu điều của Nguyễn Bá Thanh đã được định đoạt bằng cái chết do bị nhiễm phóng xạ và đã qua đời tại nhà riêng vào lúc 12h trưa ngày 13/2 ?
Trường An: Sau hơn một tháng tin tức chồng chéo lên nhau, tạo nhiều nghi vấn về số phận của Trưởng ban nội chính thì vào lúc 12h ngày 13/2, ông Nguyễn Bá Thanh được chính thức thông báo là đã qua đời.
Được biết tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh trong thời gian qua đã làm nổi bật nét đặc thù của truyền thông đen tối, mơ hồ của đảng. Mãi đến nhiều tháng sau khi ông ta đã lâm vào tình trạng hiểm nghèo và trước những thông tin dồn dập từ phía lề dân, nhà nước mới cho biết ông đã đi chữa trị tại Singapore và sau đó sang Hoa Kỳ điều trị.
Khi ông Nguyễn Bá Thanh được đưa về nước, những tin tức ban đầu đã trở thành đích nhắm cho sự nhạo báng của dư luận về sự láo khoét trong tuyên bố của các cán bộ. Điển hình là câu "tau khỏe có chi mô" và sau đó là một loạt những thông tin ông Thanh ăn được, đi đứng được, theo dõi công việc và ký giấy tờ. Trong khi đó Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ trung ương của VN nói rằng, ông Nguyễn Bá Thanh bị chứng bệnh rối loạn sinh tủy. Tuy nhiên nhiều tin đồn đoán cho rằng ông đã bị nhiễm độc phóng xạ và nói ông là nạn nhân của một cuộc thanh toán lẫn nhau trong nội bộ đảng cộng sản. Như chúng ta đều biết, trong vòng chưa tới một năm, Nguyễn Bá Thanh là người thứ 3 trong thành phần cán bộ cộng sản cao cấp đã qua đời với nhiều nghi vấn. Trước đó là Phạm Quý Ngọ đã đột tử vào tháng 2/2014 sau khi bị Dương Chí Dũng khai báo trước tòa về hành vi nhận hối lộ. Kế đến là cái chết được cho là tự tử với sợi dây nhựa lõi đồng không ở cùng với xác người chết là Cục trưởng Đường Sắt Nguyễn Hữu Thắng.
Hoàng Ân: Cũng vào hôm thứ 5 vừa qua, nhà cầm quyền VN tại Đồng Nai đã đem 3 chiến sĩ dân chủ là cô Lê Thị Phương Anh, anh Phạm Minh Vũ, và anh Đỗ Nam Trung ra xét xử về tội yêu nước chống lại Trung Cộng. Xin anh nhắc lại sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài được rõ hơn?
Trường An: Theo tôi được biết, vào lúc 7:30 sáng 12/2, tòa án tỉnh Đồng Nai đã đem 3 chiến sĩ dân chủ là cô Lê Thị Phương Anh, anh Phạm Minh Vũ, và anh Đỗ Nam Trung ra xét xử. Ba người này bị bắt vào tháng 5 năm ngoái khi đi tìm hiểu về cuộc bạo loạn chống Tàu ở tỉnh Đồng Nai với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng", nhưng sau đó khi ra tòa họ đã bị tòa án cộng sản VN đổi tội danh thành 258 là "lợi dụng quyền tự do dân chủ" để bôi nhọ chế độ. Cũng như tất cả các phiên tòa ô nhục xét xử các chiến sĩ dân chủ khác từ trước đến nay, nhà cầm quyền CSVN đã xét xử một cách chớp nhoáng trong lúc huy động lực lượng công an dầy đặt để trấn áp các thân nhân của bị cáo và những người yêu chuộng công lý đến tham dự phiên tòa. Chỉ sau gần 5 giờ đồng hồ xét xử, tòa án tỉnh Đồng Nai đã tuyên án ông Phạm Minh Vũ 18 tháng tù, bà Lê Thị Phương Anh một năm tù và ông Đỗ Nam Trung 14 tháng, với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" để chống phá đảng và nhà nước.
