Monday, April 2, 2012

SỐNG CHUNG VỚI KHÓI ĐỘC

Ngày 01.04.2012    
Lời dẫn: Cũng như Trung Quốc, VN đang phải trả một cái giá rất đắt vì sự phát triền kinh tế bằng mọi giá, với tình trạng ô nhiễm môi trường càng ngày càng thêm trầm trọng ở khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả một trường hợp ô nhiễm ngay tại Sài Gòn, đe dọa đến đời sống và sức khỏe của người dân mỗi ngày, qua sự trình bày của chị Dian
Nhiều năm qua, hàng ngàn người dân tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 – Sài Gòn, đã phải sống chung với tình trạng ô nhiễm trầm trọng từ khói bụi và nước thải.
Bất kể giờ phút nào, người ta chỉ cần chạy xe ngang đường Nguyễn Văn Quá, ở phường Đông Hưng Thuận, là có thể cảm nhận được mùi khét đặc quánh trong không khí. Tình trạng này trầm trọng hơn kể từ sau 2 giờ chiều cho đến sáng hôm sau.

Chúng tôi chạy xe vào hẻm 11 của đường Nguyễn Văn Quá, thuộc khu phố 4, nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở giặt nhuộm và sản xuất bao bì. Ở đây có khoảng 20 cơ sở hoạt động rầm rộ ngày đêm. Chỉ cần quan sát trong vòng 15 phút, chúng tôi thấy có không dưới 10 chuyến xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu chạy ra chạy vào.
Vào sâu hơn trong hẻm, đến trước khu vực chùa Má La (còn gọi là chùa Hòa Ngọc), chúng tôi thật sự choáng váng trước hàng chục ống khói cao ngất chĩa lên trời, từ các xưởng sản xuất xập xệ được bao quanh bằng những vách tôn cũ kỹ. Hai bên đường chất đầy củi, hàng trăm bao tải chứa mạt cưa và những chất đốt có màu đen thui, bốc mùi hăng hắc. Những ống khói này thi nhau tuôn ra những luồng khói đen ngòm, trùm phủ cả bầu trời. Khói bay lên không trung, gặp gió lại tỏa xuống, bay là đà trên mặt đất. Lúc này chỉ mới khoảng 4 giờ chiều mà có cảm giác như là trời sắp về đêm.
Anh Nguyễn Ngọc Tịnh, chủ nhân một căn nhà thuộc khu phố 4, chỉ tay xuống nền nhà, bực bội nói: "Mỗi ngày tôi phải quét nhà cả chục lần. Cứ sau vài tiếng là bụi than đen ngòm phủ đầy nền nhà và bàn ghế.". Vừa nói, anh vừa lấy chổi quơ vài nhát, một vốc muội than đen kịt đã hiện ra trước mắt. Thấy chúng tôi có vẻ bị sốc, anh cười nói: "Có gì đâu, người dân nơi đây đã chịu đựng hơn 10 năm nay rồi".
Dạo quanh hàng loạt những con hẻm gần đó, có những hẻm cách xa các cơ sở gần cây số, toàn bộ các gia đình đều lâm vào tình trạng tương tự. Cây cối, hoa lá ở đây đều phủ một màu đen. Bà Nguyễn Thị Cửa đưa tay chỉ dàn chậu mai trước nhà và cho biết vì sợ mai chết, ngày nào bà cũng phải xịt nước rửa lá, thế mà mới từ sáng đến trưa lá mai đã đen thui. Vì thế cây cối hầu như không lớn nổi: "Cây cối còn như thế thì con người làm sao chịu nổi".
Nhiều gia đình cho biết đã từng rao bán nhà nhiều lần vì không thể tiếp tục chịu đựng. Có nhiều người đến xem nhà nhưng sau đó bỏ đi không trở lại. Vì chịu đựng không nổi, nhà nào cũng lắp thêm vài tấm bạt che trước mặt tiền để ngăn bụi. Cửa nhà lúc nào cũng đóng im ỉm. Thế mà bụi vẫn len vào bám đầy nhà, trên nóc tủ bụi đen như trải thảm. Xe dựng trong nhà chỉ cần một ngày không đụng tới là bụi bám đen như bị bỏ xó hàng chục năm. Quần áo giặt xong phải phơi trong nhà. Nhà nào chật chội không có chỗ phơi thì khi phơi phải phủ thêm một tấm vải. Nước uống phải luôn luôn được che đậy kỹ lưỡng, vì chỉ cần một buổi để bên ngoài thì có sạch mấy cũng biến thành nước đen.
Khổ nhất là vào mỗi bữa cơm. Đĩa bún hay chén cơm, nếu bày ra mà ăn không kịp thì biến thành cơm đen là chuyện bình thường. Nếu nấu canh mà không cẩn thận thì khỏi phải... rắc tiêu!
Chị Thi, một chủ nhà ở khu phố 4, vừa ho vừa nói: "Chuyện phải đem cơm canh đi đổ vì sơ ý không đậy nắp kỹ là chuyện thường xảy ra". Vì vậy, người dân sống nơi đây mới có truyền thống là đóng cửa ăn cơm. Bất kể trời mát hay trời nóng cũng phải đóng cửa. Quả đúng như thế. Các phóng viên chúng tôi được người dân rót mời một tách trà. Mải nói chuyện, chỉ mươi phút sau, cả khay trà đã lấm tấm đen như vừa được rắc tiêu.
Mới đây vào chiều 24 tháng Hai, một gia đình tổ chức đám giỗ nhưng vì đám tiệc đông người nên không thể đóng cửa. Vì thế mà khói bụi tràn vào phủ kín bàn ăn. Ăn uống không được, hàng chục gia đình kéo ra đập cửa các cơ sở thải ra khói bụi, dùng cây gậy gài chặn hết các lối ra vào, làm náo loạn và vô cùng mất an ninh trật tự. Phải đến khi công an và quan chức phường kéo đến dàn xếp thì tình hình mới bớt căng thẳng.
Hải Nam

No comments:

Post a Comment