Thứ Tư, ngày 04.02.2015
Phải chăng chết là hết? Cụ Phan Bội
Châu không nghĩ như thế. Liên tục chương trình, mời nghe Nguyên Hồng
qua chuyên mục Con Người Việt Nam để cùng tìm câu trả lời tại sao để
tiếp nối chương trình tối nay
Hai tuần trước chúng ta cùng nhau tìm hiểu về mục đích của cuộc sống.
Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về cái chết. Khi nói về cái chết thì không
thể nào quên được bài thơ của cụ Phan Bội Châu.
"Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Đó là những câu thơ mà cụ Phan Bội Châu suy tư về cái chết.
Con Người -- cho dù sinh ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ giống dân nào --
đều phải qua bốn giai đoạn: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không ai thoát khỏi
bốn giai đoạn trên. Nói đến đây thì sẽ có người khó tính bảo rằng: có
một số ít người sẽ bỏ giai đoạn Lão, Bệnh mà đi thẳng từ Sinh rồi đến
cái Tử. Thực ra một số ít trong chúng ta có thể bỏ qua giai đoạn Lão
nhưng không thể nào bỏ qua giai đoạn Bệnh.
Hãy nhìn qua một vài thí dụ để chứng minh là chúng ta có thể bỏ qua giai đoạn Lão nhưng không thể bỏ qua giai đoạn Bệnh.
Thí dụ một: Một đứa trẻ sinh ra vài năm nhưng vì chẳng mai tai nạn xe
xảy ra làm đứa trẻ qua đời. Đứa trẻ không Lão nhưng khi tai nạn xảy ra
thì làm thân thể đứa trẻ trở Bệnh (thân thể bị bệnh do tai nạn xảy ra)
nên qua đời.
Thí dụ hai: Những người đấu tranh chống lại chế độ độc tài tại Việt
Nam hiện giờ, đã hoặc đang ở trong tù, có thể là những người vẫn còn trẻ
và đã có một số người qua đời trong những trại tù. Sự qua đời có thể do
sự đánh đập, hành hạ thể xác bằng những thủ đoạn đê tiện và tàn ác để
cuối cùng thân thể của người trẻ trở Bệnh, không thể tiếp tục sống với
điều kiện quá khắc nghiệt mà kẻ cầm quyền áp đặt vào thân thể của một
Con Người. Giai đoạn Bệnh là giai đoạn thân thể xuống cấp để rồi bước
sang giai đoạn cuối cùng của đời người là Chết.
Khi nói về cái chết, số đông chúng ta ai cũng sợ cái chết. Chính vì
sợ cái chết mà số đông chúng ta chọn nếp sống "hèn", sẵn sàng a dua hay
im lặng với cái ác, tiếp tay với tội ác để mình được sống lâu hơn, an
toàn hơn trong xã hội hiện tại của đất nước. Thay vì chúng ta chuẩn bị
tinh thần để đón nhận cái chết thì chúng ta chạy trốn. Sự chạy trốn được
thể hiện qua hành động "hèn" trong cuộc sống mỗi ngày.
Thế nào gọi là chuẩn bị tinh thần cho cái chết khi cái chết thực sự
đến với chúng ta? Chuẩn bị tinh thần không có nghĩa là khi cơ thể chúng
ta yếu đuối (bệnh) thì lúc đó mới chuẩn bị tinh thần cho cái chết. Trái
lại lúc thân thể chúng ta yếu đuối (bệnh) thì lại là lúc tinh thần chúng
ta không còn minh mẫn nữa, mà nếu đã không minh mẫn thì làm sao chuẩn
bị được tinh thần?
