30 ngư dân Quảng Ngãi về được đến nhà
Tất cả 30 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ đã về được đến
nhà, nhưng 3 chiếc tàu cá cùng ngư cụ và hải sản đánh bắt trị giá hơn
4,1 tỉ đồng đã bị Trung Quốc tịch thu.
Ông Lục Nghĩa Minh, chủ tàu cá kể lại rằng vào khoảng 8 giờ sáng thứ
sáu mùng 6 tháng 7, trong khi ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng
Sa, một chiếc tàu của lực lượng kiểm ngư Trung Quốc màu trắng, mang số
hiệu 302 với khoảng 20 nhân viên mặc nhiều loại sắc phục chạy về phía
tàu của ngư dân Việt Nam. Sau đó, 3 nhân viên trang bị dùi cui điện và
còng tay dùng ca nô lao đến bắt ngư dân Nguyễn Hữu Tài đưa sang tàu kiểm
ngư. Ông Minh và người em trai bị bắt lái 2 tàu cá đến đảo Hải Nam. Hai
tàu cá khác gần đó cũng bị khống chế tương tự. Tất cả ngư dân Việt Nam
bị nhốt chung một phòng và đến tối thì được cho ra ngoài ngủ dưới sự
canh gát nghiêm ngặt. Ngư dân Võ Xin cho biết tàu cá Trung Quốc thường
xuyên thả lưới trong khu vực biển Hoàng Sa, thậm chí vào gần khu vực đảo
Cồn Cỏ, Quảng Bình với loại tàu cá to gấp rưỡi tàu của ngư dân Việt
Nam. Họ thường dàn hàng ngang và đi từng đoàn khoảng 70 đến 80 tàu cá,
có khi lên đến hơn 100 chiếc. Tàu cá Trung Quốc thường xua đuổi khi gặp
ngư dân Việt Nam. Hiện nay tình cảnh của ngư dân Quảng Ngãi thật bi đát
khi tàu cá bị tịch thu, nợ nần chồng chất, không có phương tiện mưu
sinh. Ngư dân Trần Minh Khiêm hy vọng "Nếu được vay tiền để tiếp tục
đánh bắt, chúng tôi mới hy vọng trả hết nợ".
Quan chức Bình Thuận không biết công ty Trung Quốc mua đất
Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận khẳng định không có chuyện
bán đất cho người Trung Quốc và chỉ đạo kiểm tra xử lý vụ việc. Ông
Nguyễn Thanh Đạt, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc cho biết
chỉ nghe nói đến chuyện công ty TNHH Nguyên Long Sơn, thuộc tập đoàn
Nguyên Hinh - Trung Quốc mua hơn 100 hécta đất nông nghiệp tại 2 xã Hàm
Chính và Hàm Đức để xây nhà máy và trồng cây thanh long. Ông Nguyễn
Thanh Đạt xác nhận công ty này chưa bao giờ liên lạc với ủy ban nhân dân
huyện để xin mua đất. Ngoài ra đây là công ty có người nước ngoài nên
phải do ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết. Được biết vào đầu tuần này,
báo chí trong nước đưa tin một công ty của Trung Quốc đã ký hợp
đồng mua 100 hécta đất nông nghiệp tại xã Hàm Chính từ năm 2011 từ ông
Phạm Phú Thạnh.
Trong khi đó tại Phan Thiết, thương lái Trung Quốc còn nợ 21 hộ thu
mua cá cơm 33 tỉ đồng về số cá bán ra từ năm 2008 đến 2010. Lái buôn
Trung Quốc từng quỵt nợ các hộ kinh doanh cá cơm đến 7 tỉ đồng trong đó
có ông Nguyễn Thanh Toàn đã phải phá sản khi bị giật nợ 1,2 tỉ đồng vào
năm 2010.
Nhật phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền
Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại
Tokyo hôm thứ Tư 11 tháng 7 để phản đối việc 3 tàu tuần tra Trung
Quốc đã đi vào vùng biển đảo Senkaku thuộc chủ quyền Nhật Bản.
Các tàu Trung Quốc lúc đầu từ chối rời khỏi khu vực tranh chấp theo lời
yêu cầu của tuần duyên Nhật Bản. Thủy thủ Trung Quốc còn tuyên bố
"Chúng tôi đang thực thi nhiệm vụ chính thức trong vùng biển
của Trung Quốc. Yêu cầu không can thiệp. Hãy rời khỏi lãnh hải
của Trung Quốc". Tuy nhiên sau đó các tàu tuần tra Trung Quốc đã rút
khỏi vùng biển đảo Senkaku. Mới đây, một quan chức ngoại giao Hoa Kỳ
cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của Hiệp
ước an ninh Mỹ-Nhật năm 1960 mà theo đó Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo
vệ Nhật khi có chiến tranh. Trong cuộc họp với Trung Quốc tại Cam Bốt,
ngoại trưởng Clinton sẽ cố gắng cân bằng lợi ích của các nước đồng minh
như Nhật Bản và Phi Luật Tân với mối quan hệ giữa Bắc Kinh và
Washington. Bà Clinton đang thúc đẩy việc thoả thuận quy tắc ứng xử tại
Biển Đông.
Đại sứ Syria tại Iraq từ chức để tham gia phe chống chế độ Assad
Đại sứ Nawaf Fares đã đào thoát từ chế độ Assad và tuyên bố từ chức
trên đài truyền hình al-Jazeera vào hôm thứ Tư để tham gia phe đối lập.
ông Fares từng là thống đốc của ba tỉnh tại Syria trong thập niên trước
năm 2008 khi được bổ nhiệm làm đại sứ tại Iraq. Vào thứ năm tuần trước,
tướng Manaf Tlass, một người bạn tâm giao của tổng thống Syria cũng đã
đào thoát và tham gia phe phiến quân. Những vụ đào tẩu của các quan chức
trong chế độ Assad đang trở thành một đề tài tranh luận giữa các phe
đối lập. Ông Tlass, con trai của một cựu bộ trưởng quốc phòng, sau khi
chạy trốn khỏi Syria, đã trở thành một người đối lập sáng giá có thể lên
nắm chính quyền chuyển tiếp tại Syria. Tuy nhiên, nhiều người trong phe
đối lập cho rằng ông Tlass không thể lên cầm quyền vì mối quan hệ mật
thiết giữa gia đình Tlass và chế độ Assad.
No comments:
Post a Comment