Saturday, July 14, 2012

Đúng là báo chí cách mạng


Thứ Năm ngày 12.07.2012     

Ngày 21/6/2012, các cấp đảng, nhà nước và các cấp Hội nhà báo, các cơ quan báo chí long trọng, phấn khởi và rầm rộ tổ chức mừng ngày báo chí cách mạng Việt Nam tròn 87 năm. Tối 21/6, điểm nhấn của ngày kỷ niệm quan trọng đó là chương trình trao giải báo chí quốc gia tại Hà Nội.
Cũng lạ, rất nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cơ quan, trường học, khi tổ chức kỷ niệm hình thành/thành lập, lâu nay, thường cố ý đẩy lùi thời gian về phía quá khứ, vượt qua những cái mốc 1945, 1954, 1975... để có tuổi đời cao hơn. Độ dài được đẩy lùi có thể thuộc vào thời kỳ thực dân đế quốc hoặc ngụy quyền Sài Gòn cũng được. Thậm chí, như Ngày Nhà giáo Việt Nam, vừa lấy ngày 20/11 của thế giới, vừa kỷ niệm truyền thống nhà giáo cả từ thời Vua Hùng. Cách làm ấy rộ lên từ thời "đổi mới", khiến người ta thấy có cảm giác mềm hơn về cách đối xử/đánh giá lịch sử trong tinh thần trân trọng quá khứ, hòa hợp hòa giải dân tộc. Chỉ có báo chí, lịch sử từ Gia Định báo năm 1865 xem như bỏ đi và lấy ngày 21/6/1925 để chỉ kỷ niệm báo chí "cách mạng". Dĩ nhiên, sau ngày 21/6/1925 ấy, vẫn có rất nhiều báo chí khác "không cách mạng", do tư nhân làm, cũng có thể có lợi cho cách mạng, nhưng không được kể đến. Trên mặt trận này, đảng kiên trì khái niệm "báo chí cách mạng", với hàm nghĩa chỉ là các loại hình và sản phẩm báo chí do đảng lãnh đạo, khởi xướng, thành lập và quản lý, nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng, là báo chí của đảng.
Trong ngày kỷ niệm, người ta nói nhiều đến những từ nhà báo dấn thân, tính chân thật, sự thật, sức hấp dẫn như là những biểu hiện giá trị phổ quát của hoạt động xã hội đặc thù này. Riêng với cụm từ "nhà báo dấn thân", khi được xướng lên tạo cảm xúc về một cái gì đó rất lãng mạn, giống như cái thời triết học hiện sinh và phong trào hippy hòa vào cuộc đấu tranh chống chính quyền ở miền Nam, đấu tranh phản chiến diễn ra ở các đô thị Nam Việt Nam và một số nước như Mỹ, Pháp vậy. Nhưng thời ấy, đó là cái lãng mạn có thật, chân thành, vô tư lợi và tự do. Bây giờ, với hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ, ăn lương của dân, phục vụ cho việc tuyên truyền, bảo vệ đảng và chế độ chính trị thì cớ gì không dấn thân ? Nếu không dân thân thì đó là vì năng lực kém hoặc vì hèn và sợ hãi của nhà báo trong cái vòng kim cô của đảng như cách nói của nhiều blogger, hoặc vì không có lợi về việc kiếm chác thu nhập thêm.
Đúng là sẽ có rất nhiều giá trị trong nghiệp dĩ báo chí và cũng rất cần trân trọng, cảm động kỷ niệm những giá trị đó nếu hoạt động báo chí diễn ra giống như nó đang diễn ra ở nhiều nền văn hóa chính trị khác, trong đó nhà báo tự nguyện và được khuyến khích, được tạo điều kiện để thực hiện những thiên chức xã hội, cộng đồng, công chúng của mình. Còn ở Việt Nam, để có được những giải báo chí quốc gia, được chọn lựa từ hàng ngàn tác phẩm dự thi, trước hết, như được quảng cáo trước đó trên VTV1, phải bám sát các chủ trương chính sách của đảng, nhà nước.
Có lẽ vì vậy, cũng trong sáng ngày 21/6/2012, Quốc hội làm việc, bỏ phiếu thông qua một số luật, trong đó có Luật Biển, song cho đến tối ngày 21, rất ít cơ quan thông tin nhà nước đưa tin này như nội dung điểm tin trên anhbasam.wordpress.com. Riêng với VTV1, buổi trưa có lướt qua nội dung làm việc buổi sáng nhưng không có đưa tin tại chỗ, xem như Quốc hội họp kín; đến buổi tối thì không còn nội dung gì của phiên làm việc buổi sáng nữa. Phương án chọn lọc thông tin đó hết sức lạ lùng trong hoàn cảnh đây là bộ luật mà đúng ra đã thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội trước. Không biết đó là bám sát chủ trương của đảng, nhà nước hay thực hiện đúng cam kết của nhà đài VTV trong văn bản hợp tác với phía đài Trung Quốc; hoặc cũng có thể, đó là quyết định chọn tin theo quan điểm Trọng Thủy để phù hợp với việc có 01 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu chống việc thông qua Luật Biển.
Với những người không làm báo, chỉ thụ hưởng thông tin trong xã hội ta, cách làm của báo chí như thế nào chắc cũng là đúng, là có lý, là hợp chủ trương, quan điểm lãnh đạo của đảng, vì đó là báo chí cách mạng. Nhờ vậy mà báo chí được tự do, hưởng nhiều mưa móc của chế độ, chả so với báo chí tư sản, chẳng hạn như Mỹ, giải báo chí danh giá nhất là giải Pulitzer, cũng chỉ giao cho một trường đại học tổ chức; nhà nước cũng không bỏ ra đồng bạc nào để thăm viếng ngày nhà báo và tài trợ cho giải thưởng; cũng không có vị lãnh đạo nào đến dự buổi trao giải. Giá trị giải thưởng cũng trên dưới 10.000 dollar.
Có thể, trong niềm hân hoan như vậy, không một nhà báo Việt Nam nào nghĩ đến việc tạo ra những tác phẩm báo chí bám sát chủ trương chính sách của Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa và nhà nước Hoa Kỳ để nhận giải Pulitzer.
Xích Tử

No comments:

Post a Comment