Monday, January 25, 2016

GIẤY XÁC NHẬN

Thứ Hai, 25.01.2016
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn thị Minh Thúy đã bị bắt từ gần 2 năm qua, dự định đem ra xét xử nào ngày 19 tháng Giêng năm 2016. Nhưng rồi có lệnh hoãn lại. Để thấy sự bất minh của ngành tư pháp VN. Chúng tôi xin trích một số đoạn trong "Giấy Minh Xác" của Nhà Văn Phạm Đình Trọng gửi tới Tòa án Hà Nội, Ngày 13-1-2016 như sau:
SÀI GÒN – VIỆT NAM
Ngày 13 tháng 1 năm 2016
Kính gửi: Ông NGUYỄN VĂN PHỔ, Thẩm phán Tòa án Nhân Dân thành phố Hà Nội,
Tôi là Phạm Đình Trọng, sinh năm 1944, nhà văn quân đội, hiện thường trú tại nhà căn hộ Hoàng Anh Goldhouse, Phước Kiển, Nhà Bè, Sài Gòn, xin xác nhận một chứng cứ trong cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy như sau.
Trong 24 bài viết nêu trong cáo trạng dùng làm chứng cứ truy tố ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy tội "Lợi dụng các quyền tư do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thì bài thứ ba CHUYỆN KỂ NĂM 2000, CUỐN TIỂU THUYẾT VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG CÁI ÁC CỘNG SẢN là bài viết của tôi. Tôi viết giấy xác nhận này để khẳng định tôi là người viết và sự vô can của ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy đối với bài viết này. Nhân đây, tôi cũng xin thưa ngắn gọn về sự cần thiết và vai trò tich cực của bài viết
1. BIỂU DƯƠNG, KHÍCH LỆ CÁI THIỆN ĐÃ QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT THÌ CHỈ RA CÁI ÁC ĐỂ NHẬN MẶT, NGĂN CHẶN, LOẠI BỎ CÁI ÁC KHỎI XÃ HỘI CÒN QUAN TRỌNG, CẦN THIẾT VÀ CẤP BÁCH HƠN NHIỀU. ĐÓ LÀ HAI MẶT KHÔNG THỂ TÁCH RỜI CỦA MỘT CHỦ THỂ XÃ HỘI.
Một xã hội dù tốt đẹp, ưu việt đến đâu vẫn có cái ác thường trực ẩn náu, rình rập huống hồ xã hội cộng sản lấy học thuyết đấu tranh giai cấp sai lầm tệ hại làm lẽ sống, coi đấu tranh giai cấp tội ác là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Kích động con người phải hận thù con người mới là người có lí tưởng cách mạng, có giác ngộ giai cấp, có lập trường vô sản! Kích động đấu tranh giai cấp, nuôi dưỡng hận thù con người với con người chính là kích động cái ác, nuôi dưỡng cái ác trong xã hội. Trong xã hội đó, bạo lực là ngôn ngữ đối thoại. Nhà nước dùng sức mạnh bạo lực khổng lồ của nhà nước, dùng dùi cui, tòa án, nhà tù lạnh lùng, khốc liệt đối thoại với người dân bất đồng chính kiến. Người dân dùng bạo lực lấy mạng sống của nhau để giải quyết những tranh chấp dân sự nhỏ nhặt thường ngày. Con người ứng xử với nhau bằng cái ác.
Cho đến lúc từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2009, tôi đã có 40 năm là đảng viên Cộng sản. Là người lính, là nhà văn sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, là đảng viên cộng sản, tôi đã trải qua liên tiếp những đợt học chính trị bất tận, những khóa chỉnh huấn định kì thường xuyên cho sĩ quan như "Ôn nghèo kể khổ", "Đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại", "Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc quyết đánh thắng giặc Mĩ xâm lược" . . . Những đợt chỉnh huấn, học chính trị dồn dập liên miên đó đều đề cao bạo lực, kích động bạo lực, tuyệt đối hóa bạo lực, coi bạo lực như cứu cánh.
