Sunday, February 22, 2015

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 22.02.2015   
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên.
Kính thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an bộ đội,
Năm 1995 cuốn hồi ký «Gửi cho Mẹ và Quốc hội» vừa xuất hiện đã làm cho giới lãnh đạo cộng sản giật mình, hoảng sợ.
Một báo cáo mật của giới tuyên giáo gửi cho cấp lãnh đạo khi đó đã có những nhận xét như sau về cuốn "Gửi cho Mẹ và Quốc hội":
"Đây là một cuốn sách có nội dung rất phản động, rất độc hại vì nó vu khống, bêu xấu, chửi bới, lên án gay gắt sự lãnh đạo của Đảng ta một cách toàn diện (cả chính trị, kinh tế và văn hóa, văn học) và 'có tính hệ thống' (cố nêu sai lầm này tiếp sai lầm khác trong các thời kỳ và có liên hệ mật thiết với nhau), nó bộc lộ một thái độ bất mãn rất cay cú, trắng trợn, nghĩa là "ăn thua đủ" (nói theo người Nam Bộ) với Đảng ta và chế độ ta."
Vậy, tác giả của cuốn hồi ký đó là ai mà lại "cay cú", "vu khống", "bêu xấu", "ăn thua đủ" với đảng cộng sản như thế? Chắc tác giả là một người thuộc Việt Nam Cộng Hòa hoặc là một đảng viên Quốc dân đảng?
Thưa quí vị, quí bạn, không phải thế, tác giả chính là một đảng viên cộng sản từ thời kỳ 1930, một cán bộ cộng sản cao cấp thuộc hạng cha chú lớp lãnh đạo cộng sản những năm 1990.
Đó là Cụ Nguyễn Văn Trấn. Cụ Trấn sinh quán tại Gia Định năm 1914, đi theo cộng sản và vào đảng cộng sản Đông dương hồi mới khoảng 20 tuổi. Cụ Trấn cũng là chủ sáng lập tờ báo Dân Chúng (Le Peuple) rất nổi tiếng của đảng cộng sản Đông Dương hồi năm 1938. Cụ Trấn đã từng giữ chức Chính Ủy Bộ Tư Lệnh Khu 9 trong thời kỳ kháng Pháp, sau này còn làm đại biểu Quốc hội, làm giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc và từng là Vụ Phó Ban Tuyên huấn Trung ương. Sau khi nghỉ hưu năm 1976, Cụ Trấn còn tham gia viết báo cho tờ Tuổi Trẻ cười với bút danh nổi tiếng : Hai Cù Nèo.
Thế mà giới lãnh đạo cộng sản lại có những đánh giá rất cay độc về cụ Trấn như thế. Giờ chúng ta hãy cùng nhau xem một số chi tiết trong cuốn hồi ký đó để biết rõ hơn về những điều cụ Trấn đã bày tỏ cho công luận thấy.
Khi đề cập lại vụ Cải cách ruộng đất do Hồ Chí Minh phát động theo khuyến dụ của Mao Trạch Đông, cụ Trấn đã cho biết một cán bộ tên là Nguyễn Văn Châu từ khu 5 đã phải sang Trung Cộng học tập khi trở về nói:
"Đấu tố như vậy rốt cuộc được cái gì. Được cái tan nát tình làng nghĩa xóm."
Còn Bùi Công Trừng, theo lời thuật của cụ Trấn, đã đưa ra một nhận xét ngao ngán thế này:
"Cải cách ruộng đất đem lại cho người nông dân Bắc bộ một khoảnh đất con chó nằm còn ló đuôi ra ngoài."
Nhận xét về nền văn học, nghệ thuật sau năm 1954 ở miền Bắc, cụ Nguyễn Văn Trấn viết:
"Hiện thực xã hội chủ nghĩa tức là con đường đi lên trong văn học, nghệ thuật. Nghĩa là văn nghệ chỉ được nói lên xã hội thiên đàng vô cùng đẹp, chưa có, chưa bị cướp, áp bức, bóc lột đang diễn ra trước mắt. Rất hiếm những bí thư, chủ nhiệm, thủ kho, cửa hàng tốt, phải nói hầu hết là ăn cắp, thi nhau ăn cắp, nhưng văn học không được nói thật mà phải dựng lên toàn là những người lý tưởng."
Nói về nền tư pháp xã hội chủ nghĩa, cụ Nguyễn Văn Trấn đã mượn lời ông Nguyễn Hữu Đang để kết luận:
"Tòa án là một tòa án tha hồ tùy tiện còn hơn tôn giáo pháp đình của giáo hội Trung cổ. Muốn bắt ai thì bắt, muốn xử ai thì xử, bịa ra luật nặng nhẹ tha hồ để xử."
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cộng sản đã chiếm được toàn bộ miền Nam đặt toàn bộ Việt Nam dưới chính thể độc tài, cụ Trấn cho biết ngay lúc đó đã có người bạn tiên đoán với cụ như vầy:
"Chúng nó cũng mấy thằng ấy, cũng những chính sách ấy, cai trị 17 triệu dân thì dân đã nghèo sát đất, không đầy 15 năm, hai cái rừng Việt Bắc và Tây Bắc bị cạo trọc lóc. Bây giờ ở miền nam, cũng đào kép ấy, hài kịch ấy chưa chi đã giành đất Ban Mê Thuột, của Đà Lạt và Sông Bé thì chúng nó sẽ đua với miền bắc 15 năm, miền nam chỉ cần ba năm thì cũng trơn lu như mu bà bóng cho mày coi."
Năm 1995 lúc ra mắt cuốn hồi ký, tức là đã 10 năm sau ngày đảng cộng sản Việt Nam cho thực hiện cái gọi là "đổi mới" mà thực chất chỉ là làm những việc trước đó họ đã cấm đoán để nhằm cứu vãn chế độ, cụ Nguyễn văn Trấn đã thẳng thắn lột ra cái bản chất lừa mỵ và lôi ra cái âm mưu xóa dấu vết, chạy tội của đảng cộng sản ở phía sau những chính sách "sửa sai" hay "đổi mới" đó như thế này:
"Một lái xe cán chết người, muốn sửa sai không được, anh phải đi tù, phải tước bằng. Anh bác sĩ chữa bệnh làm chết người cũng thế, phải tước bằng và phải đi tù. Đấy là những người làm chết ít người. Còn những người cầm vận mệnh của cả nước đã làm cho đồng bạc mất giá hàng vạn lần, làm cho hầu hết công trường, xí nghiệp phá sản, cho 90% con cái gia đình thành lưu manh, cho 50% trẻ em mất dinh dưỡng, còn giết oan bao nhiêu người có tài đức, còn phá phách bao nhiêu công trình văn hóa lịch sử. Những con dun bị đạp gào lên: sai rồi! Thì họ rất bình tĩnh trả lời: sai thì sửa! hoặc bất đắc dĩ phải sửa thì không biết sửa chân thành. Họ vẫn núp dưới lá cờ đảng để đi từ sai lầm tày trời này đến sai lầm tày trời khác."
Đến đây chúng ta đã thấy rõ vì sao giới lãnh đạo cộng sản lại rất hoảng hốt và đả phá dữ dội cuốn "Gửi cho Mẹ và Quốc hội".
Dian, Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn
22.02.2015

No comments:

Post a Comment