Thứ Bảy, ngày 14.02.2015
Kính thưa quý thính giả, trước đây
gần 800 năm, sau khi bị nhà Trần soán ngôi, một hoàng tử nhà Lý đã dẫn
gia quyến và đoàn tùy tùng xuống thuyền ra khơi tỵ nạn, đến nước Cao Ly
và được quốc gia này đón nhận. Sau đó ông đã lãnh đạo dân quân Cao Ly
hai lần đánh thắng quân Mông Cổ xâm lăng, được vua Cao Ly phong tướng và
được người dân gọi là Bạch Mã tướng quân. Trong tiết mục “Danh Nhân
Nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Bạch Mã
Tướng Quân Lý Long Tường”, của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để
kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Hoàng tử Lý Long Tường là con trai thứ 7 của vua Lý Anh Tông và hiền
phi Lê Mỹ Nga. Ông rất giỏi võ và là một đô đốc thủy binh có tài thao
lược. Sau khi nhà Lý mất ngôi, biết không thể tránh khỏi sự trả thù, vào
năm 1226, Ông đã đem gia quyến cùng thượng phương bảo kiếm truyền đời
của vua Lý Thái Tổ, cùng với 6 ngàn quân, xuất phát từ cảng Vân Đồn vượt
biển đi tỵ nạn.
Để tránh bão Hoàng tử Lý Long Tường ghé vào đảo Đài Loan. Con trai
ông là Lý Đăng Hiền bị say sóng nên không thể tiếp tục cuộc hành trình,
Ông để lại con trai cùng 2 trăm tùy tùng trên đảo này rồi tiếp tục ra
khơi.
Trong cuộc hành trình xa xứ, đoàn thuyền tấp vào bờ biển phía Tây của
nước Cao Ly, tức bán đảo Triều Tiên hôm nay. Ông được vua Cao Ly và
người dân bản xứ giúp đỡ để định cư. Truyền thuyết kể rằng, vào đêm
trước vua Cao Ly nằm mơ thấy một con chim phượng hoàng bay đến đậu ở bờ
biển phía Tây, hôm sau thì được tin hoàng tử nước Đại Việt tên là Lý
Long Tường đến xin tỵ nạn.
Vua Cao Ly cấp cho đoàn tỵ nạn của Ông một vùng đất lớn, thành lập Lý
Hoa Trang. Tại đây Ông cho xây một ngôi đình giống như đình làng ở đất
Việt. Hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán, người của Lý Hoa Trang dù đi làm ở
phương xa đều trở về làng ăn tết theo phong tục của nước Đại Việt.
Năm 1232, quân Mông Cổ do Đại hãn Oa Khoát Đài chỉ huy tiến sang xâm
lược Cao Ly. Lý Long Tường chỉ huy tướng sĩ gia thuộc và dân chúng địa
phương đẩy lùi quân Mông Cổ. Sử Đại Hàn ghi chép là do Ông thường cưỡi
ngựa trắng xông pha chiến trận nên người dân gọi ông là Bạch Mã tướng
quân.
Đến năm 1253, Mông Cổ cậy binh hùng tướng mạnh lại đưa đại quân sang
xâm lăng Cao Ly. Lúc ấy khí thế quân Mông Cổ rất mạnh vì đã chiếm được
miền Bắc Trung Hoa, triều đình Cao Ly không chống nổi sức mạnh của quân
xâm lăng nên phải chạy ra đảo Giang Hoa lánh nạn. Hoàng tử Lý Long Tường
khi ấy đã 70 tuổi nhưng kiên quyết ở lại chỉ huy quân dân địa phương
kiên trì chiến đấu. Ông vẫn cưỡi ngựa trắng đôn đốc binh sĩ cùng dân
chúng trong vùng xây thành An Nam chống trả quân Mông Cổ suốt năm tháng
liền. Cuối cùng Ông đã xử dụng binh pháp của Đại Việt đánh tan giặc
Nguyên - Mông.
Vua Kojong trở về phong tướng cho Lý Long Tường, lập bia ghi công tại
"Thụ Hàng Môn", tức nơi quân Mông Cổ đầu hàng, và đổi tên vùng đất nơi
Lý Long Tường trú ngụ là Hoa Sơn. Từ đó dân chúng trong vùng suy tôn Lý
Long Tường là Hoa Sơn tướng quân hay Bạch Mã tướng quân.
