Tuesday, July 24, 2012

Vai trò ý thức pháp trị trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ


Thứ Ba ngày 24.07.2012     

Lời dẫn: Vì gia nhập tiến trình dân chủ hoá mà phải phơi bày những khuyết điểm của giới lãnh đạo quốc gia, đó không phải là một quốc nhục. Quốc nhục thực sự là dung túng cho một tập thể độc tài làm nội thù trong lòng dân tộc, tiêu hủy nguyên khí quốc gia và mãi quốc cầu vinh như đảng CSVN... Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Đà Giang với tựa đề: "Vai trò ý thức pháp trị trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ ", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
********
Các chế độ độc tài thông thường là những chế độ "vô pháp vô thiên" vì tôn sùng một cá nhân, một chính đảng, không chấp nhận sự phê phán hay hiện hữu của bất cứ một quan điểm nào đi ngược lại quyền lợi của mình.
Tại Việt Nam, nhà nước xây dựng huyền thoại Hồ Chí Minh và đảng CSVN hầu đàn áp tất cả mọi khuynh hướng đối lập.

Tại Ai Cập, nhà nước xây dựng huyền thoại Mubarak và đảng Quốc gia Dân chủ để dẹp tan mọi đối lập, nhất là Lực lượng Huynh đệ Hồi Giáo.
Trong một môi trường chính trị, khi phe nhóm chính quyền sử dụng cả hành pháp, lập pháp lẫn tư pháp, như là những công cụ cho mục tiêu nắm giữ quyền lực. Có 2 biện minh chính yếu để các chế độ độc tài bảo vệ cho sự độc tôn của mình. Một, là không nên dân chủ vì trình độ hiểu biết của dân chúng quá thấp, nếu như cho người dân nhiều quyền sẽ bị họ lạm dụng, đưa đến tình trạng bất ổn chính trị. Hai, là việc kêu gọi dân chủ hoá đất nước, nhất là đến từ các quốc gia dân chủ Tây Phương sẽ làm nhục quốc thể, bởi họ cho đó là sự vi phạm nền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc.
Chính vì sự thiếu vắng đối lập và các định chế dân chủ, nên cả chính quyền lẫn các thành phần xã hội dân sự đều không biết pháp trị là gì. Mọi cá nhân và tập thể đã quen sống theo luật rừng. Nghĩa là kẻ mạnh sẽ thắng và kẻ yếu phải thua, không có một ý thức nghiêm chỉnh về tinh thần pháp trị.
Tại Việt Nam, mặc dù hiến pháp minh thị ghi nhận quyền tự do bầu cử và ứng cử của công dân, nhưng quốc hội CSVN lại ngang nhiên đưa ra bộ luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội để tước đi quyền này (điều 25 đến 36). Từ đó, công dân chỉ có thể bầu người đại diện cho mình từ một danh sách do Mặt trận Tổ quốc chọn lựa. Nếu có một Tối cao Pháp viện độc lập thì luật này chắc chắn sẽ bị tuyên bố là vi hiến.
Trong các cuộc đàn áp biểu tình của người dân trong nước, CSVN thường xuyên vi phạm quyền biểu tình hiến định của công dân, đồng thời vi phạm luôn cả Bộ luật Hình sự hiện hành. Công an và cảnh sát không những làm ngơ mà còn tiếp tay trong các hành vi phạm luật và vi hiến.
Tình trạng này rõ rệt hơn tại Ai Cập trong những ngày qua. Các cơ quan thông tin thế giới chứng kiến sự thiếu ý thức về pháp trị của giới lãnh đạo Ai Cập, ở mức độ vô cùng căn bản.
Trước hết, trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang một nền dân chủ chân chính, lẽ ra Tối Cao Pháp Viện Ai Cập (TCPV) phải giữ một vai trò độc lập, làm trọng tài giữa 2 phe nhóm lớn trên chính trường là Hội đồng Quân lực Tối cao (HĐQLTC) và Lực lượng Huynh Đệ Hồi Giáo. Nhưng dưới áp lực của phe quân đội, TCPV lại thiên vị HĐQLTC tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội tân lập là vô hiệu lực, vì gian lận bầu cử. Tưởng cần nhắc lại, Lực lượng Huynh đệ Hồi Giáo đã thắng lớn trong cuộc bầu cử này và quốc hội là một định chế quyền lực của họ. Sự thiếu vắng ý thức pháp trị phát xuất từ cơ quan cao nhất của quốc gia, làm khởi đầu cho những sai lầm tiếp theo của giới lãnh đạo.
Sau đó, tân Tổng thống Morsi đưa ra một nghị định hành pháp để hủy bỏ quyết định của TCPV, và yêu cầu quốc hội nhóm họp trong khi chờ đợi bầu cử quốc hội mới. Hành động này của tân Tổng tống cũng biểu hiện sự thiếu vắng ý thức pháp trị căn bản. Làm sao hành pháp có thể hủy bỏ một quyết định của TCPV vốn là tiếng nói tối hậu của ngành tư pháp. Buồn cười hơn trong việc TCPV đã phủ quyết ngược lại với nghị định hành pháp của tân tổng thống, và quốc hội cứ nhóm họp bình thường coi như chưa hề có quyết định của TCPV.
Chúng ta kinh ngạc trước những sự kiện xảy ra tại Ai Cập, nhưng điều này cũng dễ hiểu. Bởi sau nhiều thập niên sống dưới luật rừng nên ý thức về một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên hoàn toàn xa lạ đối với giới lãnh đạo Ai Cập. Các quân nhân vì muốn bảo vệ quyền lợi giai cấp họ nên gây áp lực với TCPV. Trong khi Lực lượng Huynh đệ Hồi Giáo cũng vì quyền lợi của mình mà bãi bỏ quyết định của TCPV.
Nhận thấy tiến trình dân chủ hoá Ai Cập đang đi vào ngõ hẹp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton một mặt kêu gọi và khuyên nhủ các phe nhóm phải tương nhựơng nhau vì quyền lợi dân tộc. Mặt khác, tái xác định quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc giúp đỡ Ai Cập chuyển mình thành một nước dân chủ chân chính. Thái độ của bà Hillary Clinton có phải là một hành vi xen lấn vào nền độc lập và quyền tự quyết dân tộc, làm nhục quốc thể Ai Cập hay không?
Câu trả lời khẳng định là không.
Trào lưu dân chủ toàn cầu là khuynh hướng bất khả vãn hồi trong thiên niên kỷ mới. Nó xuyên phá mọi biên giới văn hoá lẫn quốc gia. Các dân tộc từ Á Châu đến Phi Châu đều thi đua nhau vứt bỏ độc tài để nhanh chóng gia nhập vào trào lưu của thời đại. Nhiều quốc gia sáng suốt đã gia nhập tiến trình từ sớm nên đạt được những thành quả vượt bực. So với Việt Nam, thì dân Ai Cập và giới lãnh đạo của họ đã đi trước chúng ta. Hoa Kỳ và toàn thể nhân loại đang hướng về Ai Cập với một cái nhìn đầy thiện cảm. Họ sẽ buồn cùng dân tộc Ai Cập, khi tiến trình dân chủ hoá tại quốc gia này gặp nhiều chông gai. Nhưng sẽ rất vui mừng cho họ, khi tiến trình gặt hái được những thành quả tốt đẹp.
Tiến trình dân chủ hóa còn nhiều gian nan vì cần một bản hiến pháp dân chủ chân chính cùng các định chế nghiêm chỉnh, cũng như ý thức cao về pháp trị của giới lãnh đạo và một truyền thống pháp trị luân lưu trong quần chúng được tôi luyện theo thời gian.
Những khó khăn mà dân tộc Việt Nam đang gặp phải có thể là tương đương hay nhiều hơn dân tộc Ai Cập. Nhưng có một điều chắc chắn, là chúng ta được sự quan tâm và ủng hộ của thế giới trong cuộc hành trình đi tìm tự do dân chủ cho đất nước. Sự quan tâm của quốc tế trước những khó khăn trong tiến trình dân chủ hoá không phải là quốc nhục. Ngược lại, dung túng cho một tập đoàn độc tài toàn trị, mãi quốc cầu vinh mới chính là nhục nhã cho quốc thể!
Đà Giang
15/7/2012

No comments:

Post a Comment