Monday, July 30, 2012

NGUỒN GỐC THẬT SỰ CỦA ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP


Thứ Hai ngày 30.07.2012   
Lời dẫn: Trong bản chất phi nhân và bạo ngược của các đảng CS trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với chế độ toàn trị Đức Quốc Xã. Điều 4 hiến pháp cũng phát xuất từ tư tưởng bệnh hoạn của trùm phát xít Hitler. Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Đà Giang với tựa đề: "Nguồn gốc thật sự của điều 4 hiến pháp", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
***
Các nhà nghiên cứu chính trị thông thường cho là điều 4 hiến pháp hiến định hoá chế độ toàn trị tại VN, được phát xuất từ điều 6 hiến pháp năm 1977 của Liên Bang Xô Viết. Việc phân tích đuợc dừng tại đây vì họ nghĩ rằng, cả ông Hồ Chí Minh lẫn đảng CSVN đều tự cho mình là học trò ngoan của Stalin và đảng CSLX, nên không truy tầm xa hơn về xuất xứ của điều 4 hiến pháp.

Điều 4 hiến pháp Việt Nam ghi rằng: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật"
Rõ ràng điều 4 hiến pháp VN rất giống với điều 6 hiến pháp LX. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là điều 6 hiến pháp của Liên Bang Xô Viết đích thực phát xuất từ đâu?
Tưởng cần nhắc đến 3 nhà độc tài khét tiếng nhất của thế kỷ 20: Đó là Lê Nin và Stalin của CSLX, và Hitler của Đức Quốc Xã. Lê Nin nắm quyền từ năm 1917 đến năm 1924. Sau đó Stalin lên kế vị cho tới năm 1953. Tại Đức, Hitler lên nắm quyền từ năm 1933 đến năm 1945. Khi nói đến các mốc thời gian, Hitler dường như có nhiều cơ hội học hỏi từ Lê Nin và Stalin về phương thức cai trị độc tài. Nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn thì giả thuyết này không chính xác. Lê Nin là nhà độc tài đầu tiên đã tiêu diệt mọi đảng phái đối lập, xây dựng lên guồng máy mật vụ, và nắm quyền sinh sát trong tay mà không cần qua một hệ thống tư pháp nào.
Điều này không có gì lạ! Những hành động tương tự đã từng xảy ra thường xuyên trong lịch sử loài người, qua các cuộc tương tranh quyền lực và thay đổi triều đại. Khi Stalin lên nắm quyền ông vẫn theo đuổi các chính sách của Lê Nin. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Lê Nin và Stalin chỉ nằm ở mức độ tàn khốc và có tính đột biến.
Trong khi đó tại Đức, Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng (Chancellor) vào tháng Giêng năm 1933. Hitler đã thực thi chính sách xâm chiếm toàn bộ Âu Châu và chứng minh khả năng thống trị của mình bằng nhiều bước đi sáng tạo, mà chính Stalin và các lãnh tụ CS khác phải học hỏi. Hitler là nhà độc tài đầu tiên chính thức luật hoá sự độc đảng của chế độ Quốc Xã. Ngày 14/7/1933, Hitler công bố bộ luật 26 tháng 5. Điều khoản của bộ luật này ghi rõ vị trí độc tôn của Đảng Quốc Xã như sau:
"Đảng Quốc gia Lao động Xã hội Đức (viết tắt là Đảng Quốc Xã) là chính đảng duy nhất của nước Đức. Bất cứ ai nuôi dưỡng cấu trúc tổ chức một chính đảng khác hay thành lập một chính đảng mới, sẽ bị án chung thân khổ sai đến 3 năm hoặc bị giam cầm từ 6 tháng đến 3 năm, nếu hành vi này không bị chế tài nặng hơn bởi các sắc luật khác"
Trước đó vài ngày, Hitler tự tin tuyên bố trong một bài diễn văn rằng: "Tất cả mọi chính đảng đã bị hủy diệt. Đây là một biến cố lịch sử, mà ý nghĩa cũng như hậu quả chưa ai ý thức được trọn vẹn... Đảng đã trở thành nhà nước, và toàn bộ quyền lực thuộc về nhà nước"
Mặc dù Hitler không cần sắc luật trên để cai trị dân. Nhưng việc công bố sắc luật cho thấy một điều mà chưa nhà độc tài nào trên thế giới dám làm trước đó. Trong giai đoạn lịch sử này, Hitler vô hình trung được sự chú ý của một đệ tử được coi là giỏi hơn sư phụ: Đó là nhà độc tài CSLX Stalin. Ba năm sau, Stalin làm một điều mà chính Lê Nin chưa dám làm. Stalin đã bắt chước Hitler thông qua bản hiến pháp của Liên Bang Xô Viết, trong đó điều 126 hiến định hoá quyền độc tôn của đảng CSLX, nguyên văn như sau:
Đảng CSLX là: "Đội tiên phong của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh củng cố và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa, là cốt lõi lãnh đạo tất cả mọi tổ chức nhân dân lao động và cả quần chúng lẫn nhà nước"
Đến năm 1977, điều 126 của hiến pháp Liên Bang Xô Viết được thay thế bằng điều 6 của hiến pháp mới như sau:
Đảng CSLX là: "Lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn xã hội Xô Viết, là trọng tâm của hệ thống chính trị, mọi tổ chức nhà nước và tổ chức quần chúng. Đảng CSLX hiện hữu vì dân và phục vụ nhân dân. Đảng CSLX trang bị bởi chủ thuyết Mác - Lê, quyết định tổng quát đường hướng phát triển xã hội cho các chính sách đối nội và đối ngoại của Liên Bang Xô Viết, lãnh đạo công tác xây dựng vĩ đại của nhân dân Xô Viết, đem lại tính kế hoạch, hệ thống và nội dung lý thuyết cho công cuộc tranh đấu đem lại chiến thắng cho chủ nghĩa cộng sản. Mọi cơ cấu của đảng hoạt động trong phạm vi hiến pháp Liên Bang Xô Viết"
Dựa vào các sự kiện lịch sử, chúng ta có thể khẳng định là điều 4 hiến pháp mà Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN đang bám víu để sống còn chính là hiện thân của bộ luật Đức Quốc Xã, được Hitler công bố vào ngày 14 tháng 7 năm 1933 nhằm luật hoá sự toàn trị của Hitler và Đảng Quốc Xã. Đáng mừng cho dân tộc Đức là chế độ toàn trị của Đảng Quốc Xã chỉ tồn tại 12 năm. Nguyên khí của quốc gia này đã phục hồi nhanh chóng sau thế chiến thứ 2, mặc dù Đức là nước bại trận. Trong khi đó, chế độ tòan trị Lê Nin và Stalin tồn tại đến 70 năm làm tiêu diệt nguyên khí của dân Nga. Dân tộc Việt, qua 6 thập niên cũng tang thương không kém! Khác với Hitler, mọi người đã biết hậu quả khốc liệt của điều 4 hiến pháp. Đây chính là lúc tòan dân phải vùng lên để tiêu diệt độc tài và hủy bỏ điều 4 hiến pháp, hầu dọn đường cho một nền dân chủ chân chính trong tương lai.
Đà Giang

No comments:

Post a Comment