Friday, April 20, 2012

Trăm kiểu chạy trường


Ngày 19.04.2012     

Lời dẫn: Cách chạy trường phổ biến và công khai nhất hiện nay vẫn là thông qua các mối quan hệ mà đầu mối chính là những người quản lý trong ngành giáo dục. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Trăm kiểu chạy trường" của Lưu Trang qua giọng đọc của Dian
Chuyện chạy trường bây giờ trở thành là "truyền thống" , trước tiên là chạy hộ khẩu, tạm trú, nhưng nay việc này không còn gây ồn ào nữa, bởi vì theo quy định của một số quận trung tâm, hồ sơ của học sinh sẽ được xét ưu tiên theo thời gian sinh sống tại địa bàn và ưu tiên trẻ ở cùng cha mẹ.

Nhưng đâu chỉ có cách "truyền thống", còn nhiều chiêu "biến hóa", lách luật để chạy trường cho con...
Thậm chí phụ huynh một trường tiểu học ở quận 3,Thành phố Sài Gòn còn đưa một lực lượng hùng hậu từ công ty xây dựng của mình tới đòi lát gạch mới cho sân trường ngay sau khi vừa nộp hồ sơ cho con mà chưa biết kết quả xét tuyển. Tuy nhiên các trường cũng rất cảnh giác với những "mạnh thường quân trá hình". Đã có trường hợp xuất hiện một số "mạnh thường quân" đến hỗ trợ, tặng quà nhà trường tạo dựng mối quan hệ. Năm học tiếp theo, "mạnh thường quân" đó liền mang vài hồ sơ học sinh đến gửi cho trường, đặt hiệu trưởng vào tình thế hết sức khó xử.
Một phụ huynh ngụ tại phường 2, quận Bình Thạnh, TP Sài Gòn, dự tính sẽ chạy cho con vào một trường tiểu học có tiếng ở quận Nhất tự tin cho biết: "Tôi sẽ nhờ người quen vào trường xin nộp sổ vàng và gửi hồ sơ cho con. Nói là sổ vàng, nhưng hình thức thì không phải sổ vàng mà là đầu tư tự nguyện. Để góp phần phát triển cơ sở vật chất cho nhà trường và cũng tạo điều kiện tốt hơn cho việc học của con tôi, tôi tự nguyện đăng ký hỗ trợ nhà trường số tiền là... để tu bổ, xây dựng cơ sở vật chất.
Hiệu trưởng trường tiểu học quận Nhất cho biết: "Có phụ huynh trái tuyến đặt thẳng vấn đề với nhà trường rằng tôi không qua "cò", số tiền lẽ ra phải đưa cho "cò" thì tôi muốn gửi thẳng đến nhà trường để đóng góp nếu con tôi được vào học ở trường.
Chúng tôi hướng dẫn phụ huynh cứ ghi nguyện vọng của mình trong đơn, nhưng cũng giải thích rõ với phụ huynh rằng để xét các hồ sơ trái tuyến còn có một hội đồng tuyển sinh và sẽ xét theo đúng các quy tắc ưu tiên chứ không phải vì những đóng góp mà phụ huynh hứa hẹn. Còn nếu sau này hồ sơ của con em phụ huynh được xét, phụ huynh có thể tự nguyện hỗ trợ điều kiện học tập của con em mình tại trường, hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện xét tuyển".
Ngành giáo dục đã phân tuyến để học sinh nào cũng có chỗ học, dù vậy phụ huynh luôn muốn vượt tuyến để con mình được học một ngôi trường tốt nhất . Vượt tuyến phường, tuyến quận và có những trường hợp vượt cả tuyến... tỉnh.
Cách chạy trường phổ biến và công khai nhất hiện nay vẫn là thông qua các mối quan hệ mà đầu mối chính là những người quản lý trong ngành giáo dục. Hiệu trưởng một trường tiểu học không ngần ngại cho biết: "Chuyện chạy trường là chuyện có qua có lại. Quy định là quy định nhưng bao giờ cũng có những trường hợp ưu tiên đặc biệt. Năm ngoái phòng giáo dục quận này có gửi một vài trường hợp trái tuyến vào trường kia, đổi lại ban giám hiệu trường kia cũng được vài suất ưu tiên nếu muốn xin qua những trường thân quen với phòng giáo dục đó. Lợi dụng những mối quan hệ này nên một số người trung gian đã "làm giá", nhận tiền của phụ huynh trong khi người trực tiếp chạy trường không nhận đồng nào".
Để có sự công bằng cho các học sinh và tránh những tai tiếng không tốt trong ngành giáo dục, không ít trường tiểu học đã phải tổ chức gặp trực tiếp các phụ huynh trái tuyến và cả người trung gian để thông báo về việc hồ sơ của con em họ được xét trên cơ sở hội đủ các điều kiện ưu tiên, nhà trường hoàn toàn không nhận một đồng nào từ phía phụ huynh cũng như người trung gian./.
Lưu Trang

No comments:

Post a Comment