Cho nên chuẩn bị tinh thần cho cái chết là điều chúng ta làm mỗi
ngày. Nếu chúng ta thực hiện đúng Mục Đích Của Cuộc Sống như đã nói
trong hai kỳ phát thanh trước thì khi chúng ta bất chợt nằm xuống, tâm
của chúng ta sẽ ổn định để ra đi qua một thế giới khác. Nói đến đây, hãy
nhắc lại một câu chuyện xảy ra lâu lắm rồi, khi mà nhà thơ Nguyễn Tất
Nhiên qua đời tại California trong năm 1992, có một người nói như thế
này "Tại sao phải đợi Nguyễn Tất Nhiên qua đời thì mới có người tự phê
bình rằng -- mình không đối xử với Nguyễn Tất Nhiên tốt hơn lúc còn
sống? Những lời tự trách đó sẽ làm được gì? Đối với tôi, lúc nào tôi
cũng đối xử với vợ tôi như là giây phút cuối cùng ở bên nhau, để khi tôi
hoặc vợ tôi bất ngờ ra đi khỏi thế gian này, tôi không hề tiếc nuối là
đã không đối xử tốt hơn với vợ".
Vâng! Tại sao trong lúc sống còn, chúng ta không làm điều tốt với
vợ-con, bạn bè, làng xóm, dân tộc mình? Để khi lúc về già, sức chẳng
còn, tâm đã mất thì hối tiếc là mình đã không làm được cái muốn làm? Tại
sao phải đợi lúc về già thì mấy bác trong đảng CSVN, mấy bác đã một
thời sống "hèn" nay đã về hưu thì mới lên tiếng chống đảng hay viết
những nhật ký để nói lên cái sai trái của đảng CSVN? Và trong cái tuổi
già đó, liệu trí nhớ của các bác có sáng hay không để ghi lại những "sự
thật lịch sử" của mấy chục năm về trước mà mấy bác đã chọn nếp sống của
con Vẹt -- nay lại đem cái "sự thật lịch sử" đó ra thì liệu phần trăm
của nó đúng bao nhiêu và phần trăm còn lại bị ảnh hưởng của loài Vẹt?
Có người cho rằng "chết là hết". Nhưng có phải sau khi chúng ta nằm
xuống thì mọi thứ đều chấm dứt? Tục ngữ có câu "cọp chết để da người
chết để tiếng". Có lẽ da cọp đẹp thành ra khi con cọp chết thì cái da
vẫn có giá trị. Còn Con Người, khi nằm xuống thì thân xác chẳng còn giá
trị -- ngoại trừ một số bộ phận trong người của chúng ta có thể cống
hiến cho những người khác đang cần, hoặc thân xác của chúng ta cống hiến
cho các trường đại học để các bác sĩ tương lai hoặc các nhà khoa học có
thể thử nghiệm trên những thân thể thật, thay vì học trên lý thuyết.
Cống hiến những bộ phận trong thân thể khi mình chết thì có lẽ là điều
không ai phân vân. Nhưng cống hiến thân thể cho các trường đại học nhằm
giúp các bác sĩ tương lai hoặc giúp các nhà khoa học thực hiện những
nghiên cứu khoa học -- xem ra không phải là điều ai cũng làm được, đặc
biệt là những người thân của mình (vợ hoặc chồng, hay con cái) chưa chắc
có đủ tinh thần (hy sinh) để chấp nhận để thực hiện ý muốn của một
người đã nằm xuống.
Có những người khi nằm xuống, thầy Đinh Đăng Định là thí dụ điển
hình, ai cũng thương yêu, ai cũng hối tiếc tại sao ra đi sớm thế mà
không tiếp tục sống để phục vụ Con Người, phục vụ đất nước. Có những con
người khi nằm xuống chẳng ai thèm dòm ngó, hoặc thốt lên tiếng nói
"đáng đời cho kẻ gian ác, lúc sống chỉ làm hại nước, hại dân". Hoặc có
những người khi nằm xuống lịch sử ngàn năm sau vẫn ghi nhớ công hoặc
tội. Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, Bà Trưng,
Bà Triệu, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trần Bình Trọng v.v... được sử sách
ghi lại công trạng cống hiến cho đất nước. Ngược lại thì Lê Chiêu Thống
được sử sách ghi lại là người bán nước, cầu viện quân Thanh, cõng rắn
cắn gà nhà. Tiếng thơm sống ngàn năm và tiếng xấu cũng sống ngàn năm.
Khác chăng là một bên được kính trọng còn một bên thì bị quyền rũa bởi
là người hại nước, hại dân.
Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment