Thứ Sáu ngày 06.07.2012
Lời dẫn: Đạo đức giả là nghề chuyên môn của các lãnh tụ CSVN. Khi đọc báo chí nhà nước, người dân phải chấp nhận nhiều điều chướng tai gai mắt. Điển hình là trò làm ra vẻ dân chủ của trùm CS là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đùa giỡn trên sự tủi nhục của 90 triệu dân Việt đang rên xiết dưới độc tài toàn trị. Để tiếp nối chương trình hôm nay mời quý thính giả theo dõi bài bình luận của Đà Giang với tựa đề Trương Tấn Sang và tội làm nhục người khác theo điều 121 Bộ Luật Hình Sự, qua giọng đọc của Vân Khanh.
Khi đọc báo chí của đảng và nhà nước CSVN người dân gặp cảnh cười ra nước mắt là chuyện thường, vì ai cũng biết dân ta đang sống dưới chế độ toàn trị nên đôi khi gặp phải những cảnh "chướng tai gai mắt" khó kềm lòng được.
Chẳng hạn vào ngày 25/6 vừa qua, báo Vietnamnet đã đăng một bài viết của Quốc Thái, có tựa đề thật kêu như: "Chủ tịch nước muốn cử tri nói thẳng dù mất lòng". Báo này cho biết, ông Trương Tấn Sang đã "ra lệnh" cho cử tri trước đó trên báo Tuổi Trẻ, rằng ông muốn nghe sự thật chứ không phải những lời hoa mỹ. Tuy nhiên ông ta đã hoàn toàn thất vọng, vì các cử tri vẫn "ngoan cố" nói toàn những chuyện đại khái, mà không đi thẳng vào vấn đề ở mức độ ông mong muốn. Ông Sang tâm sự là: "... có một số cử tri khi gặp riêng thì nói rất thẳng, nhưng khi Đảng và nhà nước yêu cầu thì lại không dám nói".
Ông nói thêm: "Chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi để cho dân và đảng viên sợ, nhưng mặt khác, đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình, không thể thụ động. Tại sao người khác nói mà mình không dám nói? Phải nói để sáng rõ và có một chân lý. Biết mà không nói là có lỗi rất lớn, nếu là dân thì có lỗi với đất nước, đảng viên thì có lỗi với Đảng. Nếu tất cả chúng ta sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao?....".
Ông Trương Tấn Sang là Chủ tịch nước. Trên nguyên tắc đây là chức vụ cao hơn cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, dưới tay của ông có 4 triệu đảng viên giữ các chức vụ quan trọng từ hành pháp, lập pháp đến tư pháp. Có quân đội mang tiếng là của nhân dân, nhưng chỉ trung thành với đảng. Ngòai ra còn có 2 triệu công an, lúc nào cũng chực chờ tống giam bất cử kẻ nào dám nói thật, mà chẳng cần toà án nào xét xử cho tốn công. Số tướng công an dưới tay ông Sang còn đông hơn các tướng lãnh và công an của các quốc gia có dân số cao hơn Việt Nam gấp bội.
Những cử tri nào dám nói thẳng, nói thật hiện nay đã và đang bị rục xương trong tù, bị quản thúc tại gia, bị công an liên kết với côn đồ để hành hung và gây khó dễ từng giờ. Những người bất đồng chính kiến như: Ts. Cù Huy Hà Vũ, Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Lm. Nguyễn Văn Lý, Ls. Lê Quốc Quân, Ls. Lê Thị Công Nhân, cùng biết bao cử tri khác đã dám nói lên sự thật. Đó là chỉ có thể huỷ bỏ điều 4 hiến pháp, dân chủ thực sự, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, thực thi pháp trị, tuân thủ nhân quyền và dân quyền do Liên Hiệp Quốc quy định thì mới mong quy tụ được lòng dân. Một mặt chống ngoại xâm, mặt khác diệt trừ tệ nạn tham nhũng tận gốc. Ông Sang đương nhiên biết rõ tại sao dân chúng không dám nói lên sự thật, thế mà ông còn gỉa vờ trách cứ dạy dỗ dân chúng là: "biết mà không nói là có lỗi rất lớn" . Vậy coi như "dân có lỗi với đất nước", còn ông và tập đoàn lãnh đạo CSVN thì không có lỗi gì! Trương Tấn Sang quả nhiên đã khinh thường quá mức nhân phẩm của người dân Việt!
Ngày xưa dưới thời quân chủ chuyên chế và phong kiến có tội "khi quân". Tội này bị lãnh án tử hình hay tru di cửu tộc. Ngày nay đối với những kẻ độc tài tự thị, khinh thường sự thông minh của dân chúng như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, câu hỏi đặt ra là Bộ Luật Hình Sự của CSVN có đề cập đến tội danh này không?
Mở Bộ Luật Hình Sự của chính quyền CSVN, Điều 121 ghi rõ về: "Tội làm nhục người khác" như sau:
1) Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm như:
• Phạm tội nhiều lần;
• Phạm tội đối với nhiều người;
• Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
• Phạm tội đối với người thi hành công vụ;
• Phạm tội đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3) Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bộ luật này được sao chép từ ý niệm về luật mạ lỵ (defamation laws) của các nước dân chủ. Tuy nhiên, phần lớn các nước dân chủ sử dụng luật này như là luật có tính dân sự (civil laws), và hình phạt chỉ là sự bồi thường tài chánh giữa các phe tranh tụng. Trong khi đó, CSVN lại cố tình sử dụng nó như là luật có tính hình sự (criminal laws), mục đích là đàn áp quyền tự do ngôn luận của giới bất đồng chính kiến với chế độ.
Vì thiếu kinh nghiệm viết luật chuyên nghiệp, nên "gậy ông lại đập lưng ông". Có thể kết luận rằng, dưới ngôn từ lỏng lẻo của sắc luật hiện hành thì bị cáo Trương Tấn Sang đã phạm tội: "xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự của cử tri". Ông ta phải bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm, vì phạm tội nhiều lần (trên các báo như Vietnamnet và Tuổi Trẻ) đối với nhiều người (tại quận 1 và quận 4). Lợi dụng chức vụ và quyền hạn (vì bị can làm chủ tịch nước, mới lớn lối ngang tàng như vậy). Ngoài ra, Trương Tấn Sang còn phải bị cấm làm chủ tịch nước từ 1 năm đến 5 năm nữa. Dựa theo hiến pháp và luật pháp hiện hành thì: "Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất".
Tại sao Viện Trưởng Nguyễn Hoà Bình vẫn còn chần chừ chưa khởi tố ông Sang? Nguyên do vì dưới chế độ toàn trị không có tam quyền phân lập nghiêm chỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ là một công cụ ngoan ngoãn trong tay đảng CSVN. Đối tượng kiểm sát của viện là nhân dân, chứ không phải là ông Sang hay các quan chức khác trong đảng.
Đã đến lúc toàn dân Việt đứng lên đạp đổ chế độ bạo quyền CSVN để xây dựng một nền dân chủ chân chính cho đất nước, tận diệt tham nhũng và chận đứng ngoại xâm để dân ta không còn gặp phải những cảnh tượng chướng tai gai mắt nữa!
Đà Giang
1/7/2012
No comments:
Post a Comment