Công an đến văn phòng luật sư Lê Quốc Quân gây hấn
Khoảng 10 giờ 45 sáng thứ bẩy 14 tháng 7, công an Hà Nội đã đến văn phòng luật sư Lê Quốc Quân tại Nam Trung Yên, Cầu Giấy, gây hấn và tìm cách ép buộc ông về đồn làm việc về tội gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, bạn bè người thân đã nhanh chóng đến trợ giúp luật sư Quân nên công an không áp giải được ông. Đến 1 giờ 30 chiều trên Facebook của luật sư Lê Quốc Quân, dân mạng nhận được tin luật sư Quân đã về đến nhà bình an, cùng những lời cảm tạ bạn bè thân hữu đã quan tâm theo dõi và trực tiếp hỗ trợ ngay tại văn phòng sáng nay. Được biết, vào tối thứ sáu 13 tháng 7, ủy ban nhân dân phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã tổ chức họp tổ dân phố 64 để đấu tố luật sư Lê Quốc Quân. Một số cư dân bày tỏ nhận định về luật sư Quân như trả lời một bài học thuộc lòng. Họ không cần thấy sự vô lý khi để nghị quản lý, giáo dục luật sư Lê Quốc Quân về hành vi vi phạm quy định pháp luật khi luật sư Quân tham gia biểu tình ủng hộ Luật Biển do quốc hội Việt Nam thông qua. Việc chụp mũ những người như luật sư Lê Quốc Quân tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược với tội danh "gây rối trật tự công cộng" là dấu hiệu nhà cầm quyền Hà Nội đang tìm cách ngăn chặn lòng yêu nước của người dân đối với tiền đồ dân tộc.
Chủ tịch Uỳ Ban Nhân Dân Hà Nội cáo buộc người biểu tình chống Trung Quốc
Ông Nguyễn Thế Thảo tuyên bố tại buổi bế mạc hội đồng nhân dân vào chiều thứ Sáu 13 tháng 7 rằng đa số những người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo là người khiếu kiện đất đai, bị lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự. Ông Thảo đổ thừa các thế lực thù địch kích động người khiếu kiện biểu tình gây áp lực với nhà cầm quyền. Trong chiều hướng ngăn chặn biểu tình, ông Thảo kêu gọi cán bộ các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động người dân không xuống đường, tụ tập biểu tình. Được biết, người tham gia biểu tình tại Hà Nội vào hai chủ nhật vừa qua đã hẹn nhau trở lại biểu tình tiếp trên các đường phố trung tâm Hà Nội vào sáng chủ nhật hôm nay. Gần đây Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc cho 30 tàu cá từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, đổ xuống Trường Sa đánh bắt cá trong vòng 20 ngày. Hiện nay Trung Quốc vẫn áp dụng lệnh cấm đánh cá kéo dài hai tháng rưỡi cho tới mùng 1 tháng 8 tại vùng Biển Đông. Trong khi đó, bộ quốc phòng Trung Quốc xác nhận tin một tàu khu trục đã mắc cạn gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa trong lúc tuần tra tại biển Đông.
Nữ tỉnh trưởng A Phú Hãn Safi và dân biểu Samangani bị bọn khủng bố sát hại
Bà Hanifa Safi, nữ chính trị gia nổi tiếng tại A Phú Hãn đã chết tại chỗ khi quả bom gắn trong xe của gia đình bà nổ tung lúc xe mới rời khỏi nhà tại tỉnh Laghman, miền Đông A Phú Hãn. Chồng bà và người con gái đều bị thương. Tỉnh trưởng Hanifa Safi còn là một bộ trưởng trong nội các tranh đấu cho quyền phụ nữ thường bị các nhóm quá khích tại A Phú Hãn chỉ trích vì không đội khăn phủ đầu. Vào năm 2006, bà Safia Ama Jan, người đứng đầu ngành phụ nữ tại Kandahar đã bị bắn chết bởi phiến quân Taliban. Cho đến nay chưa thấy nhóm nào tuyên bố chủ mưu vụ gài bom này. Một ngày sau đó tại tỉnh Samangan, miền Bắc A Phú Hãn, dân biểu Ahmad Khan Samangani đã bị giết chết từ vụ nổ bom tự sát trong đám cưới con gái ông ta vào thứ bẩy có khoảng 100 khách tham dự. Được biết tên khủng bố đã giả làm khách tiệc cưới, mang bom đến ôm lấy ông Samangani, gây thiệt mạng ít nhất 20 người và khoảng 40 người khác bị thương. Dân biểu Samangani là người thân cận với tổng thống Hamid Karzai, được coi là một chính trị gia có nhiều ảnh hưởng tại A Phú Hãn.
Phi Luật Tân yêu cầu Trung Quốc xác định vai trò tàu chiến trong vùng Biển Đông
Phát ngôn nhân bộ quốc phòng Phi Peter Paul Galvez cho biết đang yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh xác định vai trò của 6 tàu Trung Quốc đang có mặt gần nơi tàu chiến mắc cạn sau khi máy bay quân sự Phi phát hiện các chiếc tàu này vào thứ bảy 14 tháng 7. Hiện nay chiếc tàu khu trục Trung Quốc đang mắc kẹt gần bãi Trăng Khuyết cách đảo Palawan của Phi khoảng 110 cây số. Cùng lúc đó ông Raul Hernandez, phát ngôn nhân chính quyền Manila cũng muốn Trung Quốc giải thích lý do tàu khu trục mắc kẹt trong lãnh thổ của Phi. Ông Hernandez đã thông báo đến tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila về việc hải quân Phi sẵn sàng giúp tàu bị nạn. Chuẩn tướng Elmer Amon, chỉ huy phó sư đoàn miền Tây cho biết các tàu tuần duyên Phi đang có mặt gần nơi tàu bị nạn để sẵn sàng cứu giúp. Tướng Amon xác nhận vùng tàu mắc cạn mà Phi gọi là Hasa Hasa nằm trong lãnh thổ của Manila.
No comments:
Post a Comment