Thứ Ba, 26.01.2016
Thưa quý thính gỉa,Tiến trình dân chủ hóa là một tiến trình có tính toàn cầu và bất khả vãn hồi. Tại Đông Nam Á châu, Miến Điện chỉ là khởi đầu. Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn sẽ tiến lên trên con đường dân chủ hóa. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Có thể theo gương Myammar."sẽ được Thanh Bình trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Trong ba năm qua, mọi người hồi hộp chờ đợi xem dân tộc Myanmar (Miến
Ðiện) có thực hiện được tiến trình dân chủ hóa hay không; nhiều người
vẫn nghi ngờ, lo ngại. Cuộc bỏ phiếu ngày 8 tháng 11, 2015 khiến cả thế
giới nức lòng: Bỏ phiếu thực sự tự do và trong sạch. Liên Minh Dân Tộc
Dân Chủ (NLD) thắng lớn mà phe quân phiệt chấp nhận thua, sau khi đã
thống trị nước Myanmar hơn nửa thế kỷ.
Giới quân phiệt Myanmar và Ðảng Ðoàn Kết Phát Triển (USDP) chứng tỏ
họ thực sự yêu nước và đủ thông minh, hiểu biết. Không những chịu rút
lui, họ còn giúp đảng đối lập sắp nắm quyền được dễ dàng hơn. Hai đảng
USDP và NLD đang cử ra mỗi bên một tiểu ban phụ trách về chuyển giao
quyền hành. Tiểu ban của đảng USDP sẽ ra lệnh các viên chức trong chính
phủ phải gặp các thành viên trong tiểu ban của NLD để giải thích họ
"đang làm những việc gì và làm thế nào" cho những người suốt đời phải
đóng vai đối lập.
Những nhà trí thức ký bức thư ngày 9 tháng 12 gửi cho Bộ Chính Trị
Ðảng Cộng Sản Việt Nam có thể đã chịu ảnh hưởng của cuộc bầu cử dân chủ
hóa xứ Myanmar tháng trước. Họ nhắc tới tấm gương Myanmar trong phần
chót, viết, "bài học chuyển đổi thể chế độc tài sang dân chủ một cách
hòa bình ở nhiều nước, đặc biệt là ở Myanmar mới đây,..."
Các đảng viên trên đã "đương nhiên" từ bỏ đảng khi ký tên, vì trong
thư họ công khai bác bỏ và chống lại đảng trên cả lý thuyết lẫn hành
động. Trên mặt lý thuyết, các tác giả bức thư vạch rõ: "Sự phát triển
của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Ðảng Cộng Sản Việt Nam từ nhiều
năm nay dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo
mô hình Xô-Viết dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin."
Người có lương tâm và biết tự trọng khi biết đảng của mình đã làm hại
đất nước đến như vậy thì phải rút ra khỏi đảng. Ít nhất, để bảo vệ danh
dự, phẩm tiết của mình. Các vị đang là đảng viên ký bức thư trên chưa
tuyên bố rút ra khỏi đảng chắc vì họ hy vọng có thể khuyên đảng công
nhận các sai lầm mà thay đổi.
Những người cầm đầu đảng Cộng Sản ở nước ta được đào tạo theo lối
hoàn toàn khác. Cho nên họ không thể nào chấp nhận theo lời khuyên của
những nhà trí thức bên ngoài đảng mà thay đổi.
Bức thư đề nghị những hành động cụ thể như "đổi tên đảng (không gọi
là Ðảng Cộng Sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa); trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ;
chấm dứt sự trấn áp... sửa đổi Hiến Pháp; xây dựng những đạo luật bảo
đảm thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân..." Bức thư cũng đòi tách
rời ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp ra khỏi quyền kiểm soát của
đảng Cộng Sản và "Quốc Hội được bầu cử thật sự dân chủ, có thực
quyền..."
Làm cách nào đạt được những mơ ước trên? Bức thư chính thức yêu cầu
"Các đại biểu đại hội (thứ 12 của đảng, sang năm),... bãi bỏ những quy
định của Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XI" trong việc bổ nhiệm hàng lãnh
đạo mới. Lại yêu cầu "đại hội được bầu trực tiếp tổng bí thư," (với
nhiều người tự ứng cử).
Chúng ta có thể đoán trước phe bảo thủ trong đảng Cộng Sản sẽ phản
ứng, sẽ đoàn kết với nhau cùng cứng rắn hơn. Họ sẽ hỏi: Những người
ngoài này có quyền gì mà "xía vô" công việc nội bộ của đảng họ? Các đảng
viên ký tên trong bức thư thì phải theo các thủ tục trong đảng, theo
đúng hệ thống cấp bậc; tại sao lại viết thư trực tiếp cho cả nước được
đọc?
Gửi thư xin đảng Cộng Sản thay đổi toàn diện là một hành động quá lạc
quan. Ðã hàng trăm lần nhiều người từng làm như thế rồi, trong đó có
những người đang trong Bộ Chính Trị; tất cả đã thất bại. Vì vậy bức thư
tâm huyết do 127 người ký tên sẽ không thể giúp đảng Cộng Sản thay đổi.
Trước thực tế đó, quý vị đảng viên ký tên phải tính trước những bước sẽ làm sau kỳ đại hội 12 sắp tới.
Vì danh dự, họ phải công bố rút ra khỏi đảng Cộng Sản, từ bỏ các chức
tước, địa vị và quyền lợi mà đảng Cộng Sản đã cho. Hàng trăm đảng viên
Cộng Sản có tiếng công khai trả thẻ đảng, lôi kéo hàng chục ngàn đảng
viên khác làm theo. Họ có thể mời những nhà tranh đấu dân chủ, những
người còn ở trong tù hoặc đã ra khỏi nhà tù, cùng hợp tác trong một liên
minh chính trị. Liên minh này không nhất thiết phải là một tổ chức chặt
chẽ. Những người đồng ý chỉ cần ký tên cùng chấp nhận một số mục tiêu
chung: Ðòi thay đổi thể chế chính trị, xây dựng dân chủ với các quy tắc
tôn trọng quyền làm người và các quyền công dân, những điều mà ai cũng
đồng ý.
Sau đó, những người đã ký tên trong bức thư trên cùng các nhà tranh
đấu dân chủ đồng loạt ghi danh ra ứng cử trong cuộc bầu quốc hội sắp
tới. Họ cùng nêu ra những mục tiêu kể trên trong chương trình tranh cử.
Họ có thể thỏa hiệp chọn một khẩu hiệu chung, một huy hiệu chung, mặc dù
vẫn không được coi là cùng một đảng chính trị, vì đảng Cộng Sản ngăn
cấm. Chúng ta sẽ thấy một thực thể chính trị mới ra đời; lần đầu tiên
dưới chế độ Cộng Sản.
Tất nhiên, đảng Cộng Sản sẽ không chấp nhận cho người ngoài tự ứng cử
Quốc Hội. Nhưng toàn dân Việt Nam sẽ chứng kiến một hiện tượng: Hàng
trăm, hàng ngàn người yêu nước và có ý kiến xây dựng đất nước đã bị nhà
cầm quyền cấm đoán và đàn áp.
Sau đó toàn thể dân Việt sẽ biết có những người đang sẵn sàng nhận
trách nhiệm lãnh đạo quốc gia thay thế đảng Cộng Sản. Cuộc tranh đấu lúc
đó thực sự bắt đầu, trong một thực tế chính trị mới. Có như vậy, mới hy
vọng học tấm gương tiến trình dân chủ hóa lối Myanmar.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment