Monday, July 16, 2012

AI CẬP VÀ BÀI HỌC CHO TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM


Chủ Nhật ngày 15.07.2012     

Lời dẫn: Thập niên 2010 mang tính quyết định cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Khi chứng kiến những khó khăn nhân dân Ai Cập gặp phải, chúng ta càng phải hạ quyết tâm, dứt khoát đạp đổ bạo quyền, đưa dân tộc gia nhập vào tiến trình dân chủ hoá. Khó khăn nào dân ta cũng sẽ vượt qua, và dân tộc Việt sẽ đạt đến chiều cao thực sự của mình trong công đồng các dân tộc văn minh trên thế giới. Mời quý thính giả nghe bài bình luận với tựa đề: "Ai Cập và bài học cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam" của Đà Giang, qua giọng đọc của Vân Khanh.
Ngày 30 tháng 6, 2012 là một ngày lịch sử đối với dân chúng Ai Cập, là ngày quân đội quốc gia này chính thức công nhận ông Mohamed Morsi, thuộc lực luợng Huynh Đệ Hồi Giáo, như là tân tổng thống.

Ông Morsi được toàn dân bầu lên chức vụ nguyên thủ quốc gia qua một cuộc bầu cử sít sao, trong đó ứng viên của phe quân đội là Ahmed Shafiq chỉ thua ông khoảng 2% số phiếu. Xã hội Ai Cập dưới sự lãnh đạo độc tài của Tổng thống Hosni Mubarak và đảng Quốc Gia Dân Chủ (National Democratic Party) đã cai trị người dân bằng guồng máy công an mật vụ khổng lồ. Đến khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổi lên, thế giới được chứng kiến qua truyền hình quốc tế hình ảnh của những công an bị quần chúng nhận diện, bị hành hung hay sát hại ngay tại chỗ. Lúc đoàn biểu tình đông đảo lên đến hàng chục ngàn người thì các tên công an hầu như biến mất. Hiện nay, Mubarak và đảng Quốc Gia Dân Chủ đã rời bỏ quyền lực chính trị. Đám công an mật vụ của ông Mubarak đã tan biến thành hư không, nay chỉ còn lại quân đội.
Việc Thống chế Mohamed Hussein Tantawi, Chủ tịch Hội đồng Quân lực Tối cao, (HĐQLTC) và hàng ngũ tướng lãnh chính thức công nhận ông Morsi là nguyên thủ quốc gia, tại căn cứ quân sự Hike Step ở thủ đô Cairo, cho thấy đây không phải là sự tương quan hàng dọc giữa tổng thống như là tổng tư lệnh quân lực và các quân nhân thừa hành. Bản chất thực sự là phân chia quyền lực giữa 2 phe nhóm: Một bên là quân đội, còn bên kia là lực lượng Huynh đệ Hồi Giáo.
Như mọi chế độ độc tài khác trên thế giới, Mubarak và đảng Quốc Gia Dân Chủ trong quá khứ đã dựa vào quân đội và công an, để triệt tiêu tất cả mọi hoạt động chính trị có tổ chức. Cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Mubarak thành công không phải vì nhờ các đảng đối lập, mà do từ đại khối quần chúng vô tổ chức. Muốn khơi dậy cuộc cách mạng cần phải có đại khối quần chúng tiếp sức. Nhưng muốn nắm quyền và xây dựng các định chế chính trị phải cần các đảng phái có tổ chức. Xã hội Ai Cập giờ chỉ còn 2 lực lượng có tổ chức là Quân đội và lực lượng Huynh đệ Hồi Giáo.
Tuy nhiên đây chỉ là hiện tại. Trong đại khối quần chúng, các đảng chính trị phi tôn giáo đang ráo riết tái phối trí, tương lai môi trường chính trị Ai Cập sẽ là một môi trường đa nguyên, đa đảng thật sự. Trong giai đoạn chuyển tiếp này phe quân đội đã lấn lướt phe Hồi Giáo như:
1. Hội đồng Quân lực Tối cao (HĐQLTC) đã áp lực với Tối cao Pháp viện (TCPV) tuyên bố rằng, cuộc bầu cử quốc hội mà phe Huynh đệ Hồi Giáo thắng là vô hiệu lực vì gian lận trong bầu cử. Các quyền lập pháp được chuyển sang HĐQLTC.
2. Thêm vào đó, tân tổng thống không còn là tổng tư lệnh quân lực, mà tổng tư lệnh quân lực sẽ là Thống chế Tantawi (nhân vật này cũng là Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các).
3. HĐQLTC sẽ có nhiều đại diện tham gia vào ủy ban soạn thảo tân hiến pháp.
4. Các quân nhân sẽ có tiếng nói quyết định trong ngân sách quốc gia, và giữ các vai trò quan trọng trên phương diện quốc phòng, an ninh, và tư pháp.
