Thursday, February 26, 2015

MỘT THẢM KỊCH CỦA TÌNH "ĐỒNG CHÍ" TIẾP NỐI

Thứ Năm 26.02.2015    
Ông bà ta có câu: " Miếng ngon nhớ lâu, niềm đau thì nhớ đời", cuộc chiến biên giới 1979 với khoảng 50 ngàn quân và dân đã hy sinh để chống quân Trung cộng xâm lược, lịch sử Việt Nam sẽ không bao giờ quên. Trong tiết mục Người Dân Tự Quyết hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài " MỘT THẢM KỊCH CỦA TÌNH "ĐỒNG CHÍ" TIẾP NỐI " của Lý Trần Công sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây.
5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng Trung cộng khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Trung cộng vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có "lực lượng thứ năm" gồm những người Việt gốc Hoa trên đất Việt Nam. "Lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 2, chiến sự lan rộng hơn. Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao, chính vì thế có ít nhất 4.000 lính Trung cộng đã chết trong hai ngày đầu giao tranh này. Tuy vậy sau 30 ngày giao tranh ác liệt tổn thất nhân mạng của chiến sỹ và đồng bào Việt Nam cũng không phải là nhỏ. Theo tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng, hàng chục ngàn dân thường bị chết. Ngay cả khi lính Trung cộng trên đường tháo chạy về nước, cũng không quên thể hiện thú tính của chúng qua các vụ giết chóc thường dân Việt, chẳng hạn như vụ thảm sát ngày 9 tháng 3 tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung cộng dùng búa và dao đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Thiệt hại vật chất bao gồm: 400.000 gia súc bị giết và bị cướp; hàng chục nghìn hét-ta hoa màu bị tàn phá. Khoảng hơn một triệu dân các tỉnh biên giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản, các công trình dân sự bị phá hủy..v.v... Trên danh nghĩa quân Trung cộng đã rút hoàn toàn ra khỏi Việt Nam vào ngày 18/3/1979, nhưng kỳ thực bọn chúng vẫn tiếp tục đồn trú hoặc cố thủ bên trong lãnh thổ Việt Nam, ở những khu vực giáp biên giới thuộc sáu tỉnh phía Bắc. Vì thế cuộc chiến giữa Việt cộng và Trung cộng vẫn tiếp diễn ác liệt một cách âm thầm mà không tuyên bố. Từ 28-4 đến 16-5-1984, Trung cộng đã chiếm 18 điểm, triển khai phòng ngự chốt giữ 29 điểm trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có hai cao điểm chiến lược là Núi Đất và Núi Bạc tại Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang nằm trên biên giới giữa hai nước được phía Trung cộng gọi là Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Trận chiến đẫm máu giữa hai bên diễn ra vào ngày 12/07/1984, khi Việt Nam đã điều sáu trung đoàn tham gia trận tập kích trên triền núi, để cố chiếm lại hai ngọn núi này từ tay Trung cộng. Thế nhưng kế hoạch của họ đã thất bại do sự bội phản "từ một sỹ quan quân báo cao cấp" trong quân đội Việt Nam. Trận đánh bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài tới 17 tiếng đồng hồ, dù rất ngoan cường nhưng phía Việt Nam đã phải rút lui, để lại 3.700 xác tử sỹ tại chiến trường do bị lọt vào trận địa mai phục của Trung cộng. Lãnh thổ Việt Nam đã mất vùng núi Đất và núi Bạc vào tay Trung cộng từ đó. Sau khi ký hiệp định phân định biên giới Việt- Trung năm 1999, thì hai vùng núi này chính thức trở thành lãnh thổ của Trung cộng.
Trong 10 năm giao tranh từ 1979 đến 1989, phía Việt Nam có khoảng từ 45 đến 50 ngàn binh sĩ tử trận. 3.700 xác tử sỹ Việt Nam tại trận chiến núi Đất, Trung cộng chôn trong một hố chôn tập thể và hiện tại đang nằm trên phần đất mà Trung cộng đã chiếm được từ tay CSVN.
Sáng ngày 15/2/2015, khoảng hơn 20 nhà hoạt động đã tập trung tại tượng đài Bắc Sơn để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến biên giới phía Bắc. Đến tham dự buổi tưởng niệm này có sự tham gia của các nhà hoạt động nổi tiếng như: Nguyễn Lân Thắng, Lã Dũng, Lê Hoàng, Lê Hiền Đức... Khi chuẩn bị bắt đầu lễ tưởng niệm, những người tự xưng là dư luận viên như Đỗ Anh Minh và các Cựu chiến binh biến chất, được đảng sai đến đã gây sự đánh nhau, mắng chửi các nhà hoạt động. Tuy vậy buổi lễ tưởng niệm vẫn tiến hành một cách trang nghiêm, trong niềm thương tiếc vô bờ của các thế hệ đi sau. Cùng ngày một buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã ngả xuống khi bảo vệ tổ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược vào năm 1979 được câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng tổ chức tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo (bến Bạch Đằng, Q.1, TP. Sài Gòn) với sự tham gia của khoảng 40 người, trong đó có nhiều nhân sỹ trí thức. An ninh vẫn có mặt như thường lệ tại các buổi lễ nhưng "không đông đảo như năm ngoái". Hệ thống báo chí tuyên truyền của cộng sản thì đề cập cuộc chiến biên giới rất hạn chế, nhà nước thì cố tình lãng quên, còn đảng CSVN thì đang lo vui Xuân hưởng lạc trong các dinh thự xa hoa, lộng lẫy như vua chúa ngày xưa, mà hình ảnh ngai rồng trong biệt phủ của cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh là một minh chứng hùng hồn nhất.
Hãng tin Đức DPA trích lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, viết trên trang Facebook của ông, cho biết là khi hai nước bình thường hóa bang giao năm 1991, Trung cộng đã yêu cầu CSVN đừng nhắc đến ngày 17.02.1979 nữa, vì vậy cho tới nay chính quyền Hà Nội vẫn chưa có những hoạt động chính thức nào để kỷ niệm cuộc chiến tranh này. Như vậy cuộc chiến tranh biên giới từ 1979- 1989, quân, dân Việt Nam đã thắng quân Trung cộng xâm lược trên trận địa, nhưng đã thua Trung cộng trên bàn thương lượng tại mật nghị Thành Đô, bởi những tên bán nước cầu vinh như: Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh..v.v...
Người dân Việt Nam hiện nay đều đồng ý với nhau là đảng CSVN thực chất chỉ là những kẻ hám danh, hám lợi, buôn dân bán nước và đưa cả dân tộc vào vòng nô lệ Trung cộng. Việc người dân tưởng nhớ những chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 1979, đó chính là thông điệp mạnh mẽ nhất gởi đến lãnh đạo đảng CSVN rằng số phận của chúng, rồi cũng sẽ phải tháo chạy về Bắc Kinh khi nhân dân nhất tề đứng dậy lật đổ chế độ độc tài, đảng trị.
Lý Trần Công.
26/02/2015.

No comments:

Post a Comment