Wednesday, April 11, 2012

LUẬT PHÁP VÀ DÂN CHỦ

Ngày 10.04.2012    
Mỗi quốc gia đều có một hệ thống luật pháp riêng, nhằm mục đích bảo vệ trật tự an ninh và nhất là bảo vệ công lý. Nhưng hệ thống pháp lý, nhất là cách áp dụng luật pháp lại thường tùy thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Nói rõ hơn, luật pháp tại một nước dân chủ pháp trị, thường khác với luật pháp tại các nước quân chủ, lại càng khác với các nước độc tài và cộng sản toàn trị, tiêu biểu như Trung Quốc và Việt Nam hôm nay. Trong ý hướng dân chủ hóa toàn cầu, thiết tường chúng ta cần xác định vài trò của luật pháp đối với dân chủ như một khát vọng của thời đại.

Nhìn vào hệ thống luật pháp tại các nước độc tài và cộng sản, thế giới không khỏi cảm thấy ngạc nhiên đến bất bình. Các quốc gia này cũng có Hiến Pháp, cũng có luật pháp, có khi cả rừng luật, nhưng thực tế, công lý đang bị phỉ báng, dân chủ và nhân quyền đang bị chà đạp một cách trắng trợn. Bản tin mới đây từ Trung Quốc làm thế giới ngạc nhiên không ít. Trong lúc Thủ Tướng Ôn Gia Bảo và Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình lớn tiếng kêu gọi cải tổ chính trị, thì các truờng Đại Học Luật Khoa của Trung Quốc vừa công bố một quy chế ngược đời rằng, tất cả các sinh viên tốt nghiệp trường luật phải tuyê thệ trung thành với Đảng và cam kết phục vụ Đảng một cách tuyệt đối! Thì ra, luập pháp đuợc lập ra để phục vụ Đảng và các luật gia cũng chỉ là công cụ của Đảng, nếu muốn có công ăn việc làm và thăng quan tiến chức! Hậu quả của chủ trương lấy Đảng làm cứu cánh cho luật pháp đã đưa tới bao bất công và bất nhân, tiêu biểu cuộc Cách Mạng Văn Hoá đẫm máu của Mao Trạch Đông, chẳng khác gì chủ trương đốt sách và chôn sống nho gia thời Tần Thủy Hoàng. Đó cũng chính là nguyên nhân đưa tới thảm nạn Thiên An Môn trước đây, cũng như chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công và cuộc xâm lăng Tây Tạng còn rướm máu hôm nay...
Tại Việt Nam, cũng có Hiến Pháp, cũng có một hệ thống luật pháp rõ ràng, nhưng chỉ để làm cảnh, hay thậm chí, chỉ để sử dụng vào mục đích trấn áp người dân, nhằm bảo vệ chế độ hay đặc quyền đặc lợi của nhóm lãnh đạo. Nói cách khác, hệ thống luật pháp của cộng sản Việt Nam hoàn toàn bị chính trị hóa, trở thành công cụ phục vụ quyền lợi của Đảng. Người ta ban hành luật tùy tiện, bỏ tù không cần xét xử, hay có xét xử cũng chỉ xét xử theo chỉ thị của Đảng với những bản án viết sẵn, không cần luật sư biện hộ! Cứ nhìn trường hợp Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, LM Nguyễn Văn Lý hay Bùi Thị Minh Hằng, cũng như các chiến sĩ dân chủ khác, người ta sẽ thấy rõ chủ trương chà đạp công lý và lẽ phải của cộng sản Việt Nam. Cái gọi là Tòa Án Nhân Dân chẳng qua cũng chỉ là một vở kịch để hợp thức hóa quyết định trấn áp của Đảng. Một lời phát biểu, một bài báo, hay một chia sẻ quan điểm không theo "lề phải" đều bị ghép vào tội "chống phá nhà nước", " phá rối trị an" hay "bị kích động bởi các lực lượng thù địch" và phải chịu cảnh mục xuơng trong tù..
So sánh hệ thống luật pháp của cộng sản hôm nay với luật pháp của các vua chúa dưới thời quân chủ, người ta nhận thấy còn thua xa về tiến bộ dân chủ, mặc dầu người cộng sản vẫn tự hào rằng, dân chủ cộng sản qủa là dân chủ hơn Tây Phương gấp cả ngàn lần! Hoàng Minh Chính, lý thuyết gia cộng sản đã từng là Viện Trưởng Viện Triết Học Mác Lê, cũng phải thú nhận: "Người dân dưới chế độ cộng sản đã bị áp bức tệ hại hơn cả thời còn mồ ma thực dân đế quốc!" Thật vậy, tuy chủ trương "tôn quân" tuyệt đối đến nỗi" Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Nhưng trên thực tế, thời quân chủ vẫn có những cửa mở dân chủ, bởi lẽ "ý dân là ý trời". và nhiều khi "phép vua thua lệ làng". Đó là chưa kể tới trường hợp " Dân vi quý, Quân vi khinh, Xã tắc thứ chi".
Buớc qua xã hội dân chủ pháp trị, luật pháp luôn luôn được thượng tôn như quyền lực và giá trị cao nhất, và luật pháp phải hoàn toàn độc lập với chính trị và đó là yếu tố bảo đảm dân chủ.
Trước hết, Hiến Pháp phải được coi là quyền lực cao nhất và có giá trị hầu như tuyệt đối. Bất cứ một chính quyền hay một nhà lãnh đạo nào tỏ ra thiếu tôn trọng Hiến Pháp, chắc chắn bị dân chúng hạ bệ tẩy chay. Cứ nhìn những tranh cãi về Cải Tổ Y Tế, về Hôn Nhân Đồng Tính, Kỳ Thị Chủng Tộc tại Quốc Hội và Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, người ta sẽ nhận ra giá trị tối thượng của Hiến Pháp và tinh thần thượng tôn luật pháp của người Mỹ.
Thứ đến, tại các quốc gia dân chủ, sự phân quyền gọi là "tam quyền phân lập" giữa Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, là yếu tố cốt yếu, bảo đảm tính cách độc lập giữa Chính Phủ, Quốc Hội và Tòa Án. Không thể có tình trạng khôi hài, Tòa Án xử theo lệnh của Chính Phủ hay Quốc Hội lập ra các đạo luật theo chỉ thị của Đảng cầm quyền như thể tại các nước cộng sản độc tài toàn trị hiện nay. Nhiểu người đã phân biệt "nhà nước pháp trị" với "nhà nước pháp quyền". Với nhà nước pháp trị (Rule of Law) luật pháp được tôn vinh thành quyền lực tối cao và lãnh đạo các cấp đều phải tuân thủ luật pháp một cách tuyệt đối. Với nhà nước pháp quyền (Rule by Law) các nhà lãnh đạo thường sử dụng pháp luật như phương tiện cai trị, nên luật pháp có thể biến thành khí cụ trấn áp, hạn chế dân chủ..
Ngoài ra, một hệ thống luật pháp dân chủ cũng cần mang tính đa nguyên, phản ảnh nhiều khuynh hướng, mang tính cách đa văn hóa cũng như bao gồm nhiều màu sắc chủng tộc cũng như tôn giáo. Một hệ thống luật pháp dân chủ không thể chấp nhận quốc giáo hay sự khuynh loát của một thế lực chủ động.
Tóm lại, luật pháp luôn luôn đi đôi với dân chủ. Dân chủ thiếu luật pháp sẽ trở thành dân chủ hỗn loạn và có thể đánh mất dân chủ. Ngược lại, luật pháp thiếu dân chủ sẽ trở thành phương tiện phục vụ chế độ, dễ trở thành khí cụ trấn áp, đưa người dân vào cảnh khốn cùng. Riêng tại Việt Nam, muốn có dân chủ, trước tiên phải hủy bỏ ngay Điều 4 Hiến Pháp, chỗ dựa pháp lý của lãnh đạo độc tôn, của độc tài toàn trị. Và tiếp đó, cần có một Quốc Hội độc lập và một hệ thống luật pháp nghiêm minh tiến bộ, hợp với công pháp quốc tế , hợp với lẽ phải và lương tri con người. Nhiều người tự hỏi, nếu tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam còn đó, thì không biết đến bao giờ dân Việt mới có được một hệ thống luật pháp dân chủ như vậy?
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment