5 Ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài tấn công
Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau cho hay 2 tàu cá Việt Nam bất ngờ bị một tàu nước ngoài đuổi bắn khiến 5 ngư dân bị trọng thương. Được biết 11 ngư dân Việt Nam bị tấn công vào hôm thứ ba 17 tháng 7 khi đang đánh cá từ 2 chiếc tàu trong khu vực Vịnh Thái Lan.
Trong cuộc phỏng vấn của BBC, ông Lưu Văn Sơn, chính ủy bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết những viên đạn bắn vào các nạn nhân là loại đạn ria, dùng cho các loại súng bắn cá. Hiện nay 5 ngư dân bị thương nặng đã qua cơn nguy kịch sau khi được cấp cứu tại bệnh viện trên đảo Phú Quốc. Các ngư dân cho rằng tàu nước ngoài tấn công họ là của Thái Lan. Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau đang tiến hành cuộc điều tra để sớm công bố kết quả đến ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.
Hơn 20 cựu chiến binh kéo về Hà Nội đòi đất đai
Sáng thứ năm 19 tháng 7, hơn 20 cựu chiến binh huyện Quốc Oai đã bỏ tiền thuê xe đến Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà nội để yêu cầu gặp lãnh đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai chia cho cựu chiến binh. Được biết bắt đầu từ năm 2002, khi hỏi về chính sách đất đai cho thương binh, bộ đội xuất ngũ thì các cựu chiến binh mới biết đến quyền được chia đất để làm ruộng sau khi giải ngũ. Ngày mùng 4 tháng 5 năm 2011, phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh đã ký văn bản giao cho xã Yên sơn, huyện Quốc Oai có trách nhiệm giao đất theo đúng quy trình pháp luật, nhưng cho đến nay cựu chiến binh chưa nhận được đất làm ruộng. Quan chức tại huyện Quốc Oai đã viện dẫn những qui định trái luật để không giao đất khiến các cựu chiến binh bất bình, được báo chí nhiều lần nhắc đến. Các cựu chiến binh đã về Hà Nội để đòi cho được mảnh đất làm nơi kiếm sống nuôi gia đình với những bộ đồ lính, mũ bộ đội, ba lô trên vai như thời chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc.
400 nông dân Văn Giang tiếp tục đòi gặp bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường
Khoảng 400 nông dân Văn Giang đã tiếp tục đến bộ Tài Nguyên Môi Trường tại số 10 Tôn Thất Thuyết vào sáng thứ năm 19 tháng 7 để đòi gặp ông bộ trưởng Quang theo như lời hứa của ông trong kỳ họp quốc hội liên quan đến vấn đề cưỡng chế đất đai tại Văn giang. Được biết, đây là lần yêu cầu thứ 3 kể từ khi ông Quang hứa sẽ đối thoại với nông dân Văn giang để giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai. Tuần trước, nông dân Văn Giang cũng kéo đến bộ Tài Nguyên Môi Trường và chờ cả ngày nhưng chưa được ông Quang tiếp đón. Khi nông dân trở về nhà thì đám côn đồ của dự án Ecopark đã vào tận nhà đánh đập khiến nhiều người bị thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hiện nay công an từ Hà Nội đang có mặt tại Hưng Yên để điều tra, truy nã gần 20 người bị cáo buộc tham gia vào cuộc đàn áp.
Nhà báo Trung quốc phản đối thành lập Thành Phố Tam Sa
Theo Saigon News, biên tập viên kỳ cựu Chu Phương của Tân Hoa Xã cực lực phản đối chính sách dùng vũ lực tại Biển Đông và đòi xóa bỏ cái gọi là "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc. Nhà báo Chu Phương sinh năm 1960, tốt nghiệp cử nhân Anh Văn năm 1982, thạc sỹ Báo Chí Truyền Thông năm 1989, và từ 1989 đến nay là biên tập viên trong ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa Xã. Ông là một nhân vật nổi tiếng có quan điểm thẳng thắn trong làng báo Trung Quốc. Vào thứ ba 17 tháng 7, ông viết bài "Hiện trạng Nam Hải, tức Biển Đông, có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc". Qua bài viết này, ông cho rằng "Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra "thành phố Tam Sa" là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải lật bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế... Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải. Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước ta cũng không giải thích rõ được". Được biết trước đó, vào ngày 29 tháng 6, ông Chu Phương cũng viết bài: "Thiết lập "thành phố Tam Sa" là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!".
Thủ tướng Nam Phi cảnh báo quan hệ thương mại với Trung Quốc
Ngay sau khi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố cho Châu Phi vay 20 tỉ mỹ kim trong vòng 3 năm tới, thủ tướng Nam Phi Jacob Zuma đã cảnh báo rằng quan hệ thương mại giữa Châu Phi và Trung Quốc khó bền vững lâu dài. Từ Bắc Kinh, thủ tướng Zuma nói với tờ Financial Times rằng "Châu Phi đã giữ lời cam kết cho sự phát triển của Trung Quốc qua việc cung cấp nguyên liệu thô, các sản phẩm khác, và chuyển giao công nghệ. Nhưng mô hình thương mại này sẽ không bền vững lâu dài vì qua kinh nghiệm quan hệ kinh tế với Châu Âu, điều cần nhất là phải thận trọng khi có quan hệ đối tác với một nền kinh tế khác". Hiện nay các công ty Trung Quốc bị chỉ trích xâm phạm luật lao động và môi trường tại Châu Phi. Trong năm 2010, các nhân viên an ninh tại một công ty khai thác mỏ của Trung Quốc đã bắn cả chục người đào mỏ tại Zambia. Ngoài ra, người Châu Phi cũng phản đối các công ty Trung Quốc đưa theo công nhân người Trung Quốc, và những hoạt động doanh thương không mang đến thêm việc làm hoặc được lương khá hơn cho người bản xứ.
No comments:
Post a Comment