Monday, July 6, 2020

Tin Tức: Thứ Hai 06.07.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân HàNguyên Khải
1)  TRUNG CỘNG TIẾN VÀO MỎ DẦU KHÍ LAN TÂY, HÀ NỘI KHÔNG CÓ PHẢN ỨNG
Vào sáng thứ Bảy 4/7, một tàu hải cảnh Trung Cộng đã tiến sát một giàn khoan dầu khí ở mỏ Lan Tây thuộc thềm lục địa VN, nhưng đến chiều tối Chủ Nhật 5/7, CSVN vẫn không lên tiếng phản đối.
Tổ chức Giám sát Hàng hải quốc tế cho biết, chiếc tàu hải cảnh TC mang số 5402 đã rời bến Tam Á vào ngày 1/7. Vào ngày 2/7, tàu 5402 đến đảo Subi thuộc Trường Sa. Đến sáng thứ Bảy 4/7 thì di chuyển rất nhanh đến vùng mỏ Lan Tây, chỉ cách giàn khoan khoảng 3 hải lý về hướng đông nam. Cuối cùng, chiếc 5402 tiến về Bãi Tư Chính, cách giàn khoan Rosneft của Nga khoảng 30 hải lý thì dừng lại. Một chiếc tàu kiểm ngư VN cũng có mặt gần đó để giám sát mọi di chuyển của chiếc tàu Trung Cộng.
Điều đáng lưu ý là từ cuối tháng 5, nhà cầm quyền VN đã thuê một giàn khoan của Pháp để đưa đến khai thác tại mỏ Lan Tây, nhưng đến nay giàn khoan này vẫn bỏ neo ở Vũng Tàu trong khi giá thuê mướn là 135,000 Mỹ kim mỗi ngày.
2) HƠN 200 CÔNG NHÂN VIỆT Ở PHI CHÂU KÊU CỨU VÌ BỊ CÁCH LY
Trong một lời cầu cứu được gửi đi vào cuối tuần qua, một công nhân Việt cho biết, có khoảng 250 công dân Việt đang bị cách ly tại xứ Guinea Xích Đạo (Republic of Equatorial Guinea) ở Phi châu, vì có một người bị nhiễm dịch Vũ Hán.
Đây là nhóm công nhân đang làm việc tại một công trình thủy điện ở xứ Trung Phi này. Sau khi phát giác người nhiễm đầu tiên vào đầu tháng 6, toàn bộ nhóm này bị đưa đến một khu vực cách ly tại bệnh viện. Theo loan báo của giới chức nước này, có thêm 22 người khác trong nhóm cũng bị nhiễm dịch sau khi lấy mẫu xét nghiệm.
Theo lời kể của anh Phạm Ngọc Hoài thì công ty tuyển dụng đã cúp lương và không cung cấp thực phẩm, khiến cho họ lâm vào tình trạng đói khổ và không được chăm sóc y tế. Vì không biết nói tiếng Tây Ban Nha cũng như không có thông dịch viên, nên tình cảnh của họ hiện nay rất khó khăn không biết cầu cứu ai.
3) SỐ NGƯỜI THẤT NGHIỆP TẠI VIỆT NAM ĐANG TĂNG CAO
Làn sóng thất nghiệp, không có công ăn việc làm đang diễn ra trên toàn quốc Việt Nam do hậu quả của đại dịch Vũ Hán trên toàn thế giới.
Theo thống kê của nhà cầm quyền VN, có gần 8 triệu người bị mất việc, dẫn đến sự khốn đốn của 17 triệu thân nhân. Chỉ tính riêng tại thành phố Đà Nẵng, khoảng 180,000 người bị mất việc trong 4 tháng qua, nhưng chỉ có 10,000 người được trợ cấp thất nghiệp. Tại thành phố Hội An, Nghiệp đoàn Xích lô có 100 thành viên, nhưng nay chỉ có 30 người đạp xe trên đường mà không có khách. Cũng theo thống kê thì các ngành dịch vụ bị tác hại nặng nhất, 72% là các nhà hàng, khách sạn. Kế đến là các ngành sản xuất bị thiệt hại gần 68%; sau đó là nông, lâm và hải sản tỷ lệ thiệt hại khoảng 25%. Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua chỉ khoảng 2%, mức thấp nhất kể từ khi CSVN mở cửa kinh tế vào 30 năm trước.
4)  ĐỀ NGHỊ TƯ HỮU HÓA PHI TRƯỜNG VÀ HẢI CẢNG CHU LAI
Nhà cầm quyền tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị nhà nước cho phép tư hữu hóa phi trường và hải cảng Chu Lai.
Đề nghị này được đưa ra trong buổi họp với ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào hôm Chủ nhật 5/7. Theo đề nghị, ngoài việc tư hữu hóa phi trường Chu Lai, giới chức Quảng Nam cũng góp ý để giới tư nhân đầu tư xây dựng và điều hành hải cảng Chu Lai có thể đón tiếp các tàu có trọng tải hơn 50 ngàn tấn, thay vì chỉ 20 ngàn tấn như hiện nay.
Cũng theo đề nghị trên, giới tư nhân có quyền quản trị phi trường và hải cảng Chu Lai, tương tự như ở đặc khu Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, cho phép  nhập cảng xe hơi trực tiếp vào hải cảng này.
5)  SẠT LỞ VÀO LÚC NỬA ĐÊM, 14 CĂN NHÀ Ở CÀ MAU ĐỔ ẬP XUỐNG SÔNG
Vào nửa đêm ngày 4/7, một vụ sạt lở ở chợ Kênh 17, thuộc xã Tam Giang, khiến 12 căn nhà ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đã đổ ập xuống sông, 2 căn  khác cũng đang mấp mé rơi xuống sông.
Theo ghi nhận thì đoạn sạt lở dài khoảng 50 thước, độ lấn sâu vào bờ khoảng 15 thước và độ sâu khoảng 6 thước. Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại khoảng 810 triệu đồng, may mắn không có ai thương vong.
Vào trưa Chủ Nhật 5/7, lực lượng cấp cứu đã đến nơi để giúp người dân di tản. Mỗi gia đình bị mất nhà cửa được trợ giúp 8 triệu đồng (tức khoảng 350 Mỹ kim).
6)  HAI MẪU HẠM HOA KỲ MỞ CUỘC TẬP TRẬN Ở BIỂN ĐÔNG
Hàng chục oanh tạc cơ hạng nặng của Mỹ đã cất cánh đến Biển Đông để tham dự cuộc tập trận của 2 hàng không mẫu hạm: Nimitz và Ronald Reagan, vào hôm thứ Bảy 4/7, ba ngày sau khi hải quân Trung Cộng cũng mở cuộc tập trận bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa.
Hải quân Mỹ cho biết, cuộc tập trận nói trên nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời gửi một tín hiệu đến các đồng minh là Hoa Kỳ nhất quyết bảo vệ sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Trước đó, vào ngày 1/7, Trung Cộng đã bắt đầu mở cuộc tập trận kéo dài 5 ngày, từ ngày 1 đến ngày 5/7, ở quần đảo Hoàng Sa, nơi mà các nước trong vùng đang tranh chấp chủ quyền. Ngoại trừ Việt Nam, Hoa Kỳ và Philippines đều lên tiếng phản đối cuộc tập trận này của Trung Quốc.
7)  TRUNG CỘNG TĂNG MỨC BÁO ĐỘNG KHẨN CẤP TRÊN SÔNG DƯƠNG TỬ
Vào cuối tuần qua, Trung Cộng đã nâng mức báo động lên cấp 3, khi mực nước sông Dương Tử tiếp tục dâng cao làm tăng thêm ngập lụt ở miền nam Hoa Lục. Có ít nhất 106 người chết và mất tích, với 15 triệu dân Tàu đang khốn khổ vì lũ lụt.
Trong mấy ngày qua, hàng loạt các tỉnh thành tại Hoa Lục bị chìm trong biển nước, đặc biệt là thành phố Trùng Khánh ở thượng nguồn sông Dương Tử. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi đập thủy điện khổng lồ Tam Hiệp phải ào ạt xả nước để giảm nguy cơ vỡ đập.  Các hình ảnh mới nhất cho thấy, trung tâm thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy và một số thành phố thuộc tỉnh Quảng Tây bị chìm trong biển nước sâu hơn 1 thước.
Theo tin của Xinhua, hồ Động Đình là một trong 4 hồ có diện tích lớn nhất tại Trung Quốc, thuộc thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, mực nước hồ này đã dâng cao vượt qua mức cảnh báo, không còn giữ vững vai trò điều hòa trong cơn lũ liên tục. Theo dự báo, các trận mưa lớn sẽ còn tiếp tục đổ xuống miền nam Hoa Lục trong tuần này.

No comments:

Post a Comment