Monday, April 30, 2012

Lá Thư Úc Châu ngày 29.04.2012



Lời dẫn: Lá thư Úc châu kỳ này, Bửu Sơn xin gửi đến quý thính giả 2 sự việc đã và đang gây xôn xao dư luận tại Úc:"Thuế carbon, loại thuế gây nhiều tranh cãi"và "Chủ tịch Hạ viện từ chức" qua giọng đọc của Bạch Mai.
Về thuế Carbon
Trước ngày bầu cử vào tháng 8 năm 2010, Thủ tướng Julia Gillard đã nhiều lần khẳng định sẽ không đánh thuế carbon (thuế khí thải) nếu đảng Lao động đắc cử. Tuy nhiên, việc bà Gillard không giữ lời hứa này đang gây xôn xao dư luận Úc.

Tại Úc, trong suốt nhiều tuần qua, giới truyền thông liên tục đưa tin về những lời tuyên bố của bà Gillard và Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan, để chứng tỏ đảng Lao động đang cầm quyền đã không giữ lời hứa.
Trong cơn 'nguy khốn' của đảng cầm quyền, phe đối lập, đặc biệt người đứng đầu đảng đối lập Úc, ông Tony Abbott, không ngần ngại vào cuộc khi tuyên bố bà Gillard là kẻ nói dối.
Cùng lúc đó, những thành phần trung lập, như dân biểu độc lập Tony Windsor cũng nhận định việc chính phủ định ban hành thuế carbon là một "sai lầm" và chuyện chính phủ dự định sử dụng tiền thuế do dân đóng góp để mở chiến dịch quảng cáo thuyết phục người dân về tính tốt đẹp của thuế sẽ "chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn".
Về phần mình, bà Gillard tuyên bố quyết định đánh thuế là một việc cực chẳng đã và bà hy vọng dân chúng thông cảm vì theo lời bà đây là "chính sách đúng đắn nhất". Bà cho rằng kế hoạch của phe đối lập gây phương hại cho uy tín kinh doanh của Úc - "làm cho thị trường thế giới thấy nước Úc không phải là nơi chốn an toàn để đầu tư" và sẽ khiến nhiều người thất nghiệp.
Những người ủng hộ thuế carbon cho rằng khoản thuế này là một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng Trái đất ấm dần. Thậm chí, có người còn cho rằng đây là phương cách duy nhất giữ Trái đất trong lành.
Thuế được đưa ra với mục đích giúp mọi người, cũng như tất cả các doanh nghiệp bớt sử dụng các nguồn năng lượng thiên nhiên như dầu hỏa, khí đốt, than đá. Khí CO2 thải ra từ các nguồn năng lượng này sẽ làm Trái đất ấm dần và tăng hiệu ứng nhà kiếng. Theo Tổ chức Dự án Carbon Toàn cầu (GCP) mỗi năm thế giới thải vào khí quyển khoảng 10 tỷ tấn CO2.
Dư luận phản đối thuế carbon như sau:
-Trong chuyến thăm nhà máy OneSteel nằm trong khu vực tranh cử, tức 'căn cứ địa', của bà Gillard tại Melbourne vào ngày 9/3 vừa qua, ông Tony Abbott tuyên bố việc đánh thuế carbon cũng sẽ khiến nhiều người thất nghiệp. Trước đó, ông cho hay thuế sẽ làm giá xăng đắt hơn 6.5 xu/lít và đó chỉ là ảnh hưởng ban đầu. Hiện nay, giá xăng tại Úc lên xuống trong khoảng 1.2 tới 1.4 đô/lít.
-Báo chí Úc, trong đó có tờ The Australian tường thuật rộng rãi là việc các công ty lớn sẽ làm áp lực để bà Gillard trì hoãn ngày khởi đầu đánh thuế carbon, theo dự tính sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2012. Ngoài ra, các công ty này cũng đưa yêu sách đòi bà Gillard tăng phần bồi thường cho các khoản thiệt hại mà họ phải gánh chịu.
-Nhìn chung, giới kinh doanh, sản xuất và đầu tư Úc tỏ ra rất lo lắng về loại thuế này. Điển hình là Chủ tịch hãng Toyota tại Úc ông Max Yasuda cho hay thuế sẽ có thể gây nhiều thiệt hại cho các nhà sản xuất xe hơi tại Úc.
Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan công nhận, khi thuế carbon được áp dụng, giá sinh hoạt sẽ gia tăng. Nhưng chính phủ sẽ bồi thường thiệt hại cho hầu hết tất cả mọi người, đặc biệt những người có nguồn thu nhập thấp. Ông cho biết khoảng 97% các gia đình có thu nhập trung bình sẽ nhận được một số trợ giúp và 50% gia đình sẽ được bồi thường mọi khoản tổn thất. Các khoản bồi thường này sẽ được chính phủ trích từ số tiền thu được từ thuế carbon.
Trong những ngày này, nếu đọc các lời bình luận của độc giả các nhật báo hoặc trang web ở Úc về vấn đề thuế carbon, người ta thấy đa số đều lên tiếng công kích bà Gillard và rất ít người ủng hộ bà. Ngoài ra, các cuộc thăm dò dư luận do Newspoll thực hiện cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với đảng Lao động đã xuống tới mức thấp nhất từ trước tới nay, và uy tín của Thủ tướng Julia Gillard cũng đang trên đà tuột dốc.
Về việc Chủ tịch Hạ Viện từ chức
Theo tin của đài truyền hình ABC cho biết, ông Peter Slipper bị cựu nhân viên James Ashby (33 tuổi) kiện lên tòa án Liên bang về tội quấy rối tình dục. Ông còn bị tố cáo xử dụng dịch vụ taxi công cho mục đích cá nhân.
Các đài truyền hình Úc còn trình chiếu những đoạn hình có cảnh ông Slipper đang nằm trên giường, ôm ấp một nam nhân viên rất thân mật. Hồi năm 2003, ông Slipper từng bị cáo buộc quấy rối tình dục một nam nhân viên khác.
Đảng đối lập gây áp lực, yêu cầu ông Slipper phải từ chức. Và ông phát biểu khi vừa bay về Úc ngày 22-4, sau chuyến công tác ở Mỹ rằng: "Tôi tạm từ chức cho đến khi nào các cáo buộc này được sáng tỏ. Và khi các cáo buộc này được chứng minh là hoàn toàn sai sự thật thì tôi sẽ quay về vị trí chủ tịch Hạ viện như cũ".
Khi nhận chức vụ Chủ tịch Hạ viện, ông Slipper được phụ cấp thêm $70,000 Úc kim, nâng tổng số lương lên đến $245,000 Úc kim /1 năm.
Theo giới truyền thông, chuyển biến bất ngờ này không có gì là khó hiểu vì từ lâu, ông Slipper đã gây ra nhiều tai tiếng và đã thay đảng như thay áo. Trước đây ông là "gánh nặng" cho đảng Tự Do và từ tháng 11 năm ngoái thì "gánh nặng" này đã chuyển sang vai bà Julia Gillard và gây nhiều rắc rối cho bà Thủ tướng này./.
Vì thì giờ có hạn, Bạch Mai xin hẹn gặp quý thính giả trong tiết mục "Lá thư Úc châu" lần tới. Thân ái kính chào tạm biệt.
Bửu Sơn

No comments:

Post a Comment