Tuesday, July 17, 2012

Người dân hãy tự gỡ bỏ gánh nặng trên vai

Thứ Hai ngày 16.07.2012     
Lời dẫn: CSVN đang áp đặt trên đầu cổ dân ta, từ làng xã đến trung ương, một lực lượng cán bộ đảng viên lên đến 4 triệu và lực lượng công an lên đến 2 triệu. Hai thành phần này là khối ký sinh trùng, không mảy may đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Lật đổ CSVN đồng nghĩa với sự hủy diệt ký sinh trùng, giúp cho dân tộc vươn lên trong thiên niên kỷ mới. Xin quý thính giả nghe phần quan điểm của LLDTCNTQ qua giọng đọc của Hải Nguyên.
Trong mục Thời Sự trên Báo Nông Ngiệp Việt Nam ngày Thứ Ba, 26/07/2012 đăng bài có tựa đề " Rùng Mình xã có 500 cán bộ ở Thanh Hóa" của Phóng viên Hoàng Minh.
Câu chuyện tác giả đề cập thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Xã này có 15 thôn, 2000 hộ, 9500 dân. Tác giä cho biết ông Dư Văn Tâm, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân xã phải mất gần một tiếng đồng hồ mới kiểm kê hết danh sách cán bộ xã và thôn tại đây!
Sự kiện một đơn vị hành chánh có nhiều người chăm lo cho dân là một điều đại phúc, như tại xã Quảng Vinh này, cứ 4 hộ dân lại có một cán bộ phục vụ. Mới nghe người ta tưởng đó là thiên đường hạ giới. Nhưng than ôi, những thứ lê thê theo sau chữ "nhưng" khiến tác giả phải diễn tả cảm giác bằng từ "rùng mình".
Tại sao vậy? Thưa theo nghị định số 92/2009/NĐ-CP ấn định xã này thuộc diện loại 1, tức là có 25 cán bộ biên chế, và thêm tối đa 25 cán bộ bán chuyên trách, tức là thành phần nhà nước trả lương, còn các chức vụ khác thì ngân sách xã phải gánh chịu.
Tại Quảng Vinh chỉ có 23 cán bộ biên chế và 22 cán bộ chuyên trách, vị chi mới có 45 người. Ông Tâm cho biết thêm, trong xã còn 7 người làm phó các đoàn thể, cán bộ đài phát thanh, kế toán phụ, văn phòng đảng ủy...v.v .theo ông Tâm ở cấp trên có chức danh gì thì ở dưới cũng có các chức danh ấy xuống tận thôn. Do đó con số 500 cán bộ không có gì là lạ. Điều đáng nói ở đây là 450 cán bộ kia được trả lương, lương ấy do người dân trong xã phải gánh chịu.
Cũng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Hoàng Minh, Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng viết: "Ít ở đâu, đầy tớ (ý nói cán bộ và quan chức) của nhân dân lại nhiều như ở ta". Ông mỉa mai: "ngày nay ngoài các vị đầy tớ ở cấp xã, đầy tớ ở cấp tỉnh, và ở huyện quận, chưa kể đến thôn, bản, tổ dân phố, mà nước ta có 11,112 xã, 63 tỉnh, 698 huyện). Rồi ông kết luận: "nghịch lý vĩ đại nhất ở đây là càng nhiều đầy tớ, có vẻ như các ông chủ càng gặp nhiều khó khăn; vì đầy tớ có quyền quản lý, còn ông chủ chỉ là đối tượng bị quản lý. Càng nhiều đầy tớ thì càng phải có nhiều thứ cho họ quản lý. Càng có nhiều thứ cho họ quản lý, thì cáng có ít thứ mà các ông chủ không phải xin phép"! Nghĩa là thứ gì người dân cũng phải xin phép!
Điều oái oăm tại Quảng Vinh cũng như trong tòan tỉnh và cả nước, là người dân phải đóng góp nuôi cán bộ. Tại Quảng Vinh mỗi hộ dân phải trả chi phí đến 19 khoản, đã ghi sẵn trong sổ thanh toán, mỗi cuốn sổ cũng phải mua với giá 5 ngàn đồng.
Trong khi ngân sách cả xã thu chưa tới 400 triệu lấy đâu trả lương cho 500 cán bộ, mà dân trong xã đa số nghèo túng, ngày không đủ hai bữa cơm rau, trong khi mỗi cán bộ được hưởng 200 cân thóc một năm. Người dân không có tiền đóng thì xã qui ra thóc. Ông Tâm cho biết cứ làm được 5 tạ thóc thì phải đóng 1 tạ, đó là cách tính ở Quảng Vinh.
Chị Phạm thị Trâm ở đội 5. Nhà có 6 người, chỉ được 2 sào ruộng. Mỗi năm thu được 5 tạ thóc, mà phải đóng mất hơn một tạ. Hết xã thu, rồi đến thôn vét, hết tiền thủy lợi đến tiền diệt chuột, tiền bảo vệ...v.v. Người dân chạy tất bật để trả nợ xã thôn. Cụ Lê Quang Huy 89 tuổi hai cụ già không làm ruộng được, không có tiền đóng thì bị trừ thẳng vào tiền trợ cấp tại xã, mỗi tháng 180 ngàn để hai cụ khỏi phải đi lấy.
Cũng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 03 /07/2012 Ông Văn Chinh tỏ ra "hãi hùng" vì con số cán bộ nêu trên. Ông tưởng rằng cách đây 8 năm vấn đề tương tự tại xã Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa có 350 cán bộ sống bám vào dân đã được nêu lên, nên đinh ninh chính quyền đã lưu ý và cải tổ, nay không ngờ sự việc lại tệ hại hơn. Ông Văn Chinh giải thích: "Cứ 5 hộ, thì 4 hộ nuôi một hộ có cán bộ. Nhà có cán bộ không lớn bằng nhà Chủ Tịch Xã, nhưng chắc lớn hơn những hộ không có cán bộ. Làm cán bộ có nghĩa là lên trụ sở ngồi, có việc thì làm, không có việc thì ngồi chơi, nhưng làm hay ngồi chơi cũng phải uống chè. Mỗi tháng mỗi người dùng hết một lạng chè, 500 người hết 50kg, giá bây giờ cũng ngót chục triệu. Cái việc rõ nhất là cán bộ làm là họp, mà cứ họp là có đánh chén. Vậy cứ tính sơ sơ tiền chè, tiền đánh chén, tiền điện của 500 cán bộ nếu không hết chừng nửa tỉ đến ¾ tỷ thì cứ bắc kiềng trên lưng ông mà nấu nước cho họ uống". Ông quả quyết như vậy.
Ông Văn Chính cũng tỏ ra chua xót và mỉa mai: "sở dĩ không có những cải tổ là vì dựa vào hệ thống chính trị từ trên xuống, dưới dựa vào trên, trên cũng đông lắm sao không bớt mà bắt dưới bớt.... do đó cứ đà này thì từ 350 tăng lên 500, và tăng cho đến khi nhà nhà đều làm cán bộ cho nó công bằng"!
Qua gần 70 năm chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam, và 37 năm thống nhất đất nước, người dân hôm nay được gì? Những người đang nắm quyền hành nhìn thấy gì? Họ không thể tiếp tục ngụy biện và đỗ lỗi cho tổ chức này, thế lực khác làm cản trở sự phát triển của dân tộc, mà chính cái guồng máy cai trị cồng kềnh, nặng nề, ăn bám vào sức lao động của người dân đã kìm hãm bước tiến của dân tộc. Những bài phóng sự và góp ý trên báo Nông Nghiệp Việt Nam đã phản ảnh phần nào thực trạng bi đát Việt Nam hôm nay.
Trong giai đoạn cực thịnh của cộng sản, Mao Trạch Đông đã phát động cách mạng văn hóa nhằm triệt tiêu ảnh hưởng Khổng Tử, để thay thế bằng hình ảnh chính mình. Việt Nam cũng đưa Hồ Chí Minh lên hàng thần thánh. Ngày nay trào lưu dân chủ đang nở rộ trong các nước độc tài độc đảng, thì Trung Cộng và Việt Nam lại cố khôi phục tư tưởng Khổng Giáo, nhưng họ chỉ muốn áp dụng một vế "trung quân" là trung thành với đảng, mà cố tình quên đi cái vế thứ hai mà Mạnh tử đã tóm tắt: "dân ví quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Trong xã hội thì người dân là quí, chính quyền chỉ là công cụ để phục vụ phúc lợi người dân. Vì vậy người dân hãy mạnh dạn gỡ bỏ cái gánh nặng trên vai, đòi lại quyền làm chủ đất nước để quyết định lấy vận mệnh cho chính mình.
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment