Thursday, July 16, 2020

Bầu Cử Thật, Bầu Cử Giả và Tội Danh Khinh Thường Trí Thông Minh của cả một Dân tộc

Bình Luận

Đảng CSVN đã phạm một sai lầm chiến lược và đi dến diệt vong vì dám ngang nhiên khinh thường sự thông minh của dân tộc Việt.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đào Tăng Dực với tựa đề: “Bầu Cử Thật, Bầu Cử Giả và Tội Danh Khinh Thường Trí Thông Minh của cả một Dân tộc” sẽ được Nguyên Khải trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối nay.

Thế nào là bầu cử thật và thế nào là bầu cử giả?
Bầu cử thật là khi cử tri có nhiều sự chọn lựa thật sự giữa những cá nhân hoặc chính đảng độc lập, với những sách lược khác nhau hầu điều hành guồng máy lãnh đạo một quốc gia, một đơn vị trong quốc gia hoặc một tập thể trong xã hội dân sự.
Bên cạnh đó, cần phải có một hệ thống kiểm phiếu độc lập, chí công vô tư, nghiêm khắc loại trừ tất cả mọi âm mưu gian lận bầu cử hầu cướp đi quyền tự quyết nền tảng của nhân dân.
Bầu cử giả thì ngược lại.
Đó là khi người dân không có sự chọn lựa thật sự vì chính trường chỉ có một chính đảng duy nhất hiện diện. Trước khi bầu cử thì nhân sự lãnh đạo đã được sắp xếp rồi. Thêm vào đó, định chế kiểm phiếu và toàn bộ nhân viên kiểm phiếu đều đưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất.
Bầu cử tại Hoa Kỳ vào tháng 11, 2020 này sẽ là một cuộc bầu cử thật. Lý do là vì cử tri Hoa Kỳ sẽ có cơ hội chọn lựa giữa 2 chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ và những tập thể hoặc các nhân khác nhau cho các định chế điều hành quốc gia như Tổng Thống, Thượng Viện, Hạ Viện Liêng Bang, thống đốc các tiểu bang, lập pháp các tiểu bang…
Hệ thống kiểm phiếu của Hoa Kỳ vô tư và bất cứ một sự tranh chấp nào về kỷ thuật kiểm phiếu cũng có thể bị tòa án giám sát nghiêm khắc.
Cho đến ngày hôm nay, không ai có thể dự đoán chắc chắn rằng TT Donald Trump sẽ tái đắc cử hay cựu phó TT Joe Biden sẽ thắng cử. Hoa Kỳ là một nền dân chủ chân chính vì thế.
Tại Úc, tuy chưa đến mùa tổng tuyển cử, nhưng trong cuốc bầu cử bổ túc (bye- election) đơn vị Eden-Monaro của quốc hội liên bang ngày 4 tháng 7, 2020 này thì ứng cử viên Đảng Lao Động Kristy McBain được tiên đoán sẽ thắng cử và ứng cử viên đảng Tự Do Fiona Kotvojs sẽ thua phiếu. Tuy nhiên kết quả sít sao đến nỗi chính bà Kristy McBain chưa dám tuyên bố thắng cử và bà Fiona Kotvojs cũng chưa công nhận thất cử cho đến khi là phiếu bằng bưu điện cuối cùng được thẩm định. Chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiện nếu có tình trạng về ngược hoặc tranh tụng kết quả trước một tòa án trong tương lai.
Trong khi đó tại Việt Nam thì hoàn cảnh trái ngược. Trước hết là Việt Nam qua điều 4 hiến pháp, quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối, vô điều kiện không giới hạn lãnh vực hoặc thời gian cho đảng CSVN. Trên nguyên tắc, một khi điều 4 hiến pháp quy định như thế thì không cần bầu cử gì cả, đảng CSVN vẫn có thể nắm quyền lực chính trị tuyệt đối.
Ngay trong trường hợp đảng CSVN cho bầu cử tự do và họ không nắm được đa số trong quốc hội thì chiếu theo tinh thần điều 4 này, đảng CSVN vẫn nắm quyền như thường.
