Saturday, January 30, 2016

Nhà cách mạng Ký Con

Thứ Bảy, 30.01.2016
Kính thưa quý thính giả, Một người có tấm lòng yêu nước, tham gia tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng, chống Pháp đến cùng và hiên ngang nở nụ cười trước khi lên "đoạn đầu đài" tại cổng nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Ông là một trong những người đã làm thức tỉnh cả một thế hệ. Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Nhà cách mạng Ký Con" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
Ký Con là biệt danh của Đoàn Trần Nghiệp, sinh năm 1908 tại phố Hàng Sơn, Hà Nội. Quê quán ông ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Năm 1926, Đoàn Trần Nghiệp làm thư ký cho hãng Godard ở Hà Nội.
Năm 1928, Đoàn Trần Nghiệp gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng và được giao việc trông coi sổ sách cho khách sạn Việt Nam, một cơ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại số 38 Hàng Bông, Hà Nội.
Do nhỏ con, trắng trẻo như thư sinh và nhỏ tuổi nhất nên các đảng viên trong Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi ông là Ký Con.
Ngày 9/2/1929, Nguyễn Văn Viên, một đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng ám sát tên Bazin ở phố Huế, Hà Nội. Bazin là một tên thực dân Pháp chuyên dụ dỗ dân Việt tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ đi làm phu cho các đồn điền cao su tại Nam Kỳ, Miên, Lào, nơi mà những người phu này bị đối xử như nô lệ.
Sau trận ám sát này, các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị quân Pháp lùng bắt ở khắp mọi nơi. Khách sạn Việt Nam bị đóng cửa, Ký Con bị bắt nhưng không có chứng cớ nên được thả. Sau đó, ông được lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học tin tưởng, đề cử vào Ban Ám Sát, chuyên trừng trị những tay thực dân, Việt gian và những kẻ phản bội tổ chức do Hoàng Văn Tùng làm trưởng ban.
Ngày 6/9/1929, ông được Đảng giao phó và đã hoàn thành nhiệm vụ ám sát Nguyễn Văn Kinh, một người phản bội tổ chức, gây nhiều thiệt hại cho Đảng. Tuy nhiên sau đó trong hàng ngũ lại có người phản bội khiến công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa bị bại lộ, thực dân Pháp càn quét các khắp nơi, nhiều đảng viên bị bắt. Mặc dù không tin chắc vào thắng lợi nhưng vào ngày 17/9/1929, Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn quyết định tổng khởi nghĩa với một câu tuyên bố nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: "Không thành công thì thành nhân".
Ngày 26/1/1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng họp mặt tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trong phiên họp, đa số các đại biểu đều tán thành kế hoạch "Tổng khởi nghĩa". Cũng trong cuộc họp này, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã vạch ra kế hoạch tấn công vào một số đô thị và những yếu điểm quân sự của Pháp tại các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại, Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, và Hà Nội.
Chỉ huy các mặt trận cũng được chỉ định trong phiên họp và Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định tiến hành cuộc "Tổng khởi nghĩa" đồng loạt ở Bắc Kỳ vào đêm 10/2/1930, gồm các tỉnh:
-Yên Bái do Thanh Giang, Nguyễn Văn Khôi chỉ huy.
-Sơn Tây do Phó Đức Chính chỉ huy.
-Hưng Hoá, Lâm Thao do Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy.
-Phả Lại, Hải Dương do Nguyễn Thái Học chỉ huy.
-Hải Phòng, Kiến An do Vũ Văn Giản tức Vũ Hồng Khanh lãnh đạo.
-Hà Nội do Đoàn Trần Nghiệp, tức Ký Con, chỉ huy.
Được phân công phụ trách ném bom ở Hà Nội, Đoàn Trần Nghiệp tổ chức đội cảm tử gồm có Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triểu và Nguyễn Bá Tâm ném bom tại 5 địa điểm ở Hà Nội.
Bom nổ nhưng không có người thiệt mạng. Đoàn Trần Nghiệp bị truy nã khắp nơi, đầu ông được thực dân Pháp treo giá 5000 đồng Đông dương. Tháng 6 năm 1930, ông bị mật thám bắt ở Nam Định và bị đưa về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Khi được ký giả người Pháp Louis Roubaud phỏng vấn, ông nói mục đích của ông là đánh đuổi người Pháp ra khỏi nước Việt.
Ngày 5/8/1930, Đoàn Trần Nghiệp bị kết án tử hình. Cuối tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, tức Ký Con, bình thản cùng 6 đồng chí bước lên máy chém tại cổng trước của nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Dưới thời chính phủ quốc gia của Trần Trọng Kim trước năm 1945 và thời Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1954, cái tên Ký Con hay Đoàn Trần Nghiệp được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Pleiku, Bảo Lộc, và Vũng Tàu.
* * *
Ký Con và nhiều nghĩa sĩ của Việt Nam Quốc Dân Đảng là những tên tuổi đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc trong thời kháng chiến chống Pháp. Họ là những lớp người đã nằm xuống vì mục tiêu giành lại độc lập cho đất nước, trước khi đảng cộng sản Việt Nam ra đời và xứng đáng để được các thế hệ hôm nay vinh danh và tưởng niệm.
Thế nhưng điều mỉa mai là chế độ cộng sản đã nỗ lực xóa bỏ những dữ liệu lịch sử đó, và cố nhồi nhét vào đầu các học sinh là chỉ có đảng cộng sản mới có công đánh đuổi thực dân Pháp, để ngụy biện cho thể chế độc đảng độc tài suốt 70 năm qua.
Cũng may mắn là Ký Con đã bị thực dân Pháp xử chém vào năm 1930, nếu không thì ông cũng bị Việt Minh thủ tiêu trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tương tự như số phận của hàng ngàn đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khác. Thế nhưng dù thoát khỏi số phận đó thì đảng cộng sản vẫn không tha cho ông. Hàng loạt các tên đường Ký Con ở các thành phố đều bị đổi tên sau năm 1975, đủ cho thấy thái độ vô lương tâm của đảng CSVN đối với những bậc tiền nhân đã dùng tính mạng của mình để giữ vững truyền thống hào hùng và bất khuất của mình trước giặc ngoại xâm.
Một đảng phái có hành động đê tiện như thế mà luôn ra rả tự hào là "quang vinh", thì phải mượn theo cách nói của dân gian là đã "đứt dây thần kinh xấu hổ"!

No comments:

Post a Comment