Hậu duệ của Lý Long Tường trở thành một danh gia vọng tộc ở Đại Hàn,
với nhiều đời làm quan lớn trong triều đình, được ca tụng là những người
trung nghĩa. Điển hình là khi một triều đại Cao Ly bị soán ngôi, có hai
vị quan gốc Việt về quê quy ẩn, không chịu ra làm quan với triều đại
mới để giữ lòng trung thành với vị vua cũ, được sử sách Cao Ly ngợi khen
là tiết liệt. Đặc biệt trong hậu duệ của Lý Long Tường có Lý Thừa Vãn,
vị tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc. Trong chuyến viếng thăm
Việt Nam ngày 6/11/1958, ông đã nói tại Sài Gòn: "Tổ tiên tôi là người
Việt". Câu nói này được báo chí Sài Gòn đăng tải rầm rộ trên trang nhất.
Về sau, Lý Thừa Vãn tiết lộ ông là cháu đời thứ 25 của Bạch Mã tướng
quân Lý Long Tường.
Con cháu họ Lý Hoa Sơn ở Nam Hàn hiện có hơn 4 ngàn người. Mới đây
các nhà sử học Đại Hàn còn phát giác ra một dòng họ Lý khác: đó là dòng
Lý Dương Côn, cũng là một hoàng tử nhà Lý, vượt biển đến Cao Ly trước Lý
Long Tường đến 76 năm. Đời thứ 6 của dòng họ này có Lý Nghĩa Mẫn, từng
làm thừa tướng Cao Ly suốt 14 năm.
* * *
Trong nhiều năm qua, khi bình luận về làn sóng người Việt bỏ nước ra
đi lánh nạn cộng sản, nhiều người đề nghị phong cho Hoàng tử Lý Long
Tường là "ông tổ" của thuyền nhân Việt Nam.
Đề nghị này có thể là một kiểu vui đùa khi nghĩ đến giai đoạn bi
thương đó của dân tộc, nhưng cuộc đời tỵ nạn của Hoàng tử Lý Long Tường
rất đáng để cho con cháu người Việt phải suy ngẫm và so sánh với chính
mình.
Là một con dân xa xứ, ăn nhờ ở đậu trên đất nước người, nhưng Ngài đã
làm rạng danh nòi giống Lạc Hồng và truyền thống "trì thủ ân nghĩa".
Trong khi quân dân Đại Việt dưới thời nhà Trần đã 3 lần đánh bại quân
xâm lược Mông Cổ thì tại Cao Ly, Lý Long Tường cũng 2 lần tiêu diệt đại
quân Mông Cổ, trả ơn cho đất nước đã mở rộng vòng tay đón nhận mình.
800 năm sau đó, các thế hệ con cháu ở miền nam VN của Hoàng tử Lý
Long Tường cũng một lần nữa đã ào ạt bỏ nước ra đi để tránh sự đàn áp
tàn bạo của chế độ cộng sản. Hàng triệu người Việt đã được các quốc gia
giàu lòng nhân ái đón nhận. Chỉ không đầy 4 thập niên, dù chưa có được
một Bạch Mã tướng quân, nhưng cộng đồng người Việt đang có hàng ngàn
chuyên gia nổi tiếng về đủ mọi lãnh vực phục vụ cho các quốc gia đó.
800 năm trước đây, đất Việt mất đi một Lý Long Tường văn võ song
toàn, nhưng nhiều nhân tài vẫn xuất hiện dưới triều nhà Trần, khiến đất
nước tiếp tục hưng thịnh gần 200 năm sau đó. Nhưng sau 70 năm cầm quyền
của đảng cộng sản, giới trí thức VN vẫn không được trọng dụng và tiếp
tục chạy ra hải ngoại, khiến đất nước càng ngày càng tụt hậu so với các
nước láng giềng.
Không hiểu là các con cháu của Hoàng tử Lý Long Tường tại Nam Hàn có
cảm nghĩ gì khi biết rằng quê cha đất tổ của họ phải mất đến 50 năm nữa
may ra mới đuổi kịp được đất nước đã hãnh diện có được vị anh hùng Bạch
Mã tướng quân Lý Long Tường?
Việt Thái
No comments:
Post a Comment