Monday, April 2, 2012

LÁ THƯ ÚC CHÂU

Ngày 01.04.2012    
Đằng Phong Hầu
Tối thứ Bẩy vừa qua, khi phòng phiếu ở Queensland đóng cửa chưa được một tiếng đồng hồ, thủ hiến Queensland – nay phải gọi là "cựu" – Anna Bligh đã lên truyền hình nhìn nhận sự thảm bại của đảng Lao Động.
Trước ngày tuyển cử, trên khắp nước Úc, tuy biết rằng đảng Lao Động cầm quyền ở tiểu bang nắng ấm sẽ thảm bại, nhưng hầu hết các bình "loạn" gia, kể cả người viết bài này, đều phải mở tự điển xem có từ ngữ nào diễn tả được cái chiến thắng "long trời lở đất" của đảng Tự do – Quốc gia hay không?

Nhưng ai cũng chịu không tìm ra chữ gì để diễn tả cho thỏa đáng tình trạng "bi đát" của một đảng chính trị đang cầm quyền. Vào buổi sáng bầu cử, đảng Lao Động có được 51 ghế trong một nghị viện gồm 89 ghế. Thế nhưng đến 7 giờ tối, chỉ chiếm được 7 hay 8 ghế, tức không còn đủ túc số để trở thành phe đối lập trong quốc hội.
Dĩ nhiên là ai cũng hỉ hả là mình đoán khá trúng kết quả bầu cử, nhưng không ngờ kết quả nó lại quá thảm thương như thế. Thế nhưng một số người tự thú là mình đã mơ ngủ, giá được xóa đi để làm lại thì dễ ăn nói hơn. Với khoảng 70% số phiếu được kiểm xong, đảng Lao Động hy vọng lớn nhất là chiếm được khoảng 8 ghế, chưa đủ để lập một đội bóng. Và như thế khó có thể được xem là một chính đảng đối lập, có đầy đủ quyền lợi như văn phòng làm việc, thuê tuyển nhân viên, được cấp công xa và thành lập giàn bộ trưởng đối lập.... vân vân.
Nói một cách tóm tắt là đảng Lao Động mất cả chì lẫn chài. Tệ hơn thế nữa, người mà họ cố tình đánh gục để đảng Quốc Gia/Tự Do tuy thắng cử nhưng sẽ như "rắn mất đầu", lại thắng khá vẻ vang ở chiếc ghế Ashgrove, một đơn vị được xem là rất an toàn của đảng Lao Động. Ông Campbell Newman, thủ lãnh đảng "Quốc Gia Tự Do" còn mở kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nước Úc. Suốt mấy tháng qua, ông không phải là một dân biểu trong quốc hội nhưng lại là thủ lãnh phe đối lập. Và để trở thành thủ hiến sau khi thắng cử thì ông phải chiếm cho được chiếc ghế dân biểu Ashgrove. Kết quả là ông đã thắng lớn, và thắng ngay vòng kiểm phiếu đầu tiên, chứ không như bà đương kim thủ hiến Anna Bligh chỉ giữ được chiếc ghế dân biểu sau khi kiểm phiếu vòng nhì.
Bà Bligh tuy sống sót nhưng hàng tá bộ trưởng trong nội các của bà, kể cả người phó thủ lãnh đảng kiêm bộ trưởng kinh tế, bị hất văng khỏi ghế trước cơn sóng thần phẫn nộ của giới cử tri Queensland. Nguyên nhân thảm bại của chính phủ Lao Động là vì họ nắm quyền quá lâu ở tiểu bang này, nhưng điều hành quá bết bát và nuốt lời hứa. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là trong cuộc tranh cử, thay vì đưa ra các chính sách thì họ lại tập trung vào việc bôi nhọ cá nhân và gia đình của ông Campbell Newman.
Trước cuộc tuyển cử, trên chính trường Úc, ông Newman không có kí lô nào hết. Nhưng bây giờ, với chiến thắng huy hoàng này, tên tuổi của ông trở nên sáng chói, vượt ra khỏi phạm vi tiểu bang và chiếc ghế thị trưởng Brisbane, thủ phủ của tiểu bang này.
Điều đáng nói hơn nữa là số phận đảng Lao Động có trở thành một chính đảng đối lập hay không hiện nằm trong tay ông Newman, vì chỉ có thủ hiến mới có quyền nhìn nhận tư cách đối lập của một đảng phái không có tới 10 ghế dân biểu trong nghị viện. Nếu ông khăng khăng áp dụng quy ước cũ, thì nghị viện tiểu bang Queensland sẽ là nghị viện duy nhất trong các nước theo chế độ dân chủ đại nghị không có phe đối lập mà chỉ độc đảng cầm quyền. Các dân biểu Lao Động sẽ là những tiếng nói lẻ loi, tương tự như 4 hay 5 dân biểu độc lập khác. Nhưng việc cấp bách nhất của đảng Lao Động Queensland lúc này là phải tìm một thủ lãnh mới, khi bà cựu thủ hiến Bligh lại nuốt lời hứa là sẽ tiếp tục nắm ghế dân biểu sau cuộc tuyển cử. Điều này có nghĩa là cử tri đơn vị của bà phải đi bầu lại.