Ngòai ra, còn có sự tranh chấp giữa TCPV và tân tổng thống. Sau khi nhậm chức, ông Morsi đã ban hành một nghị định hành pháp vào ngày 8 tháng 7 nhằm bãi bỏ quyết định của TCPV, và yêu cầu quốc hội tái nhóm họp để thi hành quyền lập pháp của mình, trong khi chờ đợi quốc hội mới sẽ được bầu lại trong vòng 60 ngày kể từ khi quốc hội bị TCPV bãi nhiệm. Tiếp theo vào ngày 10/7, TCPV lại đưa ra phán quyết rằng nghị định hành pháp của tân tổng thống là vô hiệu lực. Ngọai trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang kêu gọi các phe nhóm hãy tương nhượng nhau vì quyền lợi quốc gia.
Trong khi đó các đảng phái phi quân phiệt và phi tôn giáo ở Ai Cập đang ráo riết tổ chức, để có thể gia nhập tiến trình dân chủ hoá. Con số chính đảng lên đến khoảng 50 nhóm đã và đang đăng ký với chính quyền mới. Họ từ tàn dư đảng Quốc Gia Dân Chủ của Mubarak đến đảng CS, đảng Hiến pháp, đảng Xã hội, đảng Bảo thủ ... gồm mọi khuynh hướng xã hội từ hữu khuynh đến tả khuynh.
Bài học nào dân Việt có thể rút được từ tiến trình dân chủ hoá Ai Cập?
Trước hết, không vì những trở lực có tính cách giai đoạn mà dân ta phải chùng bước không gia nhập vào tiến trình này. Tuy con đường nhiều chông gai với nhiều phe nhóm tương tranh, nhưng chính vì sự tương tranh và tương nhượng này nói lên nhu cầu công nhận sự hiện hữu của đối lập, không những từ phía chính quyền mà từ góc nhìn của mỗi thành phần tham gia quốc sự.
Liệu Việt Nam có rơi vào tình trạng của Ai Cập như bây giờ không, một khi độc tài CSVN cáo chung?
Chắc chắn là quân đội sẽ giữ một vai trò quan trọng, vì nó là một định chế cần thiết cho quốc gia trong mọi tình huống, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị. Tuy nhiên, khác với Ai Cập ở chỗ là quân đội Việt Nam không nên tích cực tham gia như là một lực lượng chính trị, bởi không có nhu cầu tương tự như Ai Cập hay các quốc gia Hồi Giáo khác.
Tại các quốc gia này, Hồi Giáo không những là một tôn giáo mà còn là một ý thức hệ chính trị, có tổ chức chặc chẽ và mang tính bảo thủ. Nếu môi trường chính trị vắng bóng những chính đảng mạnh, mang tính phi tôn giáo và cấp tiến, thì khoảng trống và trách nhiệm đó sẽ rơi vào tay các quân nhân, vốn là tập thể phi tôn giáo và có tổ chức duy nhất còn lại.
Việt Nam khác hẳn. Mặc dù dân ta bị 6 thập niên độc tài toàn trị, nhưng miền Nam đã là nơi nương tựa của nhiều đảng phái chính trị chống thực dân Pháp. Sau năm 1975, tuy các đảng phái này bị đàn áp tả tơi trên cả 2 miền đất nước nhưng họ vẫn tồn tại, và tiếp tục phát triển tại hải ngoại với hơn 3 triệu Việt kiều rãi rác trên khắp thế giới. Nhiều phe nhóm và đảng phái chính trị phi cộng sản đã được khai sinh và đang hoạt động tại hải ngoại, luôn trong tư thế đóng góp cho đất nước một khi môi trường chính trị thay đổi.
Đất nước chúng ta không có những tôn giáo mang tính ý thức hệ chính trị cực đoan. Thay vì quân đội phải thương thuyết với các nhóm tôn giáo, thì quân đội Việt Nam nếu khôn ngoan và yêu nước thật sự sẽ giữ một vai trò trung gian, để tạo ra khung sườn ổn định chính trị. Trong khung sườn đó, các đảng phái và phe nhóm tôn giáo sẽ cùng nhau thương thảo để đi đến thoả hiệp. Một khi môi trường chính trị được ổn định thì quân đội phải trở về vị trí truyền thống nghiêm chỉnh, là trung thành với tổ quốc và bảo vệ chủ quyền quốc gia, đứng ngoài vòng chính trị như những quân nhân chuyên nghiệp trên thế giới văn minh.
Cuộc cách mạng tin học song hành với cuộc cách mạng tư tưởng chính trị đang xuyên phá biên giới quốc gia, và đập vỡ mọi bưng bít của độc tài. Chỉ cần một cuộc biểu tình vĩ đại thể hiện lòng dân tức thì cả một hệ thống toàn trị sẽ cáo chung. Các định chế dân chủ sẽ được xây dựng, và tinh thần dân chủ sẽ đơm hoa kết trái sau một thời gian chuyển tiếp.
Thực trạng này đã đến với các dân tộc Đài Loan, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Nam Dương. Nay đã đến với các quốc gia Trung Đông và Miến Điện, thì chắc chắn sẽ đến với đất nước Việt Nam trong một ngày không xa.
Đà Giang
9/7/2012

No comments:

Post a Comment