Tuesday, April 3, 2012

NHÀ MÁY RÁC XÂY XONG RỒI BỎ HOANG!

Ngày 02.04.2012    
Lời dẫn: Hàng tỷ Mỹ kim tài trợ hay vay mượn từ thế giới để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhưng rồi bỏ hoang, không xử dụng là những chuyện không thể tưởng tượng được trên đất nước VN. Nguyên nhân chủ yếu chỉ vì khả năng yếu kém hay tham nhũng quá độ của giới quan chức cộng sản. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả một ví dụ nữa về trình độ quản trị đất nước của đảng cộng sản VN, qua sự trình bày của chị Dian
Nhà máy biến chế rác ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, thành phố Huế có nguồn vốn đầu tư lên đến 3 triệu rưởi Mỹ kim, đã xây cất xong hơn 1 năm qua nhưng chưa một lần hoạt động. Đây là công trình do Ngân hàng Phát triển Á châu tài trợ, dưới chương trình cải thiện môi trường đô thị miền Trung và hoàn tất vào đầu năm 2011.

Hiện công trình đã được bàn giao cho công ty cải thiện môi trường đô thị Huế quản lý. Khu biến chế rác rưởi này có diện tích gần 27 mẫu, có khả năng giải quyết khối lượng rác thải của 18 xã và thị trấn của huyện Phú Lộc, tức trung bình mỗi ngày sẽ giải quyết 150 tấn rác, trong đó có 15 tấn rác thuộc loại độc hại.
Theo thiết kế thì nhà máy biến chế rác ở Lộc Thủy đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh với các khu chôn lấp rác đủ loại và có hệ thống điện nước, giao thông, các công trình hỗ trợ và văn phòng điều hành. Bãi chôn rác sẽ gồm nhiều ô, có hồ lọc nước và hệ thống chống thấm được xây dựng theo kỹ thuật hiện đại.
Nhưng đã hơn một năm kể từ lúc hoàn thành, nhà máy này vẫn "án binh bất động". Theo quan sát của chúng tôi thì mặc dù chưa hoạt động nhưng cơ sở hạ tầng của nhà máy đã bắt đầu bị mưa nắng tàn phá. Các cổng sắt bị rỉ sét, một số bờ rào bị đổ sập được chống chọi tạm. Trong sân nhà máy cỏ dại mọc đầy, cả nhà máy vắng hoe, không một bóng người.
Trong khi đó, các bãi rác của huyện Phú Lộc đang gây ô nhiễm từng ngày. Chẳng hạn như xung quanh chợ Cầu Hai ở thị trấn Phú Lộc, rác rưởi chất đống, ruồi nhặng bay đầy và bốc mùi hôi thối, đe dọa đến sức khỏe của người dân. Tại đường vào bãi rác ở xã Lộc Thủy, rác rưởi bị vứt tràn lan. Ngoài ra, bãi rác ở thị trấn Lăng Cô cũng ở trong tình trạng quá tải, xung quanh quốc lộ 1A dầy rẫy các đống rác lớn nhỏ nằm rải rác dù có dựng hàng loạt tấm bảng "cấm đổ rác"...
Ông Cái Minh, chủ tịch thị trấn Phú Lộc, nói: "Mong nhà máy rác Lộc Thủy sớm đi vào hoạt động để giải quyết rác thải, xóa bỏ những bãi rác tự phát từ lâu nay. Bãi rác ở thị trấn hiện chỉ là tạm thời, không bảo đảm yêu cầu".
Trên thực tế, việc xây dựng một khu biến chế rác nhưng không hoạt động vì không có rác là một "quy trình ngược", gây tốn kém lớn lao cho ngân sách nhà nước. Đúng ra là phải tính toán nguồn rác, lượng rác, phạm vi và phương tiện thu gom rác ngay từ lúc xây nhà máy. Thế nhưng nhà nước ta không làm như thế.
Theo ông Lê Chí Dũng, trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Phú Lộc, thì ban điều hành nhà máy biến chế rác đang phối hợp với huyện để lên kế hoạch thu gom và vận chuyển rác thải. Vào tháng 9/2011, nhà cầm quyền huyện Phú Lộc đã phê duyệt kế hoạch này, tức hơn 8 tháng sau khi xây dựng xong nhà máy rác. Và cái kế hoạch được xem là tối ưu có phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm". Nhà nước chịu chi phí vận chuyển rác từ các bãi đến nhà máy ở Lộc Thủy. Người dân chịu chi phí mang rác từ nhà đến các bãi bốc rác với mức là 7 ngàn đồng mỗi tháng cho mỗi nhà ở nông thôn, ở thành thị thì từ 8 đến 11 ngàn đồng.
Mới đây nhất, phòng tài chính của huyện cho biết nhà cầm quyền tỉnh đã đồng ý chi trả chi phí vận chuyển từ các bãi rác về nhà máy Lộc Thủy với khoảng 1 tỷ đồng. Phần còn lại, tức phần của dân chúng, thì huyện phải họp bàn với dân nhưng đến nay vẫn gặp không ít khó khăn.
Giải thích lý do, ông Dũng cho biết: "Bởi thói quen bỏ rác của người dân nông thôn khác hẳn với thành thị. Ở nông thôn, chỉ những nhà ở vùng đông dân cư, gần chợ, gần đường mới chấp nhận nộp tiền để có người đi gom rác. Trong khi ở các xóm thôn, người dân tự giải quyết rác rưởi nên việc thu tiền từ họ là không dễ dàng. Chúng tôi sẽ họp lấy ý kiến với các xã và thị trấn vào tháng 3 này"
Và trong lúc chờ cách giải quyết để có tiền chở rác đến nhà máy, người dân huyện Phú Lộc vẫn tiếp tục sống trong cảnh rác rưởi bị vứt tứ tung, trong khi nhà máy nằm phơi mưa phơi nắng.
Nhưng đến khi có rác chở đến, cũng chưa chắc nhà máy đã hoạt động được vì ai sẽ trả chi phí điều hành mỗi ngày cho nhân viên của nhà máy? Câu trả lời chắc phải chờ thêm vài năm nữa mới có được!
Hải Nam

No comments:

Post a Comment