Hành động cấp bách thứ nhì của họ là làm sao giải quyết vấn nạn hiện nay. Nhiều đảng viên cao cấp đang trút tội cho bà Anna Bligh về việc toàn quân tan vỡ. Họ kết án là bà Bligh không có chiến lược hữu hiệu để đương đầu với đối thủ. Thay vào đó, trước nguy cơ thất trận, bà hoảng hốt vu cáo ông Newman về đủ mọi tội trạng, từ "lem nhem tài chánh" đến "tham nhũng". Nhưng các vu cáo này đều bị một cơ quan độc lập "lật tẩy". Chính các lời tố cáo "bá vơ" này đã khiến cho cử tri tức giận, nhưng thật sự thì đó chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất cử thê thảm vào cuối tuần qua.
Thật sự thì có hai nguyên nhân chính yếu. Thứ nhất là "thời thế" vì đảng Lao Động đã nắm quyền cai trị 20 năm qua. Vì cầm quyền quá lâu nên họ quá tự mãn, hết còn sáng kiến và lười biếng. Về phía cử tri thì họ quá chán chường trước những nhân vật "nói nhiều hơn làm" và "hứa một đằng làm một nẻo".
Cách đây hơn một năm, khi ông Newman loan báo quyết định sẽ tranh chức thủ hiến từ bên ngoài nghị viện, ông Peter Beattie, cựu thủ hiến Lao Động Queensland, phán một câu: "Đây có thể là hành động thông minh nhất hay ngu xuẩn nhất" mà đảng Tự Do Quốc Gia. Xin nói thêm, ông Beattie là người đã để lại "đống rác" chính trị hiện nay cho bà Anna Bligh "dọn dẹp". Nhưng bây giờ thì ai cũng thấy ván bài của đảng Tự do – Quốc gia là quá "thông minh", và người dân Queensland không đến nổi "ngu xuẩn" như đảng Lao Động suy nghĩ.
Nguyên nhân thứ nhì là vấn đề đạo đức chính trị. Từ bao lâu nay, ai cũng cho rằng làm chính trị thì phải lươn lẹo, và lựa thời mà ăn nói và hành động. Điều này đã khiến cử tri mất dần tin tưởng vào giới chính trị gia vì trước khi thắng cử thì hứa hẹn đủ thứ, nhưng khi ngồi vào ghế rồi thì xoay 180 độ, với những lời bào chữa kỳ dị như "trước kia, tôi không biết tình hình nó... tệ đến thế". Việc nuốt lời hứa một lần thì được, nhưng không thể tái diễn từ năm này sang tháng khác.
Điển hình như vào năm 2009, bà thủ hiến Anna Bligh biết rõ tình hình tài chính của Queesnland không "khả quan" cho lắm, nhưng trong cuộc tranh cử năm đó, bà đã né tránh không đề cập đến, đợi thắng cử rồi mới nói. Sau đó bà mang tài sản của tiểu bang ra bán để bù đắp vào số nợ 35 tỷ Úc kim.
Sự đánh mất niềm tin ở cử tri sẽ có những hậu quả khôn lường. Trên bình diện liên bang chuyện này cũng đang xẩy ra và chính phủ đương quyền của Julia Gillard có nguy cơ lâm vào số phận tương tự. Bà Gillard tuyên bố bà đang làm những chuyện có lợi cho quốc gia nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy là đảng Lao Động của bà sẽ từ chết đến trọng thương trong cuộc tuyển cử toàn quốc vào năm tới. Nguyên nhân chính yếu cũng chỉ vì bà nuốt lời hứa tranh cử là sẽ không đưa ra sắc thuế "thán khí" trong nhiệm kỳ của bà.
Sắc thuế này đã được thông qua chỉ sau một năm bà Gilard lên cầm quyền, và sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 7 tới đây. Nó sẽ khiến cho vật giá leo thang, gây điêu đứng cho đời sống người dân trong những ngày tháng tới.
Chính vì thế, dân chúng Úc đang kêu gào phải tổ chức tuyển cử ngay lập tức để mời đảng Lao Động đi chỗ khác chơi!

No comments:

Post a Comment