Sunday, July 26, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 26.07.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Hương Thu và Nguyên Khải

1/CHÂU CHẤU TRE TỪ TRUNG CỘNG TRÀN SANG ĐIỆN BIÊN, GÂY THIỆT HẠI CHO NGÀNH NÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
Trong gần cả tuần nay, đàn châu chấu tre lưng vàng bay từ hướng biên giới Trung Cộng sang cắn phá rừng tre và gây hại khoảng 20 hecta rẫy bắp ở một xã thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Trong quá khứ, có nhiều đợt châu chấu lưng vàng đến từ Lào, nhưng đây là lần đầu tiên đàn châu chấu xuất phát từ Trung Cộng.
Hiện châu chấu tre đang tiếp tục di chuyển, sinh trưởng nhanh ghép đôi để đẻ trứng nên có thể sẽ bay phân tán trên địa bàn huyện Mường Nhé. Loại châu chấu này chỉ thích ăn lá rừng, tre nứa, khu vực ít tre nứa thì chúng phá hoại ngô.
2/ ÚC GỬI CÔNG HÀM LÊN LIÊN HIỆP QUỐC PHẢN ĐỐI YÊU SÁCH CỦA TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG
Vào thứ Năm ngày 23/7, Chính phủ Úc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông. 
Công hàm của Úc có đoạn viết: “Chính phủ Úc bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc không tuân theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), đặc biệt là các yêu sách trên biển không tuân theo các quy định về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể.”
 Đồng thời, Úc đã bác bỏ đường cơ sở thẳng mà Trung Cộng áp dụng đối với Tứ Sa- là các quần đảo trên Biển Đông bao gồm Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa và Trung Sa.
Công hàm đã được đăng tải trên trang web của Uỷ ban Giới hạn Thềm lục địa của Liên Hiệp quốc vào ngày hôm sau.  
Cho đến nay, đã có 5 quốc gia chính thức lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Cộng ở Biển Đông. Đó là các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia, Hoa Kỳ và Úc.
3/ LIÊN ÂU HẠN CHẾ XUẤT KHẨU CÔNG NGHỆ GIÁM SÁT SANG HONGKONG
Vào thứ Sáu ngày 24/7, Reuters đưa tin Liên hiệp Châu Âu chuẩn bị một dự thảo trừng phạt Bắc Kinh, nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ giám sát sang Hongkong. Mục đích là tránh để Bắc Kinh chuyển hướng sử dụng nhiều máy móc hoặc nhu liệu nhằm ngăn chặn các cuộc giao tiếp.
Ngoài ra, dự thảo này còn nêu những biện pháp trừng phạt thương mại hoặc xem xét lại các thỏa thuận về cấp thị thực với Hongkong. Các biện pháp này có thể sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 28/07/2020.
Từ khi Trung Cộng áp đặt luật an ninh quốc gia tại cựu thuộc địa của Anh Quốc ngày 30/06, Liên hiệp Châu Âu đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại và giờ đây khối 27 quốc gia này biến lời nói thành hành động.
4/ HOA KỲ BẮT GIỮ THÊM MỘT GIÁN ĐIỆP CỦA TRUNG CỘNG
Vào thứ Sáu ngày 24/7, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo đã bắt được nhà nghiên cứu Juan Tang từng trốn trong Tòa Lãnh sự Trung Cộng tại San Francisco. Bà Tang là một trong 4 công dân Hoa Lục bị Cục Điều tra Liên bang cáo buộc dùng hộ chiếu giả nhập cảnh vào Hoa Kỳ và che giấu sự liên hệ với quân đội Trung Cộng.
Bản thân bà Tang từng phục vụ trong một bệnh viện quân y Trung Cộng. Khi sang Hoa Kỳ, đương sự là chuyên gia về bệnh ung thư và làm việc tại Đại học California từ tháng Giêng năm 2020.
Theo cáo buộc của cục Điều tra Liên bang, bà Tang cùng 3 người khác đã sử dụng hộ chiếu giả, đội lốt nhà khoa học để do thám Hoa Kỳ. Mục tiêu những người này nhắm tới là do thám các cơ sở kinh tế của Mỹ. BàTang bị bắt trong đêm thứ Năm 23/07 và bị đem ra xét xử vào ngày hôm sau.  

No comments:

Post a Comment