Thứ Sáu 27.02.2015
Trong lúc nhiều người vui hưởng ngày xuân, thì cũng có những dòng lệ trên khuôn mặt héo úa của những người bán hoa trái trong dịp Tết mà không có người mua, mồ hôi nước mắt trở thành trắng tay. Đó là một góc nhỏ của tình trạng kinh tế VN mà ông Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu ở Quốc Hội ngày 31 tháng 10 năm 2014 vừa qua. Kính mời quí thính giả theo dõi bài quan điểm của chúng tôi về những lời phát biểu này, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Ngày 31 tháng 10 năm 2014 vừa qua, nhiều khán giả đã theo dõi chương
trình truyền hình trực tiếp buổi sinh hoạt của Quốc Hội Việt Nam trên
đài VTV1, trong ấy có phần phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa thuộc
đoàn đại biểu thành phố Sài Gòn, đã gây chú ý cho nhiều người.
Trong thời lượng 7 phút rưỡi, ông Nghĩa, một đảng viên, một đại biểu
quốc hội, đã phác họa toàn cảnh kinh tế Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ
khác nhau. Ông cho rằng tuy VN đã đạt được những thành tựu to lớn về an
ninh, xã hội, nhưng kinh tế vẫn chưa sử dụng hết tiềm năng, nên trong
năm 2015, 2016 kinh tế VN cũng không thể cất cánh được, vì vẫn theo
đường lối cũ, định hướng cũ. Đặc biệt ông nhấn mạnh đến chính sách kinh
tế vẫn tiếp tục đi trên "đường ray cũ", tư duy, cách làm cũ. Cụ thể là
tình trạng điều hành hiện nay làm tiêu hao cả ba yếu tố là: hao vốn, hao
ngoại tệ, và hao tài nguyên môi trường.
Ông cũng nêu lên những thực trạng mà ai cũng nói đến là tham nhũng,
nợ công, doanh nghiệp tư và nhỏ không dược quan tâm nâng đỡ, trong khi
doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, nhưng chẳng đem lại lợi ích cho nền
kinh tế bao nhiêu.
Theo cách định bệnh của ông Nghĩa thì kinh tế VN đang gặp ba trở ngại
lớn: (1) Chưa có định hướng đúng, nên không có lối thoát . (2) Nguy cơ
lệ thuộc vào Trung Cộng. (3) Thành phần nhân sự quản trị yếu kém.
Để giải quyết bế tắc trên đây ông đã nhấn mạnh đến giải pháp gồm ba
yếu tố: Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, và xã hội dân sự. Nhưng
để thực hiện được ba mục tiêu này, thì nhân sự là yếu tố cốt lõi. Theo
ông công việc điều hành phải trao cho những người "có tài, có đức, yêu
nước, có tư duy, có khả năng đổi mới, dân chủ và hội nhập".
Một điểm rất đáng chú ý trong lời phát biểu của ông Nghĩa thì chính
Trung Cộng là mối nguy lớn đối với Việt Nam, cụ thể là VN lệ thuộc qua
nhiều vào TC. Ông đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự hiện diện của
người Hoa tại VN, và có đến 80, 90% những dự án rơi vào tay nhà thầu TC,
đến việc thương lái người Hoa đi khắp nơi thu mua nông sản, trong khi
VN phải nhập cảng nông phẩm từ TC, ai chịu trách nhiệm về những việc
này? Vì vậy VN phải có chính sách mạnh mẽ và dứt khoát đối với TC.
Những lời phát biểu của ông Nghĩa đã phản ảnh được nguyện vọng mà
người dân đang mong đợi. Do đó nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình và tán
dương những lời thẳng thắn ấy. Chúng ta có thể tóm tắt phản ứng của
quần chúng trong ba ý chính sau đây: Thứ nhật là hài lòng với những lời
phát biểu của ông, và hy vọng những lời nói ấy sẽ được lắng nghe, và đem
ra thực hành. Thứ hai nhiều người lo ngại cho tương lai của ông sau
những lời phát biểu ấy, liệu nhiệm kỳ tới ông có còn được 'đảng cử dân
bầu' nữa hay không, hoặc tệ hơn nữa là mang chung số phận như các ông
Phạm Quí Ngọ hay Nguyễn Bá Thanh vừa qua. Nhất là khi ông mạnh mẽ đề cập
đến mối nguy Trung Cộng. Thứ ba là tỏ ý hoài nghi vì những người nắm
giữ thực quyền sẽ bỏ ngoài tai, vì nếu thi hành những điều ông đề nghị
thì họ sẽ bị loại ngay!
Trong quốc hội 'đảng cử dân bầu' của nước ta, đôi khi cũng có những
đại biểu nói lên những điều rất chính xác, rất đáng được lắng nghe như
trường hợp ông Lê Như Tấn, thuộc đoàn đại biểu Hà Nội, cũng trực tiếp
truyền hình ngày 7-6-2012. Ông Tấn đã phân tích rất tỷ mỷ và chính xác
tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. Ông cũng nhắc đến lời nói quyết tâm
chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng rồi giữa lời nói và
việc làm lại hoàn toàn trái ngược, nạn tham nhũng vẫn phát triển mạnh mẽ
hơn!
Qua những gì ông Nghĩa nói ra giữa quốc hội, chúng ta còn được chứng
kiến một thực tế đáng quan ngại hơn, là kinh tế Việt Nam xếp hạng 7
trong 10 quốc gia thuộc Hiệp Hội Các nước Đông Nam Á. VN đứng sau
Singapore, Thái Lan, Nam Dương, Malaysia, Philippines, Prunei, và chỉ
khá hơn Miến Điện, Lào và Campuchia? Tại sao lại bi đát như thế? Chúng
ta nghĩ gì về thực trạng này?
Trong lúc ấy thì người dân được phủ dụ bằng những lời hứa hẹn xuyên
qua những nghị quyết đọc lên nghe rất hấp dẫn, nhưng đi vào thực tế thì
trống rỗng. Nào là "phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp
công nghệ hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định
hướng XHCN và hội nhập quốc tế"... vân vân và vân vân. Nhưng theo lời
ông Nguyễn Quân, Bộ Trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ cho biết, thì hiện
nay chưa đến 5% doanh nghiệp VN sử dụng công nghệ hiện đại tiên tiến. Mà
VN chỉ bán sức lao động rẻ mạt trong các hãng sản xuất gia công của
nước ngoài mà thôi.
Đa số người dân khi nghe ông Nghĩa phát biểu tỏ ra hài lòng và đặt hy
vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng cốt lõi của vấn đề là VN có
quyết tâm thay đổi, và thay đổi tận gốc rễ, tận căn nguyên là thay đổi
thể chế chính trị hay không? Nếu vẫn cố bám lấy nền kinh tế thị trường
theo định hướng XHCN, và đảng CSVN vẫn độc quyền cai trị đất nước như
ông Nguyễn Phú Trọng vẫn lặp đi lập lại; thì những lời của ông Nghĩa
cũng chỉ làm vui tai người nghe trong chốc lát mà thôi; nó lại càng xác
định rõ hơn rằng quốc hội là của đảng và do đảng mà ra, nên những quyết
định liên quan đến vận mệnh đất nước không hề đến từ quốc hội. Đó là nỗi
bất hạnh lớn cho 90 triệu dân ta. Vậy chẳng lẽ ông Nghĩa và những người
tán đồng với ông sẽ ngồi khoanh tay chờ ai đó đem lại thay đổi chăng.
Điều ấy sẽ không khi nào xảy ra, nếu chúng ta không quyết tâm thực hiện
nó.
Vận mệnh của ta đang ở ngay trong tay ta, vậy hãy sử dụng để làm thay đổi như những gì mình mong muốn.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment