Saturday, July 4, 2020

Tin Tức: Thứ Bảy, 04.07.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Tâm Anh&Đồng Tâm trình bày sau đây.
VIỆT NAM ĐANG GIAM GIỮ 276 TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM
Theo thống kê chưa đầy đủ của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defender- DTD), tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 276 tù nhân lương tâm, bao gồm 206 người thuộc dân tộc Kinh, 62 người Thượng, 6 người H’mong và 2 người Khmer Krom. Ba mươi lăm trong số các tù nhân lương tâm là nữ.
63 người hoạt động đang bị giam giữ trong thời gian điều tra hoặc chờ phiên tòa xét xử, gồm 16 người đã bị bắt trong năm 2018-2019 và 47 người còn lại bị bắt vào năm 2020. Trong số đó có nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng- Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và blogger Phạm Chí Thành bút danh Phạm Thành.
213 người đã bị kết án – chủ yếu là các tội phạm chính trị theo các Điều 79, 87 và 88 của Bộ luật Hình sự 1999, hoặc Điều 109, 117 và 331 tương ứng trong Bộ luật Hình sự 2015.
Trong sáu tháng đầu năm 2020, Việt Nam bắt giữ ít nhất 50 người hoạt động, và kết án sáu nhà hoạt động với tổng số 18 năm tù và ba năm quản chế.
HOA KỲ NÂNG TẦM MỤC TIÊU CHO “SÁNG KIẾN HẠ LƯU SÔNG MEKONG”
Hoa Kỳ và các đối tác Đông Nam Á, trong đó có cộng sản Việt Nam, vừa đồng ý nâng tầm mục tiêu của chương trình “Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong” (LMI) nhằm tăng cường sức mạnh chung của nhóm.
Gần đây, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông David Stillwell đã trao đổi trên mạng với quan chức của Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia để thảo luận về việc mở rộng sự tham gia của Hoa Kỳ vào chiến lược chung của các quốc gia hạ vùng sông Mekong ở khu vực Đông Nam Á. Ông Stillwell cho biết, Hoa Thịnh Đốn ủng hộ các nỗ lực của khu vực để chia sẻ trách nhiệm đối với sông Mekong theo cách minh bạch và bền vững, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, và tăng cường an ninh năng lượng.
Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong (LMI) là một chương trình đối tác đa quốc gia do Hoa Kỳ khởi xướng năm 2009 nhằm thúc đẩy sự hợp tác tại khu vực sông Mekong. Chương trình hợp tác bao gồm 6 nội dung chính: Nông nghiệp và An ninh Lương thực, Kết nối, Giáo dục, An ninh Năng lượng, Môi trường và Nước, Y tế và nhiều vấn đề khác.
VIỆT NAM VÀ HOA KỲ MONG MUỐN TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ, CÙNG PHẢN ĐỐI TRUNG CỘNG BÀNH TRƯỚNG Ở BIỂN ĐÔNG
Việt Nam và Hoa Kỳ cùng lúc đưa ra các thông điệp về tăng cường quan hệ ngoại giao, đồng thời bày tỏ lo ngại về hành động gây hấn của Trung Cộng tại Biển Đông.
Trong cuộc họp báo ngày 02/7, phát ngôn nhân  của Bộ Ngoại giao Việt Nam,  bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sáu năm thiết lập và thực thi quan hệ đối tác toàn diện,Việt Nam và  Hoa Kỳ đã có những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.”
Trong cuộc gặp với báo chí Việt Nam cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink khẳng định quan hệ hai nước hiện rất tốt đẹp, với nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước cam kết sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ này và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những giá trị chung về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cởi mở, thịnh vượng và công bằng.
Cũng trong thời gian này, Mỹ và Việt Nam đều đưa ra thông điệp phản đối Trung Cộng ở Biển Đông. Ông Kritenbrink cho biết Hoa Kỳ “phản đối các hành động của Trung Cộng trong việc can thiệp và cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động lâu năm của Việt Nam”. Và nhấn mạnh rằng “Trung Cộng cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực.”
LÀO TIẾP TỤC XÂY DỰNG ĐẬP LUANG PRABANG BẤT CHẤP BỊ PHẢN ĐỐI
Theo Uỷ hội Sông Mekong (MRC), chính phủ Lào vẫn tiếp tục kế hoạch xây dựng thêm dự án thủy điện thứ 3 mang tên Luang Prabang trên sông Mekong mặc cho các quốc gia lân cận lo ngại về các hậu quả xấu gây ra cho nghề đánh cá và trồng trọt ở vùng hạ lưu của sông.
Công suất của dự án thủy điện này lên đến 1,400 megawatt, được dự định khởi công từ đầu năm nay.  Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã bày tỏ mối lo ngại của họ về dự án này và kêu gọi Lào cần đánh giá kỹ hơn nữa tác động nó. Trước đó, Vientiane đã hoàn thành 2 dự án Xayaburi có công suất là 1,285MW và Don Sahong 260 MW cho dù có sự phản đối của nhiều cơ quan bảo vệ môi trường. Được biết, dự án Luang Prabang có sự tham dự của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam Power Corporation).
NHÀ HOẠT ĐỘNG NATHAN LAW TRỐN THOÁT KHỎI HONGKONG
Ông Nathan Law, nhà hoạt động dân chủ của Hồng Kông nói rằng số phận của Hồng Kông cho thấy chân tướng chủ nghĩa chuyên chế của Trung Cộng. Ông Là kêu gọi thế giới nên đứng lên chống lại Chủ tịch TC Tập Cận Bình và đặt nhân quyền lên trên lợi ích tài chính.
Ông Nathan Law, 26 tuổi, trốn thoát khỏi Hồng Kông trong tuần này, sau khi Bắc Kinh công bố luật an ninh quốc gia. 
Anh Quốc cho biết luật an ninh quốc gia vi phạm các thỏa thuận được đưa ra tại thời điểm bàn giao, và Trung Cộng đang phá hủy các quyền tự do giúp Hồng Kông trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh và các viên chức Hồng Kông thân Trung Cộng tuyên bố rằng luật này rất quan trọng để lấp lỗ hổng trong các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình của nhóm đòi dân chủ cho HK hồi năm ngoái. Trung Cộng nhiều lần yêu cầu các cường quốc phương Tây ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông. 
THỦ TƯỚNG PHILIPPE TỪ CHỨC, TỔNG THỐNG PHÁP BỔ NHIỆM THỦ TƯỚNG MỚI
Vào thứ Bảy ngày 03/7, Thủ tướng Pháp, ông Edouard Philippe đã đệ đơn từ chức và đã được Tổng thống Emmanuel Macron chấp thuận. Chỉ ít giờ sau đó, Tổng thống Macron đã bổ nhiệm thủ tướng mới là ông Jean Castex.
Trước khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Jean Castex là điều phối viên quốc gia, phụ trách chiến lược giải tỏa trong cuộc khủng hoảng y tế Vũ Hán. Ông Castex sinh năm 1965, tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia Pháp, đã từng đảm nhiệm chức phó tổng thư ký phủ tổng thống dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Việc cải tổ nội các lần này đã được Tổng thống Macron thông báo cách đây nhiều ngày, khi nói rằng ông mong muốn có một “ê kíp mới” để tiếp tục cho đến cuối nhiệm kỳ từ nay đến 2022 theo một “đường hướng chính trị mới.

No comments:

Post a Comment