Hoàng Ân: Theo anh vì sao tờ báo Người Cao Tuổi VN đã bị nhóm lãnh đạo cấp cao của CSVN trả thù?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài! Tờ báo Người Cao Tuổi vừa bị bộ công an VN truy tố theo điều luật 258 là "lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước và cá nhân", tương tự như tội danh mà nhiều người bất đồng chính kiến đang bị kết án tù.
Vụ truy tố này là dựa trên đề nghị của bộ thông tin truyền thông sau khi tờ báo này phanh phui nhiều vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao, điển hình như vụ tài sản khổng lồ của cựu tổng thanh tra Trần Văn Truyền vào cuối năm ngoái. Vào năm 2013, tờ báo này cũng có bài phóng sự mang tên "Thị trường sao và vạch" viết về tệ nạn chạy lon chạy chức trong hai ngành công an và quân đội. Ngay sau lời công bố mở cuộc điều tra vì có "dấu hiệu phạm tội" của bộ công an, bộ thông tin cũng họp báo tuyên bố đóng cửa trang báo điện tử của tờ Người Cao Tuổi và thu hồi thẻ nhà báo của ông tổng biên tập Kim Quốc Hoa đồng thời ông này cũng bị đình chỉ công tác từ hôm thứ 6 vừa qua.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế. Trong tuần qua, Ngân hàng Thế giới đã quyết định liệt tên 8 dự án tại VN vào sổ đen vì nhiều mờ ám trong kế hoạch. Xin anh nói rõ hơn về vấn đề này?
Trường An: Đúng vậy! Ngân hàng Thế giới vừa liệt tên 8 dự án tại VN vào sổ đen vì tiến triển quá chậm chạp, với nhiều mờ ám trong kế hoạch. Được biết là 8 dự án này đều sử dụng vốn viện trợ để phát triển ODA, tức vay tiền với lãi xuất rất thấp. Một trong những dự án bị nêu tên là dự án giao thông đô thị ở Hà Nội, đã thi công ì ạch suốt 7 năm qua và mức độ giải ngân chưa đến 30% số vốn cho vay. Các dự án còn lại cũng có mức độ chậm chạp từ 5 đến 7 năm.
Hoàng Ân: Thế còn việc nhà cầm quyền VN sẽ giải thể các tập đoàn quốc doanh để lấy lại vốn liếng thì sao thưa anh?
Trường An: Trong tuần qua ông Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố với giới báo chí là đến cuối năm nay sẽ hoàn tất tiến trình tư hữu hóa các tập đoàn quốc doanh, và nguồn tiền thu được sẽ đổ vào các dự án quan trọng và cần thiết nhất.
Theo công bố của ông Dũng thì tiến trình tư hữu hóa hay cổ phần hóa các tập đoàn quốc doanh đã tiến hành từ 20 năm trước, với con số 12 ngàn công ty nhà nước vào năm 1990 được rút xuống còn 1350 công ty vào năm 2013. Tuy nhiên mục tiêu rút xuống còn 800 công ty vào cuối năm ngoái vẫn chưa thực hiện được.
Một điều đáng lưu ý là trong vai trò đứng đầu nhà nước VN, ông Dũng chỉ trưng dẫn những số liệu của năm 2013 thay vì 2014 khi trình bày mức độ kinh doanh của các tập đoàn nhà nước. Theo đó thì tổng sản lượng của năm 2013 là vào khoảng 140 tỷ Mỹ kim, nhưng tỷ lệ lợi nhuận rất thấp, chỉ đóng góp khoảng 30% ngân sách quốc gia. Một điểm nữa mà ông Dũng không đề cập tới là tổng số nợ của các công ty, mà theo tính toán của các tổ chức tài chánh quốc tế thì phải lên đến cả trăm tỷ Mỹ kim.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment