Tuesday, July 17, 2012

Phỏng vấn Ông Trần Bình Nam


Phỏng vấn Ông Trần Bình Nam

Về Luật Bảo Hiểm Sức Khỏe tại Hoa Kỳ

Thứ Ba ngày 17.07.2012     
ĐLSN: Cuối tháng trước vào ngày 28 tháng 6 Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ phán quyết tối hậu về tính cách hợp hiến hay vi hiến của Luật Bảo hiểm Sức khỏe Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và tổng thống Obama ký ban hành ngày 23 tháng 3 năm 2010.
Thưa ông vụ kiện này như thế nào, ai đứng đơn kiện và tại sao người ta lại kiện
TBN: Cám ơn Hải Sơn của đài ĐLSN. Hân hạnh được gặp lại ông trên làn sóng này.
Vụ kiện liên quan đến hiến pháp này do nhiều tiểu bang đứng đơn kiện với hai lý do: (1) Các tiểu bang cho rằng điều khoản buộc mọi công dân phải mua bảo hiểm vi phạm quyền tự do mua gì hay không mua gì của người dân, (2) Và điều khoản buộc các tiểu bang nới rộng chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicaid (một chương trình chung của tiểu bang và liên bang dành cho người lợi tức thấp) ra cho một thành phần có lợi tức cao hơn một chút nếu không sẽ bị mất tiền trợ cấp của liên bang. Các tiểu bang cho rằng điều khoản này vi hiến vì áp đặt quyền của liên bang lên tiểu bang.

ĐLSN: Bảo hiểm sức khỏe đại chúng là một quan niệm phổ biến trên thế giới từ Âu sang Á . Thế sao tại Hoa Kỳ khi nào nói đến một chương trình bảo hiểm sức khỏe cho mọi công dân thì cũng có một thành phần đông đảo phản đối ?
TBN: Cuộc tranh luận về bảo hiểm sức khỏe là một nét đặc biệt tại Hoa Kỳ. Đúng như Hải Sơn nói, trong khi hầu hết các nước tiến bộ trên thế giới (Tây Âu, Canada, Úc châu) đều cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho mọi người dân thì tại Hoa Kỳ chính phủ chỉ bảo hiểm sức khỏe cho người cao niên, người tàn tật, người thật nghèo. Đa số gia đình người có công ăn việc làm vững chắc thì được hãng xưởng và công sở trả một phần mua bảo hiểm. Phần còn lại phải tự mua bảo hiểm của các hãng bảo hiểm tư nhân. Ai không đủ sức mua thì chịu vậy. Tình trạng này làm cho khỏang 50 triệu người Mỹ sống không có bảo hiểm sức khỏe.
Lý do:
Tại Hoa Kỳ y tế nằm trong tay tư nhân (tập đòan bác sĩ, hãng bảo hiểm, bệnh viện ...). Các tập đoàn này do lợi nhuận nên giúp phát huy kỹ thuật y khoa và chữa trị làm cho Hoa Kỳ trở thành quốc gia có khả năng y khoa cao nhất nhưng cũng mắc mỏ nhất trên thế giới. Trong khi tại các nước Tây phương khác y tế nằm trong tay chính phủ nên các tập đoàn nói trên không có cơ hội hưởng lợi. Tiến bộ y khoa do đó chậm hơn tại Hoa Kỳ. Và đó là then chốt tại sao một số người Mỹ (những người có phương tiện và có cơ hội có bảo hiểm dễ dàng) không thích chế độ săn sóc sức khỏe có tính đại chúng của các nước Tây phương khác.
Một số nhà lãnh đạo Mỹ (thuộc khuynh hướng Dân chủ) muốn thay đổi tình trạng săn sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ để phục vụ quyền lợi của đại chúng nhưng thường gặp sự chống đối của thành phần thuộc khuynh hướng Cộng hòa, hoặc thuộc các tập đoàn có lợi như tập đoàn bác sĩ, tập đòan bán bảo hiểm và các bệnh viện.
Gần nhất là nỗ lực của tổng thống Bill Clinton trong thập niên 1990. Nhưng vừa mới mới manh nha, tổng thống Clinton đã bị các tập đoàn quyền lợi vây đánh tơi bời phải bỏ cuộc. Tổng thống Obama may mắn hơn. Năm 2008 ông ra tranh cử với lập trường thiết lập bảo hiểm sức khỏe cho mọi người dân. Và khi ông đắc cử, đảng Dân chủ của ông cũng thắng luôn tại hai viện quốc hội. Nhờ cơ hội đó, quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm Sức khỏe đầu năm 2010. Luật đã thông qua không có một phiếu nào của dân biểu Cộng hòa tạo ra một không khí phe phái căng thẳng trong xã hội. Không khí phe phái làm xuất hiện đảng Tea Party cực hữu giúp đảng Cộng Hòa lấy lại đa số tại Hạ nghị viện trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm 2010.
ĐLSN: Từ khi các thẩm phán TCPV nghe và trao đổi ý kiến của luật sư chính phủ về quan điểm Hiến pháp của bộ luật Cải tổ Bảo hiểm sức khỏe trong tháng 3 vừa cho đến ngày TCPV công bố phán quyết dư luận tại Hoa Kỳ tháng 6 vừa rồi dư luân tại Hoa Kỳ đều nghĩ rằng TCPV sẽ bãi bỏ bộ luật cho rằng vi hiện. Nhưng phán quyết không phải như vậy . Ông có ngạc nhiên về phán quyết này không ?
TBN: Nô.i dung phán quyết của TCPV gồm 2 ý chính:
1. Thứ nhất: Luật Bảo hiểm Sức khỏe buộc mua bảo hiểm là hợp hiến.
2. Thứ hai: Phần luật buộc các tiểu bang phải nới chương trình Medicaid cho nhiều người được bảo hiểm hơn nếu không sẽ mất tiền trợ cấp của liên bang thì Tối Cao Pháp viện phán quyết là vi hiến vì xâm phạm đến quyền của các tiểu bang.
Tôi không ngạc nhiên trước phán quyết của TCPV, nhưng ngạc nhiên ở chỗ ông Chánh thẩm John Roberts, một người bảo thủ tức thành phần chống Luật Bảo Hiểm là người đã tuyên bố Luật Bảo Hiểm hợp hiến.
Vì ai cũng nghĩ phiếu quyết định là của thẩm phán Anthony Kennedy, một vị thẩm phán có lập trường trung dung. Nhưng lần này thẩm phán Kennedy quyết liệt chống Luật Bảo Hiểm cho là vi hiến . Trong khi Chánh thẩm John Roberts cho là hợp hiến
ĐLSN: Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông ?
TBN: Có hai ý nghĩa:
Thứ nhất quan niệm Tòa án là định chế độc lập với hành pháp, và các thẩm phán TCPV không bị áp lực bởi dư luận để họ có tự do và lương tâm trong sáng bảo vệ công lý là một quan niệm căn bản cho một nền dân chủ .
Thứ hai ông chánh thẩm John Roberts đã làm một quyết định bất ngờ . Ông chứng tỏ rằng tinh thần luật pháp và sự việc phải trái phải ở trên ý thích riêng của ông. Ông đã đứng về phía đông đảo quần chúng(nhưng thấp cổ bé miệng) cứu một đạo luật mà sự tháo bỏ nó không làm cho nền dân chủ của Hoa kỳ chói sáng .
ĐLSN: Để kết thúc buổi phỏng vấn này ông có bình luận gì thêm không?
TBN: Cám ơn ký giả Hải Sơn. Nếu thì giờ cho phép thì tôi muốn thêm vào đây ý kiến của giáo sư Laurence Tribe, người đã dạy luật cho cả hai sinh viên Obama và Roberts tại đại học Harvard. Trong một bài báo viết trên tờ tuần báo Newsweek số ngày 16/7 ông viết: "Hai sinh viên của tôi, một người chủ trương chính trị phóng khoáng, một người chủ trương bảo thủ. Nhưng bằng tinh thần thực tiển và không phản bội nguyên tắc họ đã có thể gíup nhau hoàn thành những điều tốt đẹp cho đất nước. Chính sự tôn trọng nguyên tắc trong tinh thần thực tiển đã giúp cho Hoa Kỳ vượt qua mọi khó khăn và trở thành một quốcgia có những nét đặc thù của nó"

No comments:

Post a Comment