Thứ Sáu, 01.01.2016
Năm 2015 vừa qua đi, nhưng những biến động và bất ổn vẫn còn tiếp diễn, đe dọa hòa bình trên thế giới, trong ấy có Việt Nam. Vậy người dân Việt có đang được hưởng hòa bình hay không? Kính mời quí thính giả theo dõi Quan Điểm của LLCQ về nhu cầu một nền hòa bình đích thực tại Việt Nam, qua lời trình bày của Hải Nguyên để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay
Thưa quí thính giả,
Hòa bình là khát vọng chung của nhân loại, ngày đầu năm mới, ai cũng
mơ ước và chúc nhau được sống bình yên, được thấy hòa bình, nhưng nhìn
quanh, đâu đâu cũng đầy dẫy đe dọa, khủng bố, hận thù và chiến tranh.
Vậy muốn có hòa bình thì chúng ta phải làm gì?
Trong thế kỷ 20, nhân loại đã trải qua hai cuộc thế chiến, 1914-1918,
và 1939-1945. Tuy thế chiến đã chấm dứt, nhưng xung đột cục bộ vẫn xảy
ra khắp nơi. Để ngăn ngừa chiến tranh, năm 1981, Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc đã thông qua một nghị quyết do Vương Quốc Anh và Costa Rica bảo
trợ, chọn ngày Thứ Ba của tuần lễ thứ ba tháng 9 là ngày Hòa Bình Thế
Giới. Đến năm 2001, dưới thời Tổng Thư Ký Kofi Annan, Liên Hiệp Quốc đã
lấy ngày 21 tháng 9 làm ngày Hoa Bình Thế Giới. Để đánh dấu ngày này,
hàng năm LHQ tổ chức những sinh hoạt để nhắc nhớ và cổ võ cho hòa bình.
Tháng 10 năm 1962, Hoa Kỳ xác định được các dàn hỏa tiễn mang đầu đạn
hạt nhân của Nga đã bố trí trên đảo quốc Cuba, những hỏa tiễn này có
khả năng tấn công vào lãnh thổ HK. Tổng Tthống John F. Kennedy đòi lãnh
đạo Liên Xô là Nikita Khruschchev phải rút ngay các dàn hỏa tiễn ấy, Nga
không nhượng bô. Hoa Kỳ phong tỏa Cuba. Thế là cả hai bên cùng lên kế
hoạch sẵn sàng khai hỏa; nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể
xảy ra bất cứ lúc nào, mà hệ lụy sẽ khủng khiếp không ai lường được.
Trước sự căng thẳng ấy, cả thế giới lên cơn sốt. TT Kennedy, một tín đồ
Công Giáo liên lạc với đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, ngài Lo âu trước thảm
họa sắp xảy ra cho nhân loại, Vatican nhập cuộc. Một điện văn hỏa tốc
được gửi đến lãnh đạo của hai quốc gia. Đồng thời chính ngài đã đọc lời
kêu gọi trên đài phát thanh Vatican, trong ấy có một câu, xin trích
nguyên văn: "We beg all governments not to remain deaf to this cry of
humanity.", xin tạm dịch "Chúng tôi van xin các chính phủ đừng làm ngơ
trước tiếng khóc than của nhân loại". Rồi nhiều tờ báo trên thế giới, kể
cả tờ Pravda đã đăng lại lời kêu gọi ấy. Vai trò con thoi của Vatican
đã tháo gỡ được ngòi nổ trong vụ khủng hoảng hạt nhân 1962. Đó cũng là
lý do dẫn đến sự ra đời của thông điệp lừng danh của đức Giáo Hoàng
Gioan XXIII: 'Pacem In Terris –Hoa Bình Trên Thế Giới'. Để biểu lộ quyết
tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967 Đức GH
Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng "Công lý và Hòa bình" để thúc
đẩy các nỗ lực hòa bình trên thế giới. Sang năm 1968, Tòa Thánh đã chọn
ngày 1 tháng Giêng dương lịch hàng năm làm ngày "Hoà Bình Thế giới". Từ
đó đến nay chẳng những Giáo Hội Công Giáo, và nhiều quốc gia đã hưởng
ứng ngày này để làm những việc nhằm đem lại hòa bình cho con người.
Nhắc lại những sự kiện trên, chúng tôi muốn mời quí thính giả nhìn
lại bối cảnh Việt Nam, từ việc cách đây 42 năm, ngày 27 tháng Giêng năm
1973, một Hiệp Định giữa các bên lâm chiến đã được ký tại Paris, Pháp
Quốc có tên là: Hiệp Định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt
Nam. Tuy tên gọi như thế, và những điều khoản được qui định trên giấy
trắng mực đen, nhưng Hiệp Định đã không được phía Hà Nội tôn trọng. Kết
quả là ngày 30 tháng Tư 1975, nhờ sự trợ giúp vũ khi của Nga, Tàu, CSVN
đã đánh chiếm Miền Nam Việt Nam. Chiến thắng ấy đã đem lại thống nhất
đất nước, tính đến nay đã trên 40 năm. Vậy hôm nay chúng ta có lý do để
thẩm định xem người Việt Nam đã được hưởng hòa bình thật sự hay chưa.
Nếu nói rằng hòa bình là không còn tiếng bom đạn, tiếng máy bay gầm
thét, không thấy xe tăng, đại pháo râm ran ngày đêm, không thấy lửa
cháy, máu chảy thị rơi trên quê hương.... thì đúng, ngoại trừ cuộc xâm
lăng điên cuồng của Bắc Kinh tàn phá 6 tỉnh phía bắc, và giết hại hàng
vạn quân dân ta vào đầu năm 1979, nay vẫn còn hằn sâu dấu ấn.
Hòa bình đã đến rất lâu trên cả nước, mà sao con phải xa cha, chồng
phải lìa vợ để bước chân vào tù mà không biết mình mang tội gì. Rồi
người nối người tìm đường trốn khỏi quê hương, cho dù phải chết trên
rừng sâu, hay chìm trong lòng biển cả? Không khí hận thù ngột ngạt bao
trùm cuộc sống. Người nhìn người bằng ánh mắt e dè cảnh giác. Họ hàng
bạn hữu trở nên xa lạ, lạnh lùng, nghi kỵ nhau, không ai còn dám chia sẻ
tâm tư của mình với người bên cạnh. Cuộc sống cá nhân trở nên ốc đảo,
co cụm, héo úa, không còn tâm trí đóng góp tài năng sáng kiến cho đời.
Xã hội trở nên khô cằn, con người bộc lộ ích kỷ, độc ác, vô cảm đối với
đồng loại. Người dân bị dán nhãn nguy quân, ngụy quyền, phản động, bị
bao vậy canh chừng, rình rập. Người có tôn giáo bị phân biệt đối xử, con
cái bị loại khỏi học đường, bị ngăn cản tham gia đảng đoàn, ngành nghề
trong chính phủ. Ngoài khơi thì ngư dân mất biển, trên đồng thì nông dân
mất ruộng, mất nhà. Người sống đã như thế, người chết cũng chẳng được
yên, mồ mả bị đào xới, di dời, san lấp để xây lăng, xây khu nghỉ dưỡng.
Người dân và nhà nước trở nên hai thực thể chia lìa xa cách, mọi việc
đều do đảng quyết định, cả dân tộc trở thành kẻ nô lệ cho một tập đoàn
thiểu số. Đây là thực trạng của Việt Nam hôm nay, một đất nước không còn
chiến tranh, nhưng chưa có hòa bình.
Vậy muốn có hòa bình thì phải kiến tạo và giữ gìn nó. Người có trach
nhiệm phải chủ động là "bên thắng cuộc", rồi tất cả cùng xây dựng và giữ
gìn, thì hòa bình mới bền vững. Ngày đầu năm chúng ta hãy tỏ thiện chí
qua lời nói và hành động cụ thể. Để cổ võ cho hòa bình, chắc chắn hòa
bình sẽ "đến trong tầm tay". Hy vọng niềm mong ước ấy sớm trở thành hiện
thực.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc.
No comments:
Post a Comment