Wednesday, April 11, 2012

Tin Tức thứ Ba ngày 10.04.2012

Công ty nước ngoài rút dần khỏi Việt Nam

Tình trạng các công ty ngoại quốc rút khỏi Việt Nam đang gia tăng vì tệ nạn tham nhũng, mức lạm phát cao, và nhà nước tiếp tục đổ tiền vào công ty quốc doanh thiếu quản lý hoặc đầu tư lãng phí vào bất động sản.

Ông Bruce Lee, tổng giám đốc công ty chế tạo máy Elma Vietnam Industrial của Đài Loan khuyên đồng nghiệp không nên đầu tư vào Việt Nam. Được biết Việt Nam từng được giới đầu tư quốc tế chọn làm nơi thay thế cho Trung Quốc khi phí tổn sản xuất tại Trung Quốc gia tăng. Khoảng đầu tư từ nước ngoài giảm từ 19 tỉ 900 triệu mỹ kim vào năm 2010 xuống 14 tỉ 700 triệu mỹ kim vào năm 2011. Giáo sư kinh tế Jonathan Pincus tại Sài Gòn cho biết nhà nước thường đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu vào năm 2008, nhưng thực tế là do tham nhũng, thổi phồng giá nhà đất, đầu tư sai nghành, và doanh nghiệp nhà nước không biết cách quản l‎ý. Ngoài lạm phát, cúp điện và đình công gia tăng, điều kiện đường xá xuống cấp tại các khu công nghiệp đang gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa. Ông Leo Chiu, thuộc hội đồng Thương Mại Đài Loan với 3 ngàn hội viên cho rằng không có tình trạng rút khỏi Việt Nam ồ ạt nhưng các công ty sẽ dần dần rời khỏi Việt Nam. Trong khi đó, quan chức nhà nước đang tảng lờ đối với các vấn kinh tế tại Việt Nam.

Nhà nước nắm đa số cổ phần công ty hàng không Việt Nam

Trong kế hoạch tái phối trí và bán cổ phần Việt Nam Airlines vào cuối năm 2013, nhà nước sẽ làm chủ từ 70 đến 80% cổ phần công ty. Chủ tịch Việt Nam Airlines Phạm Việt Thanh cho biết công ty dự trù thu được ít nhất 200 triệu mỹ kim nguồn vốn cho đợt bán cổ phần này một khi các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào mua. Từ năm 2015 đến 2017, Việt Nam Airlines sẽ bán thêm cổ phần để kiếm được đủ tiền mua 9 máy bay loại Airbus A350 và 4 máy bay Boeing B787. Được biết trong kỳ tái cấu trúc lần này, Việt Nam Airlines tiếp tục làm chủ toàn phần công ty kỹ thuật và công ty xăng dầu là hai công ty con, nhưng chỉ có trách nhiệm giới hạn. Ngoài ra Việt Nam Airlines cũng tiếp tục nắm đa số cổ phần trong 9 công ty dịch vụ và giữ mức đầu tư trong 11 công ty cung cấp. Số vốn đầu tư của Việt Nam Airlines có thể lên tới 530 tỉ đồng sau khi ngưng kinh doanh trong các lãnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, và bất động sản vào năm 2015. Vietnam Airline đang được cơ cấu lại để gia tăng lợi nhuận trong 8 năm tới và hy vọng trở thành hãng hàng không lớn thứ ba tại Đông Nam Á trước năm 2020. Tưởng cần nhắc lại, Vietnam Airlines nằm trong danh sách công ty quốc doanh được tư hữu hoá từ 2007 đến 2010, nhưng kế hoạch không thành khi xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chánh và thị trường chứng khoán.

Tướng Trung Quốc răn đe Phi Luật Tân về tranh chấp Biển Đông

Thiếu tướng Trung Quốc Luo Yuan đã răn đe chính phủ Manila trên tờ Nhật Báo Nhân Dân rằng Phi đã bỏ lỡ cơ hội giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc khi tỏ thái độ khiêu khích tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây. Tướng Yuan cho rằng Phi Luật Tân đã sai lầm khi không biết sức mạnh và ý chí của Trung Quốc về việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Lời tuyên bố của tướng Yuan thể hiện mức phẫn nộ từ một số giới chức quân nhân và giới cầm quyền đối với tranh chấp Biển Đông cùng các nước như Phi, Việt Nam, Mã Lai, Đài Loan và Brunei. Hiện nay Việt Nam và Phi chống đối mạnh mẽ nhất về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Từ năm ngoái, Trung Quốc đã mở các cuộc đấu thầu khai thác ngoài khơi tại 19 địa điểm trong vùng biển tranh chấp. Lập trường của Trung Quốc là muốn thương thảo với từng nước tranh chấp thay vì bị các nước trong vùng dùng quy tắc ứng xử được cùng nhau soạn thảo và đồng ý trước khi ngồi vào bàn hội nghị với Bắc Kinh.

Đài Loan e ngại công nhân Việt Nam trốn ở lại làm việc bất hợp pháp

Số công nhân Việt Nam trốn ở lại Đài Loan để làm việc bất hợp pháp đang gia tăng vì đây đang là nước mà công nhân Việt Nam ưa thích nhất. Khoảng hơn 15 ngàn công nhân từ Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan. Theo dữ liệu từ nhà nước Việt Nam, hơn 6 ngàn người lao động Việt Nam trốn ở lại mỗi năm kể từ 2003 đến 2009. Hơn 11 ngàn công nhân trốn ở lại Đài Loan trong năm 2010 và 2011. Trung bình mỗi tháng có đến 500 người lao động Việt Nam trốn ở lại làm việc. Được biết, Đài Loan đã trục xuất gần 35 ngàn người lao động Việt Nam trong lúc 48 công ty môi giới cho 2 ngàn công nhân bị nhà nước Việt Nam rút giấy phép hoặc chính phủ Đài Loan bỏ hợp đồng. Tình trạng công nhân phải trốn ở lại kiếm thêm tiền vì họ phải trả quá nhiều tiền cho công ty môi giới chưa kể đến khoảng 6 ngàn mỹ kim tiền ký hợp đồng làm việc 3 năm tại Đài Loan. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết bắt đầu từ tháng này, các công ty môi giới chỉ được lấy khoảng lệ phí do nhà nước quy định. Đối với một hợp đồng làm việc 3 năm, người nộp đơn phải trả 4 ngàn 500 mỹ kim và đóng 1 ngàn mỹ kim tiền cọc để khỏi trốn ở lại. Một số đông công nhân đã lấy người Hoa để được ở lại và tiếp tục giúp người đồng hương trốn ở lại kiếm thêm tiền.

No comments:

Post a Comment