Sunday, July 29, 2012

Kinh Tế Trung Quốc có đáng sợ không?


Thứ Sáu ngày 27.07.2012 
Lời dẫn: Kinh tế Trung Quốc tuy phát triển cực mạnh nhưng hàm chứa nhiều khuyết điểm trầm trọng vì chế độ chính trị độc tài chuyên chế sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng, tác động sự sống còn của chế độ một ngày không xa. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề:"Kinh Tế Trung Quốc có đáng sợ không?" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
***
Kinh tế Trung Quốc có mạnh hay không? Nếu so sánh với Việt Nam thì họ rất mạnh. Mạnh không phải vì nước họ đông người hơn, nhưng vì dân họ làm việc nhiều, sản xuất nhiều hơn.

Ðiều đáng lo ngại nhất khi nói đến mối đe dọa của Trung cộng không phải là sức mạnh quân sự của họ, mà là sức mạnh kinh tế của họ so với dân nước ta. Hiện nay tính bình quân theo đầu người thì một người Trung Hoa giầu hơn một người Việt Nam. Trong khi đó thì họ vẫn làm việc nhiều hơn mình, càng ngày họ càng bỏ xa mình hơn.
Nhưng đó chỉ là so sánh giữa Trung Quốc với Việt Nam. Còn giữa Trung Quốc với các nước khác trên thế giới, họ vẫn là một nước "đang lên," và còn lâu mới lên theo kịp các nước khác.
Nhưng tình trạng yếu ớt của kinh tế Trung Quốc không phải chỉ nằm trong lợi tức theo đầu người. Nhược điểm tiềm tàng trong kinh tế Trung Quốc là nó phát triển không bền vững. Trước hết, đó là một nền kinh tế "không cân bằng," như chính Thủ Tướng Ôn Gia Bảo công nhận. Ở Trung Quốc chỉ có 34% GDP là cung cấp cho người dân tiêu thụ. Khi toàn dân sản xuất ra 100 đồng mà chỉ được tiêu dùng 34 đồng, thì số của còn lại được tạo ra rồi đi đâu? Phần lớn đi vào túi nhà nước.
Ðảng Cộng Sản Trung Hoa đem tiền đó đầu tư vào thứ chứng khoán được lãi nhất thế giới, là công trái của chính phủ Mỹ. Nghĩa là dân Trung Hoa nai lưng ra làm, cuối cùng dân Mỹ được hưởng. Vừa được mua hàng hóa rẻ vì lương công nhân bên Tàu thấp, lại được vay tiền với lãi suất rất thấp, để tiêu xài. Rút cuộc thì dân Trung Hoa đổ mồ hôi làm cho dân Mỹ hưởng! Dân Mỹ đã được nuông chiều, phóng tay đi vay nợ, rồi đi tới cảnh vỡ nợ tùm lum; đó là do họ tự chuốc họa. Nhiều nhà chính trị Mỹ còn đổ lỗi cho chính phủ Bắc Kinh đem cho dân nước họ vay nhiều quá!
Nhưng thực sự kinh tế Trung Quốc cũng không dựa trên xuất cảng để kéo dài tình trạng phát triển đến 9% hay 10% trong những năm qua. Yếu tố chính tạo ra tỷ lệ tăng trưởng đó là phần đầu tư. Phải làm gì cho số công nhân mất việc không tăng lên, gây bất ổn chính trị? Họ đã theo một chính sách từ mấy năm nay: Bỏ tiền ra đầu tư, tức là xây dựng thêm nhà cửa, đường sá, phi trường, các nhà máy mới, thiết bị mới, vân vân. Riêng số tiền bỏ ra đầu tư đó cũng tạo ra công việc làm và nâng con số tổng sản lượng nội địa lên, bù lại với con số xuống vì giảm bớt xuất cảng.
Nhưng số tiền đầu tư đó không đem lại lợi ích kinh tế thật sự cho người dân hưởng. Nhiều nhà cửa, cao ốc xây lên rồi bỏ trống. Nhiều nhà máy dựng lên rồi không kiếm được khách mua sản phẩm của mình. Ðại đa số các số tiền đầu tư được đổ vào hai nơi là các doanh nghiệp nhà nuớc và các chính quyền địa phương; tức là vào tay các đảng viên cộng sản. Trong khi đó các doanh nghiệp tư bị bỏ rơi, ai ngoi lên được thì sống, ai chìm thì cho chết đuối luôn.
Nhưng nhờ đâu mà họ có tiền đổ vào các vụ đầu tư phí phạm như vậy? Là vì đảng Cộng Sản có phép lạ bắt dân Trung Hoa góp tiền cho họ xài! Ðảng và Nhà nước làm chủ tất cả các ngân hàng quốc doanh lớn. Họ trả tiền lãi rất thấp cho người dân gửi tiền, nhưng người dân không có chỗ nào khác để gửi tiền, đành chịu. Các ngân hàng nhà nước đem tiền cho các xí nghiệp quốc doanh vay, nếu xí nghiệp không trả được thì đã có nhà nước bù cho. Ðó là một tổ chức cướp tiền tiết kiệm của dân một cách có hệ thống!
Cả nền kinh tế Trung Quốc trong mấy năm qua dựa trên "phép lạ" đầu tư chỉ để tiếp tục đầu tư thêm, nhờ thế vẫn chưa sụp đổ.
Ai cũng thấy tình trạng này không thể kéo dài được. Cho nên, những người Trung Hoa có tiền trong lục địa đã tìm đường thoát ra ngoài. Trước hết, đồng tiền biết chạy, mặc dù vẫn có lệnh cấm. Năm ngoái số tiền người Trung Hoa chuyển ra nước ngoài đã lên tới gần 600 tỷ đô la Mỹ.
Cho nên, chúng ta không nên ngộ nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc cứ thế mà lên, đè bẹp các nước khác. Bên trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc không có động cơ tạo sức phát triển bền vững mà trái lại còn chứa những trái bom nổ chậm không biết lúc nào nổ. Tất nhiên, trên đây là nói chuyện kinh tế Trung Quốc so với các nước khác. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc có những nhược điểm trong khi Việt Nam cũng sao chép giống hệt. Ðiều đáng lo cho nước mình là vì mình chỉ đi theo đuôi họ cho nên lúc nào cũng chậm chân hơn!
Như một nhà kinh doanh đã hoạt động tại cả Việt Nam lẫn bên Tàu nhận xét: Quan chức Trung Hoa họ có "ăn" nhưng cũng có "làm," vì trong hệ thống của họ đã đặt những tiêu chuẩn thăng thưởng dựa trên thành quả kinh tế. Còn ở Việt Nam thì các quan có "ăn" nhưng không cần làm vì việc thăng quan tiến chức hoàn toàn dựa trên liên hệ bè phái, không cần biết đến kết quả công việc làm. Một ông Nguyễn Tấn Dũng thâu tóm tất cả các tổng công ty nhà nước vào tay để phân phát cho tay chân, bè phái, tình trạng đó còn tệ hơn đám đầu sỏ ở Bắc Kinh! Nói "tệ hơn" nghĩa là nhũng lạm hơn, bất lực hơn, thua lỗ nhiều hơn, tài sản của dân bị thất thoát nhiều hơn. Bên Trung Quốc chưa có một vụ mất tiền nào tương đương với các vụ Vinashin và Vinalines ở Việt Nam cả!

No comments:

Post a Comment