Tuy nhiên Hiến Pháp 2013 và những tiền thân của nó vẫn mỵ dân và quy định bầu cử quốc hội mỗi 5 năm. Đồng thời bộ luật Bầu Cử Dân Biểu Quốc Hội 1997, dưới hiến pháp lạ lùng này, cũng quy định các ứng cử viên phải được Mặt Trận Tổ Quốc, vốn là ngoại vi do đảng kiểm soát, đồng ý tuyển chọn. Hầu như lúc nào MTTQ cũng chọn ít nhất là 90% ứng cử viên từ thành phần đảng viên của đảng. Chính vì thế, cử tri tuy đi bầu nhưng kết quả không bao giờ thay đổi và đảng toàn trị từ ngày cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến nay.
Dĩ nhiên định chế kiểm soát phiếu cũng do đảng lãnh đạo tuyệt đối và không có một hệ thống tư pháp nào có thẩm quyền duyệt lại kết quả bầu cử do đảng chủ trương.
Kết luận của bất cứ một con người có lý trí nào cũng là: bầu cử tại Việt Nam là bầu cử giả.
Tại sao như thế?
Lý do thì nhiều nhưng nguyên ủy đều phát xuất từ một nhân vật lịch sử quan trọng, khai sinh ra Phong Trào Đệ Tam Cộng Sản Quốc Tế là Vladimir Illitch Lenin (Lê Nin).
Khoảng tháng 3 năm 1917, nhiều phe nhóm dưới sự lãnh đạo của nhà ái quốc Nga là Alexander Kerensky lật đổ Nga Hoàng cũng như chế độ quân chủ và thành lập một nền cộng hòa. Tuy nhiên vì sự bất ổn chính trị mà chính quyền chưa thể ổn định, Lê Nin lãnh đạo một cuộc cướp chính quyền và đảng cộng sản lên ngôi. Lê Nin xuất thân là một luật sư, sau đó dấn thân vào công cuốc tranh đấu chống Nga Hoàng, trở thành một nhà hoạt động và lý thuyết gia Mác Xít hàng đầu tại Âu Châu.
Tuy nhiên, nước Nga lúc đó chưa phải là một quốc gia phát triển kỹ nghệ như các nước Tây Phương và đội ngũ lao động thợ thuyền rất ít ỏi hầu đẩy mạnh cuộc cách mạng vô sản theo đúng lý thuyết Mác Xít. Phần còn lại của xã hội Nga là những nông dân Kulak hữu sản và những người dân Nga chân lấm tay bùn, vừa thoát thai từ chế độ nông nô hằng trăm năm qua.
Chính vì thế trong lòng của Lê Nin nuôi dưỡng một sự khinh bỉ tột cùng trí thông minh của đại khối nhân dân Nga Sô. Lê Nin tin tưởng mãnh liệt rằng, người dân Nga quá ngu dốt, không thể tin tưởng đươc họ tiến hành cuộc cách mạng cộng sản. Đảng CS phải lãnh đạo cuộc cách mạng này thay cho họ.
Đồ đệ của Lê Nin là Stalin hoàn toàn thể hiện lập trường của Lê Nin khi Ông tuyên bố rằng: “Những cử tri đi bầu không quyết định gì cả. Những kẻ kiểm phiếu quyết định tất cả” (Those who vote decide nothing. Those who count the vote decide everything)
Khi đảng CSVN hiến định hóa điều 4 hiến pháp và sự hiện hiện của Mặt Trận Tổ Quốc, theo điều 9 hiến pháp, cũng như thông qua Bộ Luật Bầu Cử… thì họ thi hành chỉ thị của Stalin (Kẻ kiểm phiếu quyết định tất cả) và như những đệ tử chân truyền của Lê Nin, họ cũng thể hiện trong tâm thức, lòng khinh bỉ sâu xa trí thông minh của cả dân tộc Việt.
Đây không những là một “tội danh” trên bình diện đạo đức mà còn có thể là một “trọng tội” trên bình diện hình luật. Sau khi đảng CSVN cáo chung và bị nhân dân vứt vào thùng phân thối tha của lịch sử thì toàn dân sẽ ấn định bằng lá phiếu của mình, trong một cuộc bầu cử chân thật và nghiêm minh, hình phạt nào dân tộc sẽ dành cho tội danh “khinh thường sự thông minh của dân tộc Việt Nam này”.
Luật sư Đào Tăng Dực

No comments:

Post a Comment