Cái ác không được chỉ mặt, không bị lên án, ngăn chặn, cái ác còn được lí tưởng hóa và cái ác cứ ngạo nghễ, đắc thắng ngự trị trên đất nước Việt Nam thương yêu. Một thanh niên khỏe mạnh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm bị đưa về đồn công an thì chỉ ba giờ sau thanh niên khỏe mạnh đó đã là một xác chết với những vết đòn thâm tím, phù nề khắp người. Người dân xô xát với hàng xóm bị bắt về đồn công an buổi chiều thì đến đêm đã thành xác chết với những vết đòn bầm dập trên thân thể! Đất nước Việt Nam thời yên hàn mà chết chóc bởi bạo lực diễn ra hàng ngày, diễn ra khắp nơi như đất nước đang có chiến tranh. Đất nước Việt Nam hiền hòa đang thực sự có cuộc chiến của cái ác, cuộc chiến thủ tiêu những giá trị đạo đức cơ bản, cuộc chiến giết chết những giá trị nhân văn, hủy hoại lí tưởng thẩm mĩ.
Đọc tiểu thuyết tự truyện Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nạn nhân của cái ác, tôi càng nhận ra cái ác đã bao trùm sâu rộng như thế nào và càng nhận rõ nguyên nhân lộng hành của cái ác. Lí tưởng cộng sản xóa bỏ bóc lột, áp bức, bất công, xây dựng thiên đường cộng sản: "Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu" thật tốt đẹp, thật nhân đạo. Đó là cái Thiện. Nhưng là cái Thiện không tưởng, không có thật. Để đi đến cái Thiện không có thật phải sử dụng bạo lực chuyên chính vô sản, phải nuôi hận thù giai cấp tàn bạo không còn tính người. Đó là cái Ác. Cái Thiện chỉ là ảo tưởng, không có thật nhưng cái Ác thì có mặt khắp nơi, hiển hiện hàng ngày. Hơn một trăm triệu người dân lương thiện trên thế giới đã bị giết chết thê thảm bởi bạo lực đấu tranh giai cấp như cái chết thê thảm của người đàn bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên, năm 1953. Hàng trăm triệu người khác đã bị đày đọa trong ngục tù bởi đấu tranh giai cấp như nhà văn Bùi Ngọc Tấn ở Hải Phòng.
Chức phận của nhà văn là đánh thức cái Thiện, nuôi dưỡng cái Thiện và cảnh báo cái Ác của xã hội như chim báo bão cảnh báo giông bão của thời tiết.
Là nhà văn còn chút tấc lòng với cuộc đời, là công dân còn chút ý thức trách nhiệm với nước non, tôi phải lên tiếng chỉ ra cái ác, báo động về cái ác.
Và điều 25 Hiến pháp năm 2013 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí" cho tôi quyền được lên tiếng cảnh báo cái ác.
2. ÔNG NGUYỄN HỮU VINH VÀ BÀ NGUYỄN THỊ MINH THÚY KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN BÀI VIẾT CỦA TÔI VỀ CUỐN TIỂU THUYẾT CHUYỆN KỂ NĂM 2000
Bài viết "Chuyện Kể Năm 2000, Cuốn Tiểu Thuyết Về Thân Phận Con Người Trong Cái Ác Cộng Sản" tôi gửi cho trang web Dân Quyền theo địa chỉ email diendanxahoidansu@gmail.com vì thế ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy không hề liên quan đến bài viết của tôi về cuốn tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, một tài năng lớn và vô cùng quí hiếm mà khốn khổ và bị vùi dập trong sự lộng hành của cái ác. Tôi sẵn sàng ra làm chứng trước tòa xác nhận ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy không liên quan đến bài viết của tôi.
Nhà văn lớn Bùi Ngọc Tấn, công dân lương thiện Bùi Ngọc Tấn đã bị giam cầm ngục tù oan khiên 5 năm trời. Tôi viết GIẤY XÁC NHẬN này với mong mỏi oan khiên đó không tái diễn với những công dân lương thiện, trung thực Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy.
NGƯỜI VIẾT XÁC NHẬN - PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Nhà văn

No comments:

